Ngân hàng tiếp tục cơ cấu nợ để đi cùng doanh nghiệp
Ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc “chia lửa” với khách hàng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu hồi đầu năm, nhưng khi thời gian tái cơ cấu nợ chưa hết thì làn sóng dịch bệnh thứ 2 tái diễn, gắn chặt hơn mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp.
Tái cơ cấu nợ làm giảm lợi nhuận ngân hàng
Kienlongbank giảm 50% trên tổng số tiền lãi cho 1.300 khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk. Khoản vay vốn trả góp ngày phát sinh từ 25/7/2020 trở về trước và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 1/8 - 30/9/2020.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2020 - khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Kienlongbank đã giảm 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại Kienlongbank (kéo dài từ 3/4 - 30/6/2020).
Bà Trần Tuấn Anh, Thành viên HĐQT - Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người buôn bán nhỏ lẻ, có thu nhập thấp.
Việc đẩy mạnh cơ cấu nợ đã tác động lên kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, khi lợi nhuận trước thuế giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 103 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ hơn 1% đầu năm lên hơn 6%.
Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, Nam A Bank đã tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm, Nam A Bank đã 5 lần giảm suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2020, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch.
Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nợ là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Nam A Bank tăng tới 6 lần trong 6 tháng qua, lên mức hơn 276 tỷ đồng, qua đó khiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay giảm 55% so với cùng kỳ, xuống mức gần 201 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2020 vẫn được kiểm soát dưới 2% (đạt 1,66%). Đây là một trong những lý do giúp Nam A Bank được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng lên mức 87.000 tỷ đồng.
Với Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, nửa đầu năm nay, Sacombank đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng.
Theo đó, ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, bà Diễm cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch nên nợ xấu của Sacombank đã tăng 712 tỷ đồng so với đầu năm (đến từ khách hàng hiện hữu do dịch bệnh nên không có nguồn thu), khiến tỷ lệ nợ xấu tăng 0,12% so với thời điểm 31/12/2019, hiện ở mức 1,89%.
Vì vậy, Sacombank đã phải trích 1.147 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2020, tăng 86% so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho tăng room tín dụng lên 13,5% (6 tháng đầu năm nay dư nợ mới tăng trưởng 5%).
Doanh nghiệp muốn có thêm thời gian cơ cấu nợ
Trước tác động kéo dài của dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất...
Trong buổi làm việc với NHNN tại tỉnh Bình Dương mới đây, Công ty TNHH Vận tải Thành công cho rằng, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các ngân hàng đã động viên, chia sẻ cùng doanh nghiệp, giảm lãi suất khoản vay ngắn - trung hạn, cơ cấu lại nợ và giảm thời gian trả nợ gốc từ 3-6 tháng.
Tuy nhiên, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Công ty kiến nghị NHNN cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại khoản nợ vay, giảm thời gian trả nợ gốc thêm từ 3 - 6 tháng do doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh .
Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM cho hay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh thu giảm mạnh trong nửa đầu năm.
Do đó, các ngân hàng nên điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, thay vì chỉ giãn nợ trong 12 tháng như quy định tại Thông tư 01, tạo điều kiện cơ cấu nợ để doanh nghiệp có khả năng phục hồi.
Thực tế, sau hơn 3 tháng đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19, việc dư nợ tăng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đã tác động đến doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng xác định, việc nỗ lực tái cơ cấu nợ là cách để kiểm soát nợ xấu bùng phát trong giai đoạn dịch bệnh. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, việc dịch bệnh tái bùng phát khiến doanh nghiệp thêm điêu đứng, nên khả năng sẽ phải kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, nguồn hỗ trợ từ chính vốn huy động tiết kiệm của các ngân hàng, còn gói ưu đãi lãi suất 1-2%/năm cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận, thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng.
Một chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra nhận định, thực tế hiện nay không chỉ để ngân hàng tái cơ cấu nợ, mà đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các doanh nghiệp. Từ đó, các ngân hàng có cái nhìn đầy đủ hơn về năng lực tài chính của mình, còn doanh nghiệp có cơ hội để trả nợ, sinh sôi nảy nở và chứng tỏ sự gắn kết với ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận