Ngành phân bón – Các doanh nghiệp tìm cách mở rộng thị phần NPK khi thị trường Urê đã bão hòa
Tổng quan về ngành: Việt Nam sản xuất được các loại phân bón chính
Nhìn chung, phân khúc NPK khá phân mảnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp do rào cản gia nhập thấp. Nguyên nhân là do các công ty nhỏ lẻ và hộ kinh doanh thường sử dụng công nghệ đơn giản là phối trộn các loại phân đơn đầu vào, trong khi các công ty lớn dùng công nghệ hóa học phức tạp hơn để sản xuất. Chất lượng sản phẩm và giá bán vì thế cũng có sự chênh lệch.
Trong khi đó, thị phần Urê cả nước được chiếm lĩnh bởi 2 Tập đoàn là PVN (65%) và Vinachem (gần 30%). Các công ty con thuộc Tập đoàn PVN (DPM, DCM) chi phối thị trường miền Nam và khu vực Tây Nguyên, trong khi nhóm các công ty thuộc Vinachem chiếm lĩnh thị trường phía Bắc.
Phân lân đóng vai trò như một hoạt chất bổ trợ giúp cây tăng sức đề kháng, và phù hợp cho các loại cây trồng trên nền đất chua (tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi phía Bắc). Việt Nam có thể sản xuất được phân lân nhờ có quặng Apatite, tuy nhiên công nghệ sản xuất đơn giản (chủ yếu nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc), nên chất lượng phân nội địa kém hơn các loại phân nhập khẩu. Các công ty sản xuất phân lân có công suất lớn hiện nay như LAS, DDV đều thuộc tập đoàn Vinachem.
Dự báo phân khúc Urê trong năm 2024: giá bán ổn định nhờ nguồn cung dồi dào
Cán cân cung – cầu thế giới cân bằng
Dự báo nguồn cung Urê thế giới trong năm 2024 được đảm bảo chủ yếu từ các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc và Nga. Ước tính trong Q2/2024, công suất sản xuất Urê của Trung Quốc tăng lên 188 nghìn tấn/ngày, cao hơn mức trung bình cả năm 2023 là 14%. Tổng công suất thiết kế các nhà máy Urê tại nước này là 60 tr tấn/năm, trong đó tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 50%. Mùa vụ cao điểm của Trung Quốc thường diễn ra trong 6 tháng đầu năm, với việc công suất sản xuất dư thừa, thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.
Ấn Độ và Brazil là hai nước nhập khẩu Urê lớn nhất thế giới, ước tính tổng sản lượng Urê nhập khẩu từ hai nước này khoảng 13 – 14 tr tấn/năm, chiếm khoảng 30% - 40% tổng sản lượng Urê nhập khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng phân bón diễn ra trong giai đoạn 2021 – 2022, khi giá phân bón tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu và bảo hộ nguồn nông nghiệp nội địa, chính phủ hai nước có kế hoạch gia tăng công suất sản xuất Urê.
Với nhu cầu nhập khẩu từ các nước lớn giảm trong năm 2024, trong khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga vẫn hiện hữu, Hiệp hội lương thực thế giới (IFA) dự báo giá Urê có thể dao động từ USD 320 – 350/tấn trong năm 2024, không chênh lệch quá nhiều so với mức trung bình USD 358/tấn trong năm 2023. Do đó chúng tôi kỳ vọng giá Urê nội địa trong năm 2024 có thể giảm từ 3% - 5% YoY, tương quan với diễn biến giá Urê thế giới.
Năm 2024 chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ Urê nội địa tương đương 2023, vì 1) giá bán trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 5% - 10%, do đó nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ hơn có thể gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, 2) triển vọng xuất khẩu không còn nhiều khi nguồn cung thế giới được đảm bảo, và 3) tổng công suất sản xuất phân bón nội địa đã vượt hoặc gần như tương đương nhu cầu tiêu thụ mỗi năm, khiến thị trường phân bón gần như bão hòa, cơ hội gia tăng sản lượng từ nhu cầu tăng là không lớn.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận