Ngành cơ khí, chế tạo gặp khó trước giá năng lượng tăng cao và thiếu lao động
Trong tháng 5, ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ghi nhận kim ngạch nhập khẩu ở mức 3,98 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước.
Tại buổi họp báo về Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 18 về công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại ngày 20/6, ông BT Tee - Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam, đơn vị có 17 năm tổ chức triển lãm về cơ khí, máy móc, chế tạo tại Việt Nam, cho biết số lượng khu công nghiệp tại Việt Nam lớn, Covid-19 đã được kiểm soát, tạo đà cho ngành cơ khí, chế tạo máy phát triển.
Ông BT Tee - Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam. |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ghi nhận kim ngạch nhập khẩu ở mức 3,98 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước và là ngành nhập khẩu lớn thứ hai sau máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu mặt hàng này là 3,62 tỷ USD, cũng đứng thứ hai sau điện thoại và linh kiện.
Tính đến hết tháng 9/2021, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng khu công nghiệp (nơi tập trung các nhà máy cần máy móc, công nghệ về cơ khí) được quy hoạch phát triển là 563, trong đó 397 khu đã được thành lập.
Tuy vậy, trước những biến động của thế giới, ông BT Tee chỉ ra ba thách thức đối với ngành này. Thứ nhất, giá năng lượng tăng cao trong khi ngành cơ khí, chế biến cần nhiều mặt hàng như dầu, khí đốt hoặc than. Giá dầu WTI và dầu Brent hiện đều vượt 110 USD/thùng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông BT Tee, xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đầu vào của các ngành, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Tình hình giá năng lượng tăng đang là tình trạng chung của thế giới, không riêng Việt Nam.
Thách thức thứ hai là chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp khó khăn do chiến tranh tại Ukraine và Covid-19 tại Trung Quốc. Giá vận chuyển cao, thiếu container vẫn hiện hữu và có thể kéo dài trong thời gian tới.
Bản thân ban tổ chức triển lãm cũng chịu ảnh hưởng bởi việc vận chuyển. Thời gian vận chuyển máy móc tới các nhà máy sản xuất dài hơn và chi phí lắp đặt cũng cao hơn, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất.
Thách thức cuối cùng là lực lượng lao động, nhiều doanh nghiệp đang thiếu nhân công. Một phần lao động nghỉ việc về quê sau Covid-19 và không trở lại, chi phí nhân công cao hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo ông Tee, những vấn đề trên không chỉ ghi nhận ở Việt Nam mà cả khu vực đông Nam Á và thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Tee, Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Chi phí nhân công tại Việt Nam cạnh tranh, lao động trẻ có thể tiếp cận với công nghệ, Internet nhiều nên có thể được đào tạo để trở thành những công nhân có tay nghề trong ngành chế biến, cơ khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận