Ngành chứng khoán
Mình xin viết một bài phân tích bóc tách nhẹ ngành chứng khoán, chia sẻ cách mà họ kiếm tiền, và top những công ty chứng khoán mà theo mình đáng quan tâm nếu bạn muốn sở hữu trong danh mục của bạn.
ĐẦU TIÊN, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN (CTCK) KIẾM TIỀN BẰNG CÁCH NÀO?
Có rất nhiều cách mà một CTCK kiếm tiền, nhưng mảng doanh thu chiếm lớn nhất đến từ hoạt động môi giới. Bất kì ai trong chúng ta muốn mua/bán cổ phiếu đều phải có tài khoản chứng khoán và khả năng cao các bạn sẽ được tham gia vào group “vip” để được các bạn “môi giới” hỗ trợ mở tài khoản và hướng dẫn mua bán. Mỗi khi các bạn thực hiện giao dịch, những người môi giới này sẽ được hưởng một % nhỏ trên tổng giao dịch của bạn, ở đây có thể hiểu là phí môi giới. CTCK giữ một phần, chia cho những người môi giới một phần vì họ đã có công tìm kiếm khách hàng, mang lại doanh thu cho công ty.
Hàng quý, sở giao dịch chứng khoán (GDCK) sẽ công bố danh sách top 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất. Thị phần càng nhiều, số lượng mua bán càng cao, doanh thu từ mảng môi giới càng lớn, họ có thể giảm chi phí để thu hút nhiều khách hàng hơn. (đến đây có bạn có thể hiểu được tại sao một vài CTCK có thể miễn phí phí giao dịch rồi đó)
Mảng thứ 2 – cho vay margin
Chứng khoán đôi khi bị ví như cờ bạc (nhưng hợp pháp và được pháp luật bảo vệ), vì chúng ta đang cược giá của doanh nghiệp lên hoặc xuống. Mà những con bạc thì… họ thích vay nợ để tăng vốn với hi vọng đổi đời. Trong chứng khoán thì đó chính là vay margin, lúc này các bạn sẽ thắc mắc họ lấy tiền đâu ra mà cho vay? Có bao giờ các bạn thắc mắc tại sao các công ty chứng khoán lại trả lãi qua đêm cho số tiền mặt bạn để trong tài khoản chứng khoán không? Bởi vì họ dùng tiền của bạn cho người khác vay chứ sao nữa. Họ trả bạn lãi qua đêm khoảng 3%/năm, xong cho người khác vay margin lãi tầm 14%/năm. Lời còn ác hơn ngân hàng nữa.
Doanh thu mảng này tỉ lệ thuận thị phần của CTCK, nhiều công ty chứng khoán chấp nhận giảm phí giao dịch để chiếm thị phần, tăng doanh thu mảng cho vay margin lên. Tuy nhiên điều này cũng khá rủi ro cho doanh nghiệp trong môi trường vĩ mô xấu ó người vay tiền không trả được hoặc bị margin call do cổ phiếu sàn liên tục công ty thua lỗ.
Doanh thu 2 mảng trên chiếm hơn 50% tổng doanh thu của hầu hết CTCK ngoài kia
Ông trùm của 2 mảng này không phải ai khác, chính là VPS cơ mà VPS không được niêm yết nên các bạn có thể tham khảo top 9 nhé năm 2022, top 9 chiếm hơn 60% tổng thị trường môi giới ở Việt Nam, (hình 1) 40% còn lại bị các CTCK nhỏ tranh giành nhau.
Nguồn doanh thu thứ 3 – Tự doanh
Hầu hết các doanh nghiệp bên ngoài sẽ có một bộ phận đầu tư, quản lý tiền của doanh nghiệp, họ có thể dùng tiền này đi gửi ngân hàng hoặc đầu tư chứng khoán để sinh ra lợi nhuận. Khi các bạn đọc báo cáo tài chính ở các doanh nghiệp Việt Nam, tiền lời từ việc kinh doanh chứng khoán sẽ được liệt kê dưới “doanh thu từ hoạt động tài chính” ở báo cáo kết quả doanh thu. Ở công ty chứng khoán thì bộ phận này là tự doanh. Họ mua bán và nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu nhằm sinh lời cho doanh nghiệp, cũng như là đóng vai trò market maker, tạo thanh khoản cho thị trường. Bản thân mình thì không thích điều này vì nó sẽ vô tình tạo ra mâu thuẫn về lợi ích giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Cơ mà mình thích hay không không quan trọng, nó chiếm phần không nhỏ trong tổng doanh thu của các công ty này. Các bạn có thể xem danh mục chứng khoán của họ trong bảng cân đối kế toán nhé. (cơ mà sẽ có lagging đấy báo cáo xong họ bán liền thì đố ai biết được)
Mảng này thì hơi ma vì chỉ có người nội bộ mới có thể đánh giá được. và nó biến động khá là bất thường. (gần đây có vụ bê bối giữa VNdirect với trái phiếu Trung Nam khá căng thẳng, khiến lợi nhuận giảm mạnh)
Cũng chính vì lí do “đạo đức” và biến động mạnh, nhiều CTCK lớn cũng đang từ từ nhường lại sân chơi cho các CTCK nhỏ hơn…
Hoặc tách riêng bộ phận tự doanh ra khỏi công ty
Nguồn thứ 4 - ngân hàng đầu tư: bao gồm những hoạt động như Mua bán và sát nhập (M&A), IPO, hỗ trợ/bảo lãnh phát hành cổ phiếu/trái phiếu,… Không phải doanh nghiệp nào muốn phát hành trái phiếu là phát, họ cần một ngân hàng đầu tư đứng ở giữa, ở Việt Nam thường là CTCK, các CTCK sẽ hỗ trợ các DN phát hành đống trái phiếu này.
SSI, VCI, TCBS, VND có thể là vài cái tên sáng giá trong mảng này. năm 2021, TCBS tư vấn khoảng 13% tổng TPDN ở Việt Nam. Và cuối năm ngoái cũng ăn một cái phốt hơi lớn ở mảng này… mấy ông còn lại các bạn lên google tìm hiểu thêm nhé.
4 mảng doanh thu trên chiếm từ 90-95% tổng doanh thu của hầu hết các công ty chứng khoán được niêm yết ngoài kia, tùy vào đặc điểm của doanh nghiệp mà tỷ trọng sẽ biến động…
Bên cạnh đó còn vài doanh thu nhỏ lẻ khác như: phí lưu ký chứng khoán, chi phí dịch vụ, tư vấn đầu tư, … nói chung quá nhỏ và không đáng kể
Đọc đến đây, chắc hẳn các bạn cũng có thể biết được chu kì của ngành chứng khoán phụ thuộc khá nhiều vào các cơn sóng của thị trường. Thông tin vĩ mô tích cực, nhiều người tham gia thị trường chứng khoán, doanh thu của các CTCK cũng sẽ tăng theo… các bạn có thể để ý những dấu hiệu tích cực như:
Lãi suất huy động giảm
Thanh khoản thị trường tăng
Dự nợ margin báo cáo gần nhất tăng trưởng
Danh mục tự doanh của các CTCK
Cổ phiếu các CTCK thường chạy đầu tiên khi thị trường vào chu kì “úp chen”. Những CTCK chiếm thị phần lớn, có uy tín lâu năm chắc chắn sẽ hưởng lợi rất nhiều trong giai đoạn này…Nếu đang trong đà giảm, các bạn có thể chọn những doanh nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng thị phần lớn và cần tìm lý do tại sao họ có thể tăng trưởng đến như vậy. cải thiện chất lượng sản phẩm: trung tâm phân tích, bản giá, hệ thống,... hay là cắt phí?
Về định giá, CTCK báo cáo khá giống với ngân hàng, và tài sản chủ yếu là tiền hoặc chứng khoán (thanh khoản khá cao) nên định giá P/B thường được ưa chuộng đem ra sử dụng, kết hợp với ROE và tốc độ tăng trưởng để tìm ra doanh nghiệp tiềm năng. (hình 2) và (hình 3)
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận