menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Ngành mía đường: Phía sau hiện tượng tranh mua tranh bán

Có thể nói Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công thương áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã bước đầu mang lại sinh khí cho ngành mía đường, giúp thoát ra khỏi cơn khủng hoảng kép đã vật lộn suốt năm qua. Nhưng giá đường và nhịp độ vừa tăng trở lại thì hiện tượng tranh mua - tranh bán cũng đã xuất hiện. Sự bền vững của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng đang bị đe dọa.

Mang sinh khí trở lại

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã mang đến khá nhiều khó khăn cho ngành mía đường. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 hiệp định này đã mở cửa cho đường tự do nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế suất nhập khẩu bình quân đang từ 85% giảm còn có 5%. Ngay lập tức các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường gia tăng nhập khẩu trực tiếp, nhất là nhập khẩu từ Thái Lan đưa tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn.

Từ đó bức tranh ảm đạm đang bao trùm ngành mía đường. Trong cả nước có 41 nhà máy đường nhưng chỉ còn 29 nhà máy còn hoạt động nhưng có gần 20 nhà máy thua lỗ, 11 nhà máy đã đóng cửa. Giá đường sản xuất trong nước đã sụt xuống mức thấp nhất trong khu vực kéo theo giá mía của người nông dân cũng rớt thê thảm. Nhiều nơi người nông dân bỏ mía không buồn thu hoạch, diện tích trồng mía giảm mạnh cùng với đó là những hệ lụy xã hội không nhỏ, nhất là có những vùng không thể trồng bất kỳ loại cây nào khác và cuộc sống của người dân nơi đó chỉ trông vào cây mía.

Trước khó khăn của ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế. Theo đó, Bộ Công thương đã ra Quyết định 477 áp thuế suất nhập khẩu đường tinh từ Thái Lan là 48,88% thuế suất cho đường thô là 33,88%. “Quyết định 477 đã trả lại sự công bằng, đồng thời mở ra cơ hội cạnh tranh sòng phẳng và công bằng cho ngành mía đường của Việt Nam”, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phát biểu.

Giá đường đã tăng trở lại. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp mía đường. Các doanh nghiệp đang tranh thủ giai đoạn thuận lợi này gia tăng sản xuất và tăng giá mua mía của nông dân. Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn - 100 nghìn đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950 nghìn - 1 triệu đồng/tấn).

“Quyết định số 477 đã xác định được đúng đắn giá trị thực tế của ngành mía đường trong nước, nếu cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các nước trong khu vực. Đây là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước”, ông Lê Văn Tam phát biểu.

Hiện tượng tranh mua - tranh bán đang xuất hiện

Từ khi thực hiện biện pháp áp thuế phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan thì lượng đường nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong khi nhu cầu đường trong nước tăng lên, diện tích vùng nguyên liệu lại sụt giảm. Đây là hệ quả của cả một thời gian trước đường trong nước dư ế, mía nguyên liệu không tiêu thụ được khiến nông dân bỏ trồng mía mà đến nay chưa kịp khôi phục nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Văn Tam cho biết, hiện diện tích mía của cả nước chỉ còn dưới 160.000 ha, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các nhà máy đường. Bên cạnh đó theo các doanh nghiệp, nhiều vùng mía nguyên liệu đang xuống cấp, không đạt chất lượng. Nhiều nhà máy thiếu mía nguyên liệu sản xuất, đe dọa chuỗi sản xuất và cung ứng.

Tất cả những điều đó đang làm dấy lên hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp mía đường, giữa doanh nghiệp với thương lái, nhất là sau khi Hiệp hội Đường thế giới đưa ra dự báo sản lượng đường toàn cầu sụt giảm. Tình trạng người dân trồng mía thu hoạch diện tích mía đã ký hợp đồng liên kết với nhà máy để bán cho thương lái đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Ông Tam hy vọng từ khi có biện pháp phòng vệ thương mại với giá đường được đánh giá đúng với giá trị thực, giá đường tăng, các nhà máy sẽ tăng giá mua mía cho bà con nông dân, người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía, từ đó từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu, các nhà máy có đủ nguyên liệu để sản xuất. Nhưng để ngành mía đường phục hồi bền vững thì cần nhiều giải pháp đồng bộ và không thể một lần nữa rơi vào tình trạng đường sản xuất trong nước dư ế vì đường nhập khẩu và đường nhập lậu.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhấn mạnh đến vùng nguyên liệu chất lượng với 2 yếu tố cần và đủ để năng suất cao và chi phí thấp. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần rà soát đánh giá và quy hoạch lại các diện tích sản xuất mía và chỉ giữ lại các vùng trồng có tiềm năng đạt được hai yếu tố trên đây. Ông Lộc cũng đề nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các doanh nghiệp mía đường có vùng nguyên liệu gần kề cần được các tiểu vùng cập nhật và thực thi trên tinh thần hỗ trợ và cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp đề xuất thêm chính sách khuyến khích cơ giới, tự động hóa cùng cơ chế hỗ trợ vốn cho ngành mía đường…

Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch HTX Tân Tiến (Gia Lai) đề xuất, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp khuyến khích bà con tham gia vào hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua HTX sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía. Đồng thời vận động bà con chuyển đổi diện tích nhỏ lẻ để cơ giới hóa cho vùng nguyên liệu có hiệu quả cao hơn, chất lượng hơn.

Nhấn mạnh về sự cần thiết phải có các chính sách và giải pháp để ngành mía đường phục hồi và phát triển bền vững, ông Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh “Ngành mía đường được xem là ngành hàng chiến lược trong an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân và đóng góp nguồn ngân sách lớn cho đất nước. Rủi ro của ngành mía đường cũng chính là rủi ro rất nhiều mặt, đặc biệt là đời sống của hàng nghìn công nhân, hộ nông dân và lao động nông nghiệp, nhất là vùng đồng bào các dân tộc trồng mía. Để vực dậy cả ngành mía đường chính là sự phối hợp đồng bộ của cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả sự ủng hộ của người tiêu dùng”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả