“Nghẽn mạng” giao dịch phiên chiều và câu chuyện năng lực hệ thống
Những phiên chiều xôn xao vì “nghẽn mạng” trên sàn chứng khoán gần đây đang đặt ra nhiều thắc mắc xoay quanh hạ tầng giao dịch của sàn HOSE, sàn giao dịch sôi động nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sàn HOSE liên tục phát sinh sự cố trong phiên chiều
Những phiên giao dịch gần đây, các công ty chứng khoán (CTCK) liên tục phát đi những thông báo liên quan tới việc hệ thống giao dịch trực tuyến ở CTCK ghi nhận sự cố gián đoạn nhận kết quả từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Việc này dẫn tới lệnh của khách hàng tại các công ty này không thể chuyển đến HOSE hoặc chưa được cập nhật kết quả.
Kết quả là nhà đầu tư không thể giao dịch suôn sẻ trong phiên chiều như bình thường vì lệnh không đi được.
Sự cố gián đoạn nhận kết quả từ Sở chỉ mới được ghi nhận gần đây. Theo thông báo của HOSE ngày 17/12 về phản ánh của một số CTCK về lệnh giao dịch có hiện tượng chậm, HOSE cho biết đã phát hiện một vài trường hợp kết quả khớp lệnh được trả về chậm, có thể do hoạt động giao dịch tăng mạnh trong phiên.
Dù vậy, “hệ thống giao dịch chuyển sang phiên khớp lệnh ATC và kết thúc ngày giao dịch bình thường, không có sai sót”, thông báo của HOSE ghi rõ.
Trên thị trường vẫn đang truyền tai nhau giả thiết về việc thị trường giao dịch bùng nổ khiến hệ thống giao dịch của Sở quá tải. Quả thực, theo dõi lại diễn gần đây thì rõ ràng là thanh khoản thị trường đang tăng rất mạnh.
Từ sau tháng giữa tháng 11/2020, khối lượng giao dịch trên HOSE liên tục đạt trên 400 – 500 triệu đơn vị/phiên, tương ứng mức giá trị trên 10,000 tỷ đồng/phiên. Tại phiên 23/12, khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 813 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch gần 15,000 tỷ đồng (trong đó 90% là từ khớp lệnh). Con số này là mức cao chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Câu chuyện năng lực hệ thống
Tại Hội thảo công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2020 của Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (VSJC), ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT HOSE cho biết trong một vài phiên gần đây, việc nhập lệnh, chuyển lệnh đến sở có một số biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, lãnh đạo HOSE nhấn mạnh diễn biến này khác hoàn toàn so với sự việc từng xảy ra trong quá khứ. Các hiện tượng trên thị trường gần đây vẫn đang được bộ phận công nghệ thông tin của sở theo dõi, giám sát cùng với công ty chứng khoán. Vì vậy, để giải thích hiện tượng thỏa đáng, cần thời gian, dữ liệu cụ thể để phân tích.
Hệ thống của các CTCK kết nối đến hệ thống của Sở như đường ống nước, khi lượng nước tăng gấp chục lần thì không có hệ thống nào hoạt động bình thường. Nguyên lý thiết kế của hệ thống, các đường ống không phình theo số lượng lệnh, năng lực của CTCK và hệ thống của Sở, đường truyền sẽ có những giới hạn nhất định.
Trước mắt, HOSE đang đề xuất việc tăng đơn vị lô từ 10 lên 100 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua. Theo ông Trà, điều này sẽ làm giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường, trong quá trình chờ hệ thống mới. Nhìn chung điều này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống khi lượng đặt lệnh sẽ có chiều hướng giảm so với trước.
Nhưng nâng lô giao dịch cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Nhìn xa hơn thị trường trong tương lai sẽ còn tăng trưởng, thanh khoản thị trường sẽ còn đạt tới những mức cao hơn vì vậy bài toán đặt ra vẫn là nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch.
Chia sẻ về quá trình đổi mới hệ thống, ông Trà cho hay Sở có dự án công nghệ thông tin mới sẽ thay đổi toàn bộ nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm nay, hệ thống dự tính được hoàn thành. Tuy nhiên, do Covid-19, các chuyên gia của nhà thầu Hàn Quốc không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Bước sang năm 2021, việc triển khai hệ thống giao dịch là nhiệm vụ trọng tâm của Sở. Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng hệ thống này có thể đáp ứng được thanh khoản hơn nhiều so với hiện tại.
Nhưng khi với giao dịch đột biến lên 50,000 tỷ đồng “sẽ là câu chuyện khác”, ông Trà nói thêm, đấy là chuyện không lường trước được. Sự tăng trưởng năng động của thị trường sẽ đưa đến một con số khó đoán định. Câu chuyện tăng năng lực hệ thống cũng không phải muốn bao nhiêu là được vì ngân sách là có hạn và việc bổ sung thêm chi phí đầu tư là cả một quá trình.
Lỗi không của riêng ai?
Khi phát sinh sự cố “nghẽn mạng” như những phiên gần đây, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư bán không được mà mua cũng không xong. Những thiệt hại nếu có thì nhà đầu tư cũng sẽ phải gánh chịu mà nguyên nhân không phải do chính họ tạo ra.
Theo như lý giải hệ thống quá tải thì lỗi ở nhà đầu tư lúc này có chăng chỉ là bỏ quá nhiều tiền vào chứng khoán?!
Sự minh bạch và giải pháp thức thời hơn là điều nhà đầu tư muốn có vào thời điểm này. Vì thanh khoản dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong khi các giải pháp được cơ quan quản lý đưa ra không thể lập tức áp dụng trong một sớm một chiều.
Cho đến sáng nay, khi VN-Index có nhịp giảm gần 30 điểm thì sự cố “chập chờn” lại diễn ra. Chẳng hạn ở Chứng khoán HSC đã có lúc thông báo dịch vụ giao dịch trực tuyến tạm thời bị gián đoạn. Hay Chứng khoán FPT (FPTS) đã ra thông báo tạm dừng sửa/hủy lệnh trên HOSE từ 10h40 sáng tới 11h30.
Lượng khớp phiên sáng trên HOSE tăng gần 33% so với thời điểm của ngày hôm qua, đạt 650 triệu đơn vị. Các ý kiến còn cho rằng, có lẽ nhà đầu tư sợ chiều không đẩy được lệnh nên tranh thủ đặt lệnh vào phiên sáng khiến lượng lệnh dồn vào buổi sáng.
Câu hỏi là: “Chiều nay có còn nghẽn mạng?”
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận