Ngân hàng trung ương thế giới “đau đầu” khi kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng
Việc nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu hướng đến mục tiêu nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong đó Fed giữ vai trò trung tâm tiềm ẩn rủi ro ngăn cản kinh tế phục hồi.
Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ đang đẩy lạm phát tăng cao trên khắp thế giới và khiến cho đồng USD lên giá. Thực tế này đang buộc một số ngân hàng trung ương trên thế giới phải nâng lãi suất cơ bản dù rằng tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 còn cao và quá trình phục hồi kinh tế tại chính nước họ vẫn còn đang trục trặc.
Ngân hàng trung ương nhiều nước đang chờ đợi xem Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng ra sao khi lạm phát tăng nóng, đồng thời họ cũng lo ngại sẽ mắc kẹt trong những thách thức bắt nguồn từ việc kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng trở lại.
Phiên ngày thứ Năm, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm sau khi quan chức thuộc Fed phát đi tín hiệu họ sẽ nâng lãi suất trước thời điểm cuối năm 2023, sớm hơn so với kỳ vọng khi mà kinh tế Mỹ “nóng” lên.
Việc nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu hướng đến mục tiêu nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong đó Fed giữ vai trò trung tâm tiềm ẩn rủi ro ngăn cản kinh tế phục hồi, đặc biệt ở thời điểm nợ của nhóm nước mới nổi tăng chóng mặt.
Quy mô của kinh tế Mỹ hiện đang chiếm tương đương 25% GDP toàn cầu, tầm quan trọng của thị trường tài chính Mỹ đã có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình hoạch định chính sách tại nhiều nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh năm nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng rất cao trong khi phần còn lại của thế giới khó khăn đã tạo ra không ít thách thức. Các quan chức thuộc Fed dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng đến 7% trong năm nay, theo dự báo công bố vào ngày thứ Tư.
Ngân hàng Trung ương tại Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng lãi suất cơ bản trong những tuần gần đây, một phần để ngăn rủi ro lạm phát tăng cao bắt nguồn từ việc giá hàng hóa tăng nóng. Khi mà các nhà máy trên khắp thế giới đang cố gắng tăng cường công suất để đáp ứng nhu cầu của Mỹ, giá hàng loạt loại hàng hóa từ thiếc cho đến đồng đều tăng giá.
“Sau tất cả những hậu quả từ đại dịch Covid-19, điều cuối cùng mà những nước này cần chính là thắt chặt chính sách”, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics – ông Tamara Basic Vasiljev khẳng định.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hỗ trợ cho nhiều nền kinh tế khác trên thế giới thông qua việc tăng cường nhập khẩu Mỹ và kiều hối. Thế nhưng nó cũng đẩy cao chi phí lãi vay và lạm phát cũng như khiến cho đồng USD tăng giá cao hơn, kết quả, thắt chặt tình hình tài chính toàn cầu và cản trở đà phục hồi kinh tế.
Ở nhiều nơi người ta có thể cảm nhận thấy khó khăn. Đồng USD mạnh lên gây tổn hại đến nhóm các nền kinh tế mới nổi vay nợ bằng đồng USD, trong khi đó, nó giúp cho các nhà xuất khẩu lớn tại châu Âu và Đông Á bán được nhiều hàng hơn bởi hàng của họ rẻ hơn nếu tính theo USD.
Tại nhóm các nền kinh tế phát triển, ngân hàng trung ương nhiều nước chủ yếu tin rằng khoảng thời gian lạm phát tăng nóng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, trừ khi người tiêu dùng tin rằng nó sẽ vẫn tiếp diễn và đòi hỏi lương cao hơn.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas – ông Luigi Speranza nói: “Nhiều khả năng cú sốc giá cả sẽ kéo dài hơn”. Ông Spreranza nhấn mạnh rằng lạm phát tại Đức có thể ở quanh mức 4%.
Ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật sẽ cần phải điều chỉnh theo hướng của Fed hoặc việc đồng tiền của họ tăng giá quá cao sẽ gây tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế, theo phân tích của các chuyên gia. Tình thế khó khăn sẽ tồi tệ hơn nếu lạm phát kéo dài hơn kỳ vọng, kết quả phản ứng sẽ thành dây chuyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận