24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành xe điện Trung Quốc chuẩn bị đón “sóng” sáp nhập

Các hãng xe điện của Trung Quốc đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn sau thập kỷ bùng nổ đầu tư.

Hậu quả của cuộc chiến giá cả

Khi thành lập vào năm 2017 ở Thượng Hải, tương lai của startup xe điện Aiways có vẻ tươi sáng. Được dẫn dắt bởi các cựu giám đốc điều hành của Volvo và một số hãng ô tô nhà nước, startup này đã được “gã khổng lồ” công nghệ Tencent, tập đoàn gọi xe DiDi và nhà sản xuất pin CATL rót vốn. Nhưng 6 năm sau, Aiways chưa bao giờ có lãi, phải ngừng sản xuất tại một nhà máy quan trọng và đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên cũng như bán hàng.

“Chúng tôi đã bị đẩy vào ngõ cụt”, các nhân viên của Aiways viết trong một lá thư khiếu nại, yêu cầu giới chức Trung Quốc bắt đầu thủ tục phá sản và yêu cầu công ty trả cho họ số lương còn thiếu.

Việc doanh số bán hàng của nhiều tập đoàn ô tô ở Trung Quốc bị sụt giảm đang dấy lên lo ngại về một làn sóng hợp nhất, mà kết quả là chỉ còn lại một số ít công ty trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.

Tăng trưởng doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đang chậm lại

Ngành xe điện Trung Quốc chuẩn bị đón “sóng” sáp nhập

Mặc dù một số nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang trở thành những cái tên phổ biến, chẳng hạn như BYD, song hàng trăm nhà sản xuất ô tô khác từng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bùng nổ đầu tư suốt thập kỷ qua giờ đây phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Theo thông tin do công ty nghiên cứu MarkLines tổng hợp, có khoảng 50 thương hiệu xe điện nội địa ở Trung Quốc sản xuất ô tô thuần điện và xe xe lai sạc điện (plug-in hybrid). “Nhưng đến năm 2030, sẽ chỉ còn 10 - 12 nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc hoạt động trên quy mô lớn”, nhà phân tích Paul Gong của UBS cho biết.

Kể từ khi Tesla gây ra cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, tốc độ hợp nhất ngành xe điện đã tăng lên.

WM Motor, một startup xe điện khác có trụ sở tại Thượng Hải do cựu chủ tịch Volvo Trung Quốc thành lập, nói với các chủ nợ vào tuần trước rằng họ đã bắt đầu các thủ tục tái cơ cấu vào đầu tháng 10.

Các công ty cùng ngành khác của Trung Quốc là Singulato Motors và Levdeo cũng đã nộp thủ tục phá sản những tháng gần đây, trong khi startup xe điện Enovate có trụ sở tại Thượng Hải đã đình chỉ sản xuất hồi tháng 4.

Zhang Xiang, giáo sư thỉnh giảng tại khoa kỹ thuật của Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe, cho biết: “Giảm giá trở thành điều bình thường mới trên thị trường ô tô Trung Quốc, và điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các công ty ô tô nhỏ hơn bị loại khỏi cuộc chơi”.

Ngành xe điện Trung Quốc chuẩn bị đón “sóng” sáp nhập

Phần lớn công suất dư thừa sẽ trở thành rác

Xuất khẩu được nhiều người coi là một trong những giải pháp cho tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc. Nhưng Đạo luật giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với mục đích làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, và cuộc điều tra chống trợ cấp mà EU vừa triển khai đối với xe điện Trung Quốc làm gia tăng sự không chắc chắn về khả năng xuất khẩu.

Bắc Kinh cũng đã thắt chặt việc cấp giấy phép sản xuất xe điện nhằm giải quyết tình trạng dư thừa ngày càng tăng. Hồi tháng 5, các nhà phân tích của Citigroup dự đoán rằng tỷ lệ công suất hiệu dụng hàng năm tại các nhà máy xe điện trên khắp Trung Quốc sẽ chỉ là 33% vào năm 2023.

BYD và Tesla đang thống trị thị trường xe điện Trung Quốc

Ngành xe điện Trung Quốc chuẩn bị đón “sóng” sáp nhập

Ông Zhang của Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe cho biết: “Sau khi những nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn bị loại khỏi cuộc chơi, chỉ một phần nhỏ công suất sản xuất của họ sẽ được các hãng ô tô khác mua lại và tái sử dụng, còn hầu hết sẽ trở thành rác thải hoàn toàn”.

Không lạc quan vào sự thay đổi

Aiways khác các đối thủ nội địa khác vốn được sinh ra từ chu kỳ bùng nổ xe điện do trợ cấp của Trung Quốc, bởi họ ngày từ đầu đã tập trung và thành công với thị trường nước ngoài. Nhưng khó khăn gần đây của startup này đã cho thấy rõ ràng những thách thức về doanh thu và nguồn vốn của toàn ngành.

Aiways, dưới sự lãnh đạo của cựu giám đốc bán hàng của Volvo Fu Qiang và cựu giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô nhà nước SAIC Gu Feng, đã thành lập một công ty con ở Đức chỉ 5 tháng sau khi thành lập.

Dữ liệu từ Aiqicha, nhà cung cấp thông tin doanh nghiệp Trung Quốc, cho thấy Aiways đã huy động được hơn 33 tỷ nhân dân tệ (4.5 tỷ USD) kể từ khi thành lập. Tính đến cuối năm 2022, Aiways đã xuất khẩu tổng cộng 6,259 ô tô tới hơn 15 quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Costa Rica và UAE. Con số này nhiều hơn các đối thủ trong nước như Xpeng và Nio, theo dữ liệu từ công ty và Hiệp hội Ô tô Trung Quốc.

Nhưng Aiways đã gặp khó khăn để được người tiêu dùng chú ý ở Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Wind, doanh số bán hàng của công ty đã tăng từ 2,698 chiếc vào năm 2021, một năm sau khi ra mắt chiếc xe điện đầu tiên, lên 4,626 chiếc vào năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều mức hơn 151,000 ô tô chạy bằng pin được bán ra trong tháng 9 của BYD, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc.

Vào tháng 01/2022, Zhang Yang, cựu phó chủ tịch của Nio, được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành, thay thế đồng sáng lập Gu Feng trong một cuộc cải tổ quản lý nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng của Aiways. Tuy nhiên, vào tháng 7, quyền kiểm soát công ty đã được chuyển giao cho một công ty “quản trị tạm thời”, do đồng sáng lập Fu và cựu giám đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhu Xiaohua đứng đầu.

Nhân viên công ty cho biết, nhằm kiếm được lợi nhuận, ông Zhu và Fu đang lên kế hoạch tái cơ cấu và bán xe ra nước ngoài dưới một thực thể và thương hiệu mới. Aiways cho biết họ đã bắt đầu trả lương cho nhân viên ở Trung Quốc vài tuần trước.

“Aiways đã tạm dừng sản xuất và đang trong quá trình nhận được nguồn tài trợ và hướng đi mới. Ông Zhu và Fu đã tiếp quản công ty hậu tái cơ cấu và chiến lược là bán ô tô ra thị trường nước ngoài”, công ty cho biết trong một tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng đội ngũ ở Trung Quốc và châu Âu của Aiways cũng đang thực hiện kế hoạch này.

Tuy nhiên, những người trong ngành không lạc quan rằng những thay đổi sẽ thành công.

Tu Le của công ty tư vấn Sino Auto Insights cho rằng: “Họ là những người đầu tiên đến châu Âu, nhưng họ chưa bao giờ có nguồn vốn thực sự tốt, và kỳ vọng tạo ra doanh thu từ việc bán xe của họ cũng chưa bao giờ thành hiện thực”. Theo ông, các nhà đầu tư của Aiways vẫn đang cảnh giác với việc lãng phí tiền vào một công ty đang gặp khó.

Câu hỏi vẫn là tình trạng của các nhà sản xuất ô tô khác sẽ ra sao khi cuộc chiến giá cả tiếp diễn, và họ sẽ chi bao nhiêu tiền để tạo ra được sự thay đổi. Như ông Zhang của Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe nói: “Công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Dây chuyền sản xuất ô tô được xây dựng cách đây 4 hoặc 5 năm giờ không mang lại nhiều giá trị tiện ích ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả