Ngành F&B hậu giãn cách: “Hồi sinh” một cách an toàn
Nhiều nước trên thế giới đã cho phép ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) được mở cửa lại, đi kèm những quy định chặt chẽ. Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng đó với mục tiêu giúp lĩnh vực kinh tế quan trọng này hồi sinh sau quãng thời gian dài “ngủ đông”...
Thái Lan, đất nước phụ thuộc rất lớn vào du lịch đã cho phép mở cửa lại các dịch vụ ăn uống tại các trung tâm thương mại lớn từ ngày 1/9/2021 vừa qua. Đất nước này quy định cụ thể và nghiêm ngặt về việc hàng quán chỉ phục vụ những thực khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và phải tuân thủ quy định về ở các quán ăn và sát khuẩn sạch sẽ. Tại châu Âu, Pháp cũng là quốc gia cho phép ngành F&B tái hoạt động thuộc loại sớm nhất, nhưng chỉ phục vụ thực khách có chứng nhận tiêm chủng vaccine đầy đủ.
NGÀNH F&B ĐỦ ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC
Đây là quan điểm đã được nhiều chuyên gia thống nhất trong các kiến nghị gửi tới Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố lớn. F&B nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào sân chơi kinh tế toàn cầu với các hiệp định thương mại đa phương quan trọng như EVFTA và CPTTP, ngành F&B có cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, cơn sóng dữ Covid-19 đã làm đảo lộn lộ trình tăng trưởng của ngành kinh tế này, đặc biệt khi cả xã hội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch bệnh.
Một khảo sát của Vietnam Report vào tháng 8/2020 đã chỉ ra có khoảng 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ F&B của nước ta bị tác động nặng nề bởi đại dịch toàn cầu. Một xu hướng mới được phát hiện là ngày càng có nhiều khách hàng trong nước chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên và hữu cơ theo tiêu chí “xanh - sạch - lành”. Các nhà hàng tuân thủ nghiêm túc tiêu chí an toàn 5K của Bộ Y tế cũng được nhiều khách hàng tin cậy lựa chọn hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B tại TP.HCM cho biết họ đã rơi vào tình trạng kiệt sức, nếu tiếp tục thực hiện giãn cách rất nhiều doanh nghiệp và cơ sở ăn uống sẽ có nguy cơ phá sản. Hồi tháng 9/2021, các doanh nghiệp F&B của TP.HCM đã kiến nghị lên UBND TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên trong ngành này, đồng thời cho phép người lao động đã tiêm ít nhất một mũi được đi làm bình thường.
"Thành phố nên cho phép người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine được trở lại đi làm và sử dụng dịch vụ ăn uống. Người dân khi đến ăn uống tại các địa điểm phải quét mã vạch xác nhận tình trạng sức khỏe trước khi vào bên trong," đại diện các doanh nghiệp F&B tại TP.HCM kiến nghị. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng đề xuất được tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo tuân thủ 5K.
Tại TP.HCM, đã có gần 12 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó tỷ lệ người tiêm mũi 2 đã đạt gần 70%, tức là gần đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng theo chiến lược của Bộ Y tế. Hà Nội cũng đã đạt mức gần 100% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và 18,73% người dân trên 18 tuổi được tiêm đầy đủ 2 mũi. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp F&B đưa ra quan điểm Chính phủ nên cho phép ngành F&B được hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” và đảm bảo an toàn tuyệt đối theo quy định 5K của Bộ Y tế.
HỒI SINH F&B ĐỂ HỒI PHỤC CẢ NỀN KINH TẾ
Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối Vận hành, Golden Gate Restaurant Group (Golden Gate), hiện nay lĩnh vực kinh doanh ẩm thực đã đạt đủ điều kiện cần thiết để hoạt động lại một cách an toàn và hiệu quả. Theo ông Khánh, 100% nhân viên phục vụ của tất cả các nhà hàng thuộc tập đoàn này đã được tiêm chủng vaccine phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo phục vụ khách hàng.
Để hoạt động kinh doanh quay trở lại “bình thường mới”, Golden Gate đã đề ra 5 mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới bao gồm: Tối ưu nhân lực; Tuân thủ 5K; Điều chỉnh quy trình phục vụ và thực đơn để đạt hiệu quả cao nhất; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Thúc đẩy kênh bán hàng online “G-Delivery” (giao đồ ăn tận nhà).
“Chúng tôi tin rằng các cơ quan chức năng đã có những đánh giá đúng đắn để đi đến quyết định cho phép các doanh nghiệp F&B hoạt động trở lại. Khi tỷ lệ tiêm vaccine đã đạt độ phủ khá cao và người dân đã có ý thức tốt về việc phòng dịch, thì đây là thời điểm phù hợp để các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cho phép mở cửa lại lĩnh vực kinh doanh nhà hàng,” ông Khánh cho biết.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: “Vấn đề hỗ trợ tài chính là vấn đề tiên quyết để cho những doanh nghiệp F&B trở lại, như nhiều lần tôi đã đề cập và yêu cầu triển khai tổ hợp trợ cấp tín dụng, tổ hợp đó bao gồm tất cả các ngân hàng tham gia, với quy mô lên tới 300.000 tỷ đồng. Từ số vốn đó các ngân hàng sẽ cho vay để hỗ trợ hồi phục kinh tế và trợ giúp các doanh nghiệp trong đó có F&B”.
Tài chính là vấn đề then chốt của các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng sau khi hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong ngành kiến nghị, Chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế trong thời gian đầu mở lại sau giãn cách để giúp tăng tốc độ hồi phục của lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế.
Một số chủ quán ăn tại Hà Nội cũng đồng tình với quy định mới của UBND thành phố Hà Nội về việc cho phép các quán ăn được phục vụ tại chỗ từ 6h sáng ngày 15/10/2021, với điều kiện 100% chủ quán và nhân viên được tiêm vaccine và đảm bảo 5K cũng như chỉ phục vụ 50% số lượng khách tại các hàng quán.
Ông Thắng, chủ quán phở gia truyền nổi tiếng 49 Bát Đàn, chia sẻ với VnEconomy quán của ông mặc dù chưa mở lại để chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cũng như đợi các nhân viên trở lại Hà Nội, nhưng ông hoàn toàn ủng hộ các quy định nới lỏng giãn cách của chính quyền thành phố. Theo ông Thắng, dịch vụ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế của Thủ đô, do vậy cần được tạo điều kiện hoạt động lại và đảm bảo an toàn.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Golden Gate thì kiến nghị: do đặc thù của tập đoàn có đến 15.000 người lao động cho nên tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi chưa thể đạt được một sớm một chiều. Do vậy, Chính phủ và chính quyền Hà Nội nên cho phép người lao động của các doanh nghiệp F&B đã tiêm 1 mũi vẫn được làm việc với sự giám sát chủ động của mỗi doanh nghiệp. Ông Khánh cũng cho rằng, hiện nay vẫn còn một số bất cập trong việc quy định về vấn đề đi lại, cung cấp hàng hóa giữa các địa phương gây trở ngại đến việc cung ứng nguyên vật liệu đối với ngành F&B.
Để hồi sinh lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế là F&B, các quy định phòng chống dịch phải làm sao vừa chặt chẽ nhưng cũng vừa phù hợp với trạng thái “bình thường mới”, khi Hà Nội và TP.HCM đã nới lỏng các quy định giãn cách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được mở cửa phục vụ khách nếu đáp ứng đủ các điều kiện an toàn.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 doanh thu dịch vụ tiêu dùng của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2019. Mức giảm này chỉ đứng sau ngành du lịch (giảm 59,5%), ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Tám tháng đầu năm 2021, ngành lưu trú và ăn uống ghi nhận mức giảm 19,8%, chỉ đạt doanh 254,3 nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận