menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Nhật

Ngành mía đường cạnh tranh chưa sòng phẳng - Bài 1: Ngành mía đường ĐBSCL trước nguy cơ bị 'xóa sổ'

Ngành mía đường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời hoàng kim có đến hàng chục nhà máy chế biến với diện tích vùng nguyên liệu lên tới hơn 60.000ha thì nay chỉ còn 3 nhà máy '‘thoi thóp” với diện tích trồng mía chưa bằng 1/10 trước đây.

Nguy cơ đóng cửa tất cả các nhà máy

Ngày 27/7, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, theo như thường lệ thì vào tháng 9 hàng năm nhà máy bắt đầu vào vụ sản xuất. Nhằm chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho vụ sản xuất mới, ngay từ tháng đầu năm, nhà máy đã thông báo để bà con trồng mía ký kết hợp đồng bán mía cho nhà máy.

"Giá thu mua dự kiến 1.000 đồng/kg mía đạt chỉ số 10 chữ đường (CCS) tại nhà máy. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chúng tôi chỉ mới ký kết được hợp đồng mua mía với diện tích khoảng 400ha, sản lượng tương đương 40.000 tấn, trong khi nhu cầu nguyên liệu tối thiểu để nhà máy hoạt động có hiệu quả thì phải từ 200.000 tấn trở lên", ông Chung cho biết.

Ông Chung cũng cho biết, tại tỉnh Hậu Giang hiện có 3 nhà máy đường gồm 2 nhà máy đường thuộc Casuco và một nhà máy đường thuộc Long Mỹ Phát. Vụ mía năm trước chỉ có duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp trực thuộc Casuco hoạt động nhưng công ty chỉ thu mua được 40.000 tấn mía nguyên liệu tại vùng này, số còn lại thì không biết bà con tiêu thụ ở đâu cho hết vì cả vùng chỉ có 2 nhà máy đường hoạt động là Phụng Hiệp và Trà Vinh. Trong khi theo số liệu của ngành nông nghiệp các địa phương Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang thì diện tích trồng mía niên vụ 2020-2021 không dưới 6.000ha tức tương đương 600.000 tấn.

“Ở vụ mía này theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang diện tích trồng mía của địa phương đạt 5.800ha, tức tương đương gần 600.000 tấn mía nhưng chúng tôi cũng mới hợp đồng tiêu thụ được 40.000 tấn. Theo tôi được biết, năm nay nhà máy đường Trà Vinh sẽ không sản xuất cũng vì lý do thiếu mía nguyên liệu và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Như vậy, nếu diện tích trồng mía năm nay thực sự đạt 5.800ha như báo cáo của ngành nông nghiệp thì việc tiêu thụ mía của bà con có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo khảo sát của cán bộ nguyên liệu Casuco thì diện tích vùng mía nguyên liệu thực tế thấp hơn rất nhiều so với báo cáo”, ông Chung cho biết.

Trao đổi với Nhadautu.vn qua điện thoại vào chiều ngày 27/7, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên địa phương chưa thể “ngồi lại” cùng với doanh nghiệp để bàn giải pháp tiêu thụ mía. Về việc phản ánh của doanh nghiệp số liệu diện tích trồng mía chưa chính xác thì Sở sẽ cho kiểm tra lại và thông tin cho báo chí sau.

Cái gì cũng tăng nhưng giá mía không tăng

Hậu Giang là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL. Vào thời hoàng kim diện tích trồng mía nơi đây lên đến trên 16.000ha, ấy thế mà vẫn không đủ bán. Liên tục 5-6 năm gần đây, diện tích trồng mía ở đây không ngừng “teo tóp” giảm hơn 10.000ha. Từ 3 nhà máy đường với công suất chế biến hàng chục ngàn tấn/ngày đêm, niên vụ 2020 chỉ còn lại duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp công suất 3.000 tấn mía cây/ngày đêm hoạt động nhưng nhà máy này chỉ ép được 40.000 tấn mía tại địa phương và 40.000 tấn mía mua từ các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang.

Ngành mía đường cạnh tranh chưa sòng phẳng - Bài 1: Ngành mía đường ĐBSCL trước nguy cơ bị 'xóa sổ'
Nhà máy đường Phụng Hiệp- nhà máy duy nhất của vùng có kế hoạch sản xuất trong niên vụ mía 2021-2022. Ảnh: An Hòa

Ông Nguyễn Văn Lắm, ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, vùng này trước đây đất bị nhiễm phèn nên không thể trồng cây ăn quả, bà con nông dân ở đây sáng kiến cho đào liếp giả (còn gọi là liếp kê) để trồng một vụ mía, một vụ lúa luân canh, cách làm này đã mang lại thu nhập tạm ổn cho nông dân.

Về sau, ở các vùng có đê bao khép kín thì nhiều hộ đã chuyển sang chuyên canh mía với các giống dài ngày, có chỉ số chữ đường cao. Gặp những năm “mía hút” giá cao thu nhập cũng kha khá, cứ thế mà người nông dân ở đây gắn bó với cây mía hơn chục năm qua.

“Không biết vì sao những năm gần đây cây mía liên tục rớt giá, trong 3-4 năm gần đây cái gì cũng tăng nhưng giá mía không tăng chỉ khoảng 700-800 đồng/kg, với giá này thì ngay những hộ trồng mía năng suất đạt đến 200 tấn/ha như tôi cũng chào thua vì công thu hoạch đã mất 300 đồng/kg nông dân chỉ còn 500 đồng/kg mà phải gánh biết bao chi phí khác, đó là chưa kể giá phân bón tăng vùn vụt”, ông Lắm nói.

Ông Võ Văn Hiển, Lê Văn Hai - hai hộ trồng mía gần ông Lắm than thở: “Vùng này đất đai trủng phèn nếu bỏ mía thì không biết trồng cây gì, ở đây một số hộ chuyển sang trồng tràm nhưng có điều nan giải là trong thời gian mấy năm chờ cây tràm lớn thì gia đình sống bằng cái gì?”.

(Còn tiếp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả