Ngân hàng Việt đứng đâu, theo kịch bản nào trước xu hướng tất yếu tái tạo số?
Ngành ngân hàng toàn cầu đang phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi chưa từng thấy và tái tạo số là chìa khóa để tạo ra những đột phá mới. Điều này đặt ra câu hỏi ngân hàng Việt đang đứng đâu và theo kịch bản nào trong xu hướng tất yếu này?
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi diện mạo các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hay các ngành dịch vụ khác trên thế giới.
Ngành công nghiệp ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs).
Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về IT và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch vụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này.
Ngành ngân hàng hiện nay đang chịu tác động lớn của 6 nhân tố chính là sự phát triển của công nghệ, sự gia nhập và ngày càng lớn mạnh của các công ty công nghệ tài chính (fintech), sự thay đổi và đòi hỏi trải nghiệm ngày càng cao của khách hàng, sự điều chỉnh của luật pháp, các yếu tố chính trị và những thay đổi trong nền kinh tế số.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng toàn cầu đang chứng kiến sự thâm nhập ngày càng sâu của các tập đoàn công nghệ tiêu dùng lớn vào các lĩnh vực dịch vụ truyền thống như thanh toán, chuyển tiền và tín dụng.
Chính điều này đang làm mờ đi ranh giới phân biệt đâu là thương mại điện tử, đâu là dịch vụ tài chính ngân hàng, từ đó, tạo thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Ngành ngân hàng toàn cầu đang phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi chưa từng thấy và tái tạo số là chìa khóa để tạo ra những đột phá mới.
Nếu như số hóa (Digitization) là chuyển đổi các quy trình thủ công, truyền thống sang quy trình số, trực tuyến qua máy tính và internet, chuyển đổi kỹ thuật số (Digital transformation) là sự số hóa toàn bộ doanh nghiệp tạo nên trải nghiệm của khách hàng, hỗ trợ khách hàng những gì họ cần và muốn thì tái tạo số (Digital Reinvention) là sự kết hợp công nghệ và nền tảng kỹ thuật số chưa từng có trước đây để tạo doanh thu và kết quả thông qua các chiến lược, sản phẩm và trải nghiệm sáng tạo.
Theo cách phân đoạn này, ông Hòe nhận định hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số (giai đoạn 2) trong khi các ngân hàng toàn cầu đang tiến lên bước tái tạo số và thậm chí còn nhiều ngân hàng đang hoạch định xa hơn thế.
Cụ thể, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Ông Hòe cho rằng, hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam khá tích cực trong việc số hóa các hoạt động ngân hàng của mình với 2 cách tiếp cận điển hình.
Điển hình là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội tập trung tăng cường trải nghiệm khách hàng, thu hút khách hàng bằng cách mở rộng tương tác với khách hàng thông qua các minigame.
Còn Techcombank chia sẻ quan điểm chuyển đổi số của ngân hàng, cũng lấy khách hàng làm trung tâm, hiểu được hành vi khách hàng nhưng đã tập trung vào việc số hóa quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ trong ngân hàng.
Mặc dù thời gian diễn ra việc chuyển đổi số cho đến khi số hóa thành công hoạt động ngân hàng là tùy thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số. Tuy nhiên, vấn đề xây lựa chọn kịch bản tối ưu trong quá trình thay đổi để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường ở mỗi ngân hàng khi hoạch định chiến lược phát triển sẽ là vô cùng quan trọng.
Theo ông Hòe, trong quá trình chuyển đối số, tiến tới tái tạo số, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung có thể rơi vào một trong 4 kịch bản.
Đó là kịch bản xuất hiện người chơi mới (ví dụ Fintech, Big Tech), ở đó các ngân hàng hiện hữu sẽ có bên thắng và bên thua cuộc.
Hoặc kịch bản ngân hàng với các mô hình truyền thống vẫn chiếm ưu thế, tích hợp theo chiều dọc từ sản phẩm dịch vụ đến khách hàng và quản lý nguồn lực tài chính.
Cũng có thể là kịch bản về cuộc cách mạng về ngân hàng, ở đó công nghệ và các quy định quản lý mở hơn sẽ làm giảm các rào cản gia nhập thị trường, có thêm nhiều người chơi mới, ngân hàng chỉ còn là các bên cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đối tác (kết nối mở API với bên thứ 3) mà không trực tiếp tương tác với khách hàng.
Kịch bản cuối cùng là các ngân hàng hiện tại chuyển đổi mô hình để tồn tại, ở đó các ngân hàng chuyển sang hoạt động theo từng mô-đun và chuyên biệt hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận