24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành mật ong Việt Nam có nguy cơ mất thị trường Mỹ?

Hơn 95% lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam là xuất vào thị trường Mỹ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nước này áp thuế chống bán phá giá…

Tọa đàm trực tuyến: “Ngành mật ong ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá”, ngày 02/11/2021, trong bối cảnh mà cả nhà quản lý, Hiệp hội và doanh nghiệp đều lo lắng phấp phỏng chờ kết quả điều tra chống phá giá của Hoa Kỳ đối với mặt hàng mật ong của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Vân - Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD.

NGUY CƠ BỊ ÁP THUẾ CAO TẠI HOA KỲ

Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu mật ong đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020. Hiện tổng sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, trong đó 95% lượng xuất khẩu là vào thị trường Mỹ.

Thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của nước này.

“Có thể thấy vị trí của Mỹ với mât ong Việt Nam rất quan trọng. Nếu nước này áp dụng thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam, thì hầu hết những doanh nhỏ, rất nhỏ và vừa, người nuôi ong rất vốn nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Vân lo lắng.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tháng 5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam.

Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%.

"Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường nên trong vụ việc này, gần như chắc chắn Cơ quan điều tra Mỹ sẽ sử dụng chi phí tại Ấn Độ để xác định giá thông thường làm căn cứ so sánh với giá xuất khẩu của Việt Nam. Đây là điểm bất lợi nhất đối với doanh nghiệp của ta trong vụ việc do chi phí sản xuất mật ong tại Ấn Độ được cho là cao hơn Việt Nam". (Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.)

Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề nghị mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34 - 99%), Ukraine (11 - 95%) và Argentina (17 - 23%).

Dự kiến ngày 17/11 tới đây, DOC sẽ có kết luận sơ bộ ban đầu về cuộc điều tra này.

Theo bà Giang, trong quá trình ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan, đồng thời theo dõi sát vụ việc, có ý kiến kịp thời để đảm bảo cơ quan điều tra nước ngoài tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại, đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình điều tra.

Thực tế, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, rất nhiều vụ việc đã thu được kết quả tích cực trong quá trình kháng kiện khi doanh nghiệp xuất khẩu của ta không bị áp thuế hoặc chỉ bị áp với mức thuế thấp và nhờ đó vẫn xuất khẩu ổn định.

CHỦ ĐỘNG HỢP TÁC ĐỂ ỨNG PHÓ

Ông Lê Thanh Vân bổ sung thêm, nước Mỹ cũng là quốc gia có nền chăn nuôi ong lớn, với 2,7 triệu đàn ong, sản lượng mật ong đạt 255.000 tấn mỗi năm.

Ông Lê Thanh Vân thông tin, Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ điều tra. Trước tiên là cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Hoa Kỳ.

Về các giải pháp để tránh xảy ra sự việc tương tự, ông Vân cho rằng, chúng ta cần đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu mật ong ra nhiều nước khác trên thế giới.

"Năng suất mật ong ở Mỹ rất thấp, chỉ 25 kg mật/1 đàn ong. Trong khi đó, bình quân mỗi một đàn ong ở Việt Nam có thể cho 70 kg mật trong một năm. Chính vì vậy, giá thành sản xuất và giá bán mật ong của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mật ong Mỹ, Đây cũng chính là lý do họ điều tra bán phá giá". (Ông Lê Thanh Vân - Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam).

“Ngành mật ong đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, để đến khi xảy ra vụ việc sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về việc xuất khẩu. Vì thế, doanh nghiệp và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm. Đồng thời cần tăng tốc sản xuất về số lượng hơn nữa”, ông Vân khuyến cáo.

Đề cập vấn đề đa dạng hóa thị trường, ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp cho hay, thị trường EU tiêu dùng khoảng 300 nghìn tấn mật ong/năm. Từ năm 1996. Việt Nam đã là nhà cung cấp chính mật ong cho EU, với lượng xuất khẩu vào thị trường này lên đến hơn 5 nghìn tấn.

Tuy nhiên, từ năm 2007, do chúng ta vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nên phía EU đã cấm nhập khẩu mật ong từ Việt Nam.

Từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa dỡ bỏ được lệnh cấm nhập khẩu của EU. Nếu khai thông trở lại được thị trường EU, thì chúng ta sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu mật ong , nhưng điều tiên quyết là phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm.

Theo ông Thủy, hiện Mỹ đang hoài nghi về chất lượng mật ong Việt Nam. Bởi trong chất lượng của mật ong có các yếu tố hội tụ là giống hoa, loài hoa, màu sắc.

“Trong khi nuôi ong của Việt Nam khác với nuôi ong của Mỹ đó là ở tính xã hội hóa, tức là về tính kinh tế xã hội, môi trường, mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Chính vì tính xã hội này cũng khiến ngành mật ong của chúng ta gặp nhiều khó khăn”, ông Thủy lưu ý.

Bổ sung thêm, ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho rằng, bản thân các doanh nghiệp thương mại mật ong của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với doanh số hàng năm chỉ khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng ít chủ yếu là vốn vay, nhưng lại không vay được qua nguồn chính thức là ngân hàng mà thông qua doanh nghiệp quỹ đầu tư, thậm chí vay bên ngoài.

"Nguồn lực hạn chế, khi đối diện với sự điều tra và nghi ngờ của đối tác sẽ là khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp, người nuôi ong", ông Tâm nêu thực tế, đồng thời cho biết Hiệp hội nuôi ong Việt Nam cũng đã thảo luận thống nhất chung là mặc dù nguồn lực kinh tế hạn chế, nhưng trong các vụ khởi kiện chống bán phá giá của thế giới buộc các doanh nghiệp phải có luật sư hỗ trợ".

Ông Tâm thông tin thêm, hiện nay có trên 20 doanh nghiệp đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Mỹ. Ngoài những doanh nghiệp điều tra bắt buộc, có những doanh nghiệp tự nguyện làm đơn giải trình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả