24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân sách còn bội chi thì còn phải vay nợ

Vay nợ không đáng ngại mà điều đáng ngại là nguồn lực trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay.

Theo các chuyên gia, ngân sách còn bội chi thì còn phải vay nợ; nhưng chỉ vay trong khả năng trả nợ của nền kinh tế và nợ vay phải được sử dụng hiệu quả.

Không lo nghĩa vụ trả nợ

Ngay khi Tổng cục Thống kê (GSO) công bố về GDP đánh giá lại, có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại bởi nếu sử dụng GDP đánh giá lại thì tỷ lệ nợ công giảm, nhưng nhìn trên tỷ lệ nợ phải trả trên tổng thu NSNN thì thấy nợ công không giảm mà vẫn tăng lên. Hơn nữa sự an toàn của tài chính quốc gia và nợ công không chỉ nhìn theo tỷ lệ tính trên GDP mà tỷ lệ trả nợ cũng là một con số rất quan trọng.

Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn của nợ công khi nhìn thấy trong báo cáo của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh. Thậm chí đã có một số ý kiến cảnh báo, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách có nguy cơ vượt ngưỡng vào một số năm trong giai đoạn tới.

Trao đổi về những nội dung này, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ) cho biết, sau khi tiến hành đánh giá lại, quy mô GDP của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm, như vậy tỷ lệ nợ công quá khứ và hiện tại quy theo GDP đánh giá lại sẽ giảm đi. Với ý kiến lo lắng cho nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách tăng lên, ông Hiển giải thích, lo lắng này xuất phát từ thực tế đại dịch Covid-19 đã khiến cả nền kinh tế rơi vào khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh. Mục tiêu kế hoạch đặt ra mức tăng GDP năm 2020 là 6,8%, nhưng nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm chỉ ở mức 2,3-3%. Kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm, thu ngân sách cũng sụt giảm nhiều. “Tuy con số về nợ công không thay đổi, không tăng lên cũng không giảm đi; nhưng khi mẫu số là số thu ngân sách giảm đi thì tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách tăng lên”, ông Hiển nói. Nhưng đến thời điểm này, thu ngân sách 2020 không giảm mạnh như dự báo ở những tháng trước.

“Nhưng đã nợ thì chắc chắn đến hạn phải trả. Tiền trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ đã có trong kế hoạch dự toán ngân sách 2020, như vậy chúng ta vẫn đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết”, ông Hiển khẳng định. Tuy nhiên theo ông, nếu tính dư nợ tại thời điểm nay, xây dựng nghĩa vụ trả nợ cho 10 năm tới thì nghĩa vụ trả nợ không vượt ngưỡng. Theo số liệu của Chính phủ báo cáo Quốc hội, tính đến cuối tháng 9/2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 24,1% vẫn dưới mức trần 25%.

Đảm bảo khả năng trả nợ thì không sợ

Theo bản tin nợ công số 10 mà Bộ Tài chính mới công bố, nợ công của Việt Nam tính đến năm 2019 suýt soát con số 2,9 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng phải tăng nợ vì lúc này lãi suất nợ trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, trong khi đất nước đang cần vốn để chống dịch và phục hồi kinh tế, hơn nữa nhiều quốc gia cũng đang tranh thủ vay nợ. Nhưng ở chiều ngược lại với tâm lý chung của không ít người là lo gánh nặng nợ công tăng lên, nên “sợ vay nợ”.

Ngân sách còn bội chi thì còn phải vay nợ

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS. Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chỉ với GDP đánh giá lại thì tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm đi nên dư địa để vay nợ vẫn có, không phải nới trần nợ công. Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng khẳng định khi ngân sách còn bội chi thì còn phải vay nợ.

Với kế hoạch đầu tư công và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm tới vừa trình Quốc hội tính trên GDP đánh giá lại thì vẫn có bội chi khoảng 3-4% GDP, như vậy là vẫn sẽ phải vay nợ để bù đắp. Nhưng vay bao nhiêu lại là một vấn đề. Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ Vũ Hữu Hiển cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, các chỉ tiêu về nợ và ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công do Quốc hội quyết định. Như vậy tới kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV họp trong năm 2021 sẽ quyết định các chỉ tiêu này.

Tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy trong năm 2021, NSNN sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch, bảo đảm an sinh xã hội vừa đầu tư cho phát triển và tạo lực đẩy cho nền kinh tế phục hồi. Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về tình hình nợ công, tình hình vay và trả nợ, đồng thời cũng báo cáo về dự kiến nợ công của năm 2021, Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 56,8% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại).

Ông Hiển cũng nói rõ quan điểm Việt Nam không đặt vấn đề tăng vay nợ hay không, mà quan trọng là sử dụng nợ hiệu quả và chỉ vay nợ trên nguyên tắc cứng là chỉ vay trong khả năng trả nợ. “Chính phủ chỉ vay trong khả năng trả nợ của NSNN. Chỉ vay trong tổng hạn mức Quốc hội đã phê duyệt. Nợ vay phải được sử dụng hiệu quả. Nợ vay được sử dụng hiệu quả sẽ quay trở lại tạo nguồn thu cho ngân sách, là có tăng nguồn trả nợ”, ông Hiển nói. Còn theo các chuyên gia, khi đã đảm bảo khả năng trả nợ thì không sợ nợ.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, dưới trần nợ là ngưỡng an toàn nợ. Khi các chỉ tiêu an toàn nợ chạm ngưỡng an toàn, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt mức trần nợ.

Riêng đối với năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bội chi NSNN dự kiến tăng đáng kể so với dự toán, dư nợ công đến cuối năm 2020 có thể vào khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả