24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngày thứ Hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ

Hôm qua là một ngày Thứ Hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số Dow Jones giảm hơn 2.000 điểm và Sàn chứng khoán New York phải tạm dưng giao dịch 15 phút do chỉ số S&P (500) giảm hơn 7%.

Phố Wall “tắm máu”

Cú rơi tự do của giá dầu cộng với nỗi lo về dịch virus corona chủng mới (Covid-19), khiến giới đầu tư ở Phố Wall “giẫm đạp” nhau, tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán.

Chỉ 5 phút sau khi thị trường mở cửa, chỉ số S&P 500 (đại diện cho cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ) cắm đầu giảm hơn 7%, khiến Sàn giao dịch chứng khoán New York phải tạm ngưng giao dịch 15 phút để giúp bảo vệ nhà đầu tư. Theo quy định, cơ chế tạm ngắt giao dịch này sẽ được kích hoạt nếu chỉ số S&P 500 giảm từ 7%.

Chỉ số S&P 500 chốt phiên giao dịch với tổn thất 7,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12-2008, thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các cổ phiếu ngành dầu khí và ngân hàng dẫn đầu đà giảm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng lao dốc hơn 1.800 điểm chỉ ít phút sau khi thị trường mở cửa. Cổ phiếu dầu khí nằm trong nhóm giảm giá mạnh nhất với cổ phiếu của Công ty năng lượng Chevron giảm 14,5% và cổ phiếu của Tập đoàn ExxonMobil giảm 14,3%. Chỉ riêng hai cổ phiếu này đóng góp 140 điểm trong mức giảm hơn 1.800 điểm của Dow Jones.

Vào lúc thị trường đóng cửa, Dow Jones giảm 2013,76 điểm (7,79%), về mức 23.851,02 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch của chỉ số này kể từ tháng 10-2008.

Chỉ số Nasdaq Composite chốt phiên với mức giảm 7,29%, trong đó, nhóm cổ phiếu dầu đá phiến giảm mạnh nhất, chẳng hạn, cổ phiếu của Công ty Diamondback Energy và Công ty Marathon Oil Corp. lần lượt giảm 44,65% và 46,81%.

Giá dầu rơi tự do trong phiên giao dịch hôm qua, do Saudi Arabia và Nga lao vào cuộc chiến giá dầu, đã bồi thêm một cú sốc cho giới đầu tư, khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu vào cơn hỗn loạn.

Vào lúc thị trường đóng cửa, chỉ số giá dầu Tây Texas (WTI) giảm gần 26% về mức 31,13 đô la trên thùng, trong khi đó, chỉ số giá dầu Brent giảm 24%, về mức 33,36 đô la/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu WTI có lúc giảm đến 34%, xuống mức 27,34 đô la/thùng. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy hai chỉ số này trải qua phiên giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1991.

Cơn hỗn loạn trên các thị trường tài chính đẩy tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm về mức thấp kỷ lục trong lịch sử khi giới đầu tư đổ xô mua các tài sản ít rủi ro.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, tỷ suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm về mức 0,501%. Trong phiên giao dịch, tỷ suất trái phiếu này có lúc giảm xuống mức 0,318%.

Tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm sâu về mức 0,702% trước khi phục hồi về mức 1,03%. Điều này cho thấy rằng giới đầu tư lo lắng về triển vọng dài hạn của nền kinh tế đến nỗi chấp nhận mức tỷ suất nhỏ nhoi trong 30 năm tới.
Thị trường vàng chứng kiến phiên giao dịch co giật khi giá vàng tương lai trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng vọt lên mức 1.702,56 đô la Mỹ/ounce vào đầu phiên nhưng sau đó thoái lùi do hoạt động chốt lời và đóng cửa ở mức 1.675,7 đô la/ounce, tăng nhẹ 0,2% so với giá đóng cửa hôm trước.

Nhà đầu tư hoảng sợ báo hiệu suy thoái cận kề

Giới phân tích cho rằng sự kết hợp của hai cú sốc là giá dầu giảm không phanh và diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã đẩy tăng bất ổn trên các thị trường và cơn hoảng sợ của giới đầu tư.

Hôm qua, chỉ số VIX, dùng để đo lường biến động chung của thị trường chứng khoán Mỹ trong 30 ngày tới, tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12-2008. Chỉ số này được xem là chỉ báo nỗi sợ hãi của giới đầu tư. Khi chỉ số này tăng, thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng giảm và ngược lại.

Ngày thứ Hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ
Với mức giảm gần 25% (ô ngang màu vàng), chỉ số giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York trải qua phiên giao dịch giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra. Ảnh: CNBC

“Dịch Covid-19 đặt giới đầu tư vào một vấn đề toàn cầu chưa có tiền lệ. Giới đầu tư đang hoang mang về tính chất của dịch Covid-19 và tác động kinh tế tiềm nàng của nó cũng như phản ứng chính sách trên toàn cầu. Cú sốc trên thị trường dầu chỉ càng làm gia tăng thêm cơn hỗn loạn và bất ổn. Một điều là chúng ta biết rõ là các thị trường giờ đang trong trong trạng thái hoảng sợ”. Paul O’Connor, giám đốc danh mục đầu tư ở Công ty Janus Henderson Investors, nhận định.

Trong khi đó, Michael Hewson, Giám đốc phân tích thị trường ở Công ty CMC Markets UK cho rằng, giá dầu trượt dài cùng với các cơn bùng phát của dịch Covid-19 lan rộng hơn ở khắp châu Âu đang gay sức ép cho thị trường. Thêm vào đó, chính phủ Ý phong tỏa toàn bộ miền bắc đất nước và ở khu vực quanh vùng Milan, đã làm tăng tốc cuộc tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán, đẩy tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ về mức thấp kỷ lục.

Tác động của dịch Covid-19 dù chưa thể thẩm định đầy đủ nhưng một số công ty Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được mất mát cụ thể qua những con số ban đầu.

Hôm 9-3, Học Viện Công nghệ Truyền thông và Thông tin Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy trong tháng 2-2020, Apple chỉ bán được 494.000 iPhone ở Trung Quốc, giảm 54,7% với con số 1,27 triệu vào cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất iPhone ở Trung Quốc và làm suy giảm nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu Apple giảm 7,91%.

“Đó là một cơn bão hoàn hảo. Bạn đang hoang mang rất nhiều về việc dịch Covid-19 sẽ lây lan đến mức nào ở Mỹ. Cú giảm giá dầu càng chồng chất thêm bất ổn. Giá dầu giảm mạnh giống như giọt nước tràn ly đối với thị trường”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư ở Công ty Independent Advisor Alliance, nói.

Nhiều nhận định khác cũng cho rằng, thị trường đang đối mặt với nhiều bất ổn và nếu giá dầu tiếp tục giảm, điều này báo hiệu rằng cơn suy thoái kinh tế toàn cầu không còn xa.

Viết trên Twitter, Jim Cramer, cựu quản lý của một quỹ phòng hộ và là người đồng sáng lập trang tài chính TheStreet.com, mô tả rằng cú sụp đổ trên thị trường dầu và tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ là chưa có tiền lệ và vượt xa các cơn hỗn loạn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Sự sụp đổ của thị trường dầu và tỷ suất trái phiếu chính phủ Mỹ báo hiệu một cơn suy thoái cận kề”, ông Jim Cramer nhận định

Theo Market Watch, Reuters, Bloomberg

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả