Ngân hàng Việt đẩy mạnh gọi vốn ngoại
Sức ép của Covid-19 lên các ngân hàng ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là việc tăng vốn để đảm bảo các tiêu chí an toàn hoạt động trong sự lo ngại nợ xấu còn tăng mạnh trong tương lai. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng tính kế "dọn đường" đón dòng vốn ngoại.
Mới đây, Ngân hàng HDBank công bố Nghị quyết số 28a, cho biết phương án phát hành riêng lẻ 160 triệu đô la trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức tại các thị trường phát triển.
Đây là trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Việc phát hành dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Mục tiêu huy động vốn là bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, đồng thời giúp nâng cao các tỷ lệ an toàn hoạt động.
Bên cạnh đó, HDBank còn công bố Nghị quyết 29 về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5%, nhằm “để dành” cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược.
Kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của HDBank trên thực tế đã được công bố vào hồi đầu năm nay. Đây cũng không phải là ngân hàng duy nhất có kế hoạch gọi vốn từ thị trường quốc tế, trước đó còn có ACB hay SHB, hay TPBank.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, trong năm 2019, có 5 ngân hàng niêm yết đã tăng vốn điều lệ thành công. Hai thương vụ đáng chú ý nhất là Vietcombank huy động từ GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản) để tăng vốn thêm xấp xỉ 265 triệu đô la (tương ứng vốn tăng 3,1%), hay thương vụ BIDV phát hành 15% cổ phần cho Keb Hana Bank với giá trị 876 triệu đô la.
Vào năm ngoái, VPBank cũng huy động được 300 triệu đô la theo chương trình Euro Medium Term, lãi suất 6.25%, kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng này thậm chí còn đặt tham vọng huy động đợt 2 với số vốn 700 triệu đô la.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 dường như khiến ngân hàng thay đổi kế hoạch. Vào kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ngân hàng này quyết định mua lại số trái phiếu quốc tế này với khối lượng tối đa bằng khối lượng đã phát hành, với thời gian thực hiện trong năm 2020 hoặc 2021 tùy điều kiện thị trường.
Bên cạnh đó, VPBank còn quyết định dành “room” cho khối ngoại khi quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15% khi dòng vốn toàn cầu bị biến động hồi đợt Covid-19 lần đầu tiên khiến nhiều nhà đầu tư cũng thoái vốn. “Của để dành” này ngân hàng dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư khác muốn đầu từ khác khi thị trường ổn định hơn.
Năm 2020 cũng ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỉ đồng lên 8.767 tỉ đồng.
Dòng vốn ngoại chảy vào còn qua các khoản vay quốc tế. Chẳng hạn như trường hợp của Techcombank cũng công bố việc giải ngân khoản vay hợp vốn quốc tế đầu tiên trị giá 500 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay đô la liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,5%/năm.
Đại diện Techcombank khi đó cho biết, khoản vay hợp vốn này được chào bán chính thức từ giữa tháng 2 năm nay với quy mô ban đầu chỉ là 300 triệu đô la, nhưng sau đo điều chỉnh tăng lên 500 triệu đô vì nhu cầu đăng ký cho vay cao hơn dự kiến.
Đa phần các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức hay cổ phiếu thưởng. Dù vậy, trong những tháng đầu năm, kế hoạch tăng vốn dù đã có nhưng chưa được đẩy nhanh khiến áp lực tăng vốn dồn vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc có thêm dòng vốn ngoại vẫn chưa đủ với nhiều ngân hàng nội. Chẳng hạn như OCB, sau thương vụ với đối tác Nhật Bản, ngân hàng này còn dự kiến tăng vốn điều lệ lên tới 11.275 tỉ đồng.
Hay như HDBank với kế hoạch tăng vốn từ mức 9.810 tỉ đồng lên hơn 16.088 tỉ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ lên đến 65%. Ngân hàng này vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu ở thị trường nội địa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận