Ngành gỗ, dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc xuất khẩu
Sản xuất phục hồi nhanh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội là tín hiệu tích cực để kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Linh hoạt thích ứng
Sự gián đoạn về sản xuất, cung ứng hàng hóa trong những tháng cao điểm phòng, chống Covid-19 đã không ngăn nổi xuất khẩu của nhiều ngành hàng tỷ USD tăng trưởng dương.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) chia sẻ, xuất khẩu của toàn ngành dệt may qua 10 tháng năm 2021 đạt 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.
“Đây là kết quả hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều tháng liền sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, sản lượng đạt thấp”, ông Giang nhấn mạnh.
Bước sang năm thứ 2 chịu tác động của Covid-19, trước hàng loạt khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã vận dụng kinh nghiệm để giảm thiểu thiệt hại. Đơn cử, có những doanh nghiệp chuyển đơn hàng từ Nam ra Bắc để giữ cam kết với đối tác, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Không chỉ duy trì cung ứng đơn hàng liền mạch, doanh nghiệp còn chủ động mua nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, nguồn nguyên liệu mua trong nước tăng mạnh trong những tháng qua nhờ chủ trương chủ động nguồn cung đầu vào tại chỗ.
Cùng với dệt may, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng đạt kết quả khả quan trong 10 tháng của năm 2021 với 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020 dù chịu tác động của dịch bệnh. Qua khảo sát nhanh trong tháng 10/2021, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, hiện có 67% doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động trên 70% công suất; 20% doanh nghiệp hoạt động với 50 - 70% công suất và 13% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất.
Cùng với các ngành hàng lớn, sự trở lại sản xuất nhanh hơn dự kiến của các doanh nghiệp ngành gỗ đã góp sức đáng kể vào bức tranh xuất khẩu của cả nước trong tháng 10 và 10 tháng của năm 2021. Là một trong 6 ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, nên sự phục hồi sản xuất của ngành gỗ thực sự có ý nghĩa.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất siêu tăng trở lại trong tháng 10, đạt 1,1 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản tăng chậm ở mức 2,2% so với cùng kỳ, toàn bộ các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta trong 10 tháng qua, như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc đều tăng rất mạnh. Kết quả này đã cho thấy nỗ lực giữ thị phần, vượt qua khó khăn, trở ngại dịch bệnh của các doanh nghiệp để khẳng định vị thế của các ngành hàng lớn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Triển vọng xuất khẩu 2 tháng cuối năm
Ông Giang đánh giá, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã khơi thông nhiều vướng mắc, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh và tự chủ động ứng phó linh hoạt trước tình hình dịch bệnh.
Nhiều ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có dệt may, tiếp tục được các nhà nhập khẩu đánh giá cao trong chuỗi cung ứng. Với lợi thế từ 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang có hiệu lực, doanh nghiệp trong nước không lo thiếu đơn hàng. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là tổ chức sản xuất tốt, khắc phục tình trạng thiếu lao động, đảm bảo nguyên liệu đầu vào đáp ứng đòi hỏi của các nhãn hàng.
Theo dự tính, nếu duy trì xuất khẩu ở mức 3 tỷ USD/tháng, trong 2 tháng còn lại, ngành dệt may sẽ có thêm 6 tỷ USD, cán đích 38 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2021. Trong khi đó, với sự khởi sắc nhanh hơn mong đợi của ngành gỗ từ đầu tháng 10, Viforest dự báo, mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu năm 2021 của ngành là có thể đạt được.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang dần hồi phục sau 4 tháng suy giảm
Ngày 1/11/2021, IHS Markit (công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh) đã công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Manufacturing Purchasing Managers Index - PMI). Theo đó, ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng trung tính khi đạt 52,1 điểm trong tháng 10, sau khi chỉ đạt 40,2 điểm trong tháng 9.
Điều này cho thấy, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện. Việc nới lỏng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp một số doanh nghiệp tái khởi động sản xuất trong tháng 10, nhiều doanh nghiệp cũng đồng thời tăng sản lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận