Ngân hàng thu ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm
Trong năm 2022, thị trường có thể tiếp tục ghi nhận sự ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới giữa Vietinbank (CTG) - Manulife và của ngân hàng HDBank khi ngân hàng này đang tích cực tìm kiếm đối tác độc quyền mới.
Phân phối bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancasurance) đang ngày càng trở thành nguồn thu nhập ngoài lãi quan trọng với các ngân hàng. Năm 2021 các ngân hàng đều đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm, qua đó ghi nhận doanh số bảo hiểm theo tháng với mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần.
Một số ngân hàng như Techcombank (TCB), VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Mức hoa hồng chi trực tiếp cho nhân viên ngân hàng cũng được tăng lên ở một số ngân hàng.
Trong năm 2022, thị trường có thể tiếp tục ghi nhận sự ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới giữa VietinBank với Manulife và ngân hàng HDBank khi ngân hàng này đang tích cực tìm kiếm đối tác độc quyền mới.
Hiện các ngân hàng đều ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với thời hạn tối thiểu 15 năm, thậm chí Sacombank còn ký hợp đồng phân phối độc quyền với Daiichi Life có thời hạn lên đến 20 năm với phí trả trước 2.000 tỷ đồng. Mức phí này ngang bằng với phí trả trước Prudential trả cho MSB theo hợp đồng có thời hạn 15 năm, bắt đầu từ năm 2021.
Tuy nhiên, con số 2.000 tỷ đồng phí trả trước rất nhỏ nếu so với mức phí trả trước mà hãng bảo hiểm FWD trả cho Vietcombank (VCB) lên đến 9.200 tỷ đồng theo bản hợp đồng thời hạn 15 năm.
Hiện VCB và FWD đang giữ kỷ lục của thị trường về giá trị hợp đồng, xếp trên cả hợp đồng độc quyền trị giá 8.400 tỷ đồng giữa ACB và bảo hiểm Sunlife. Trước đó, Sunlife cũng đã ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với TPBank trị giá 1.840 tỷ đồng, thời hạn 15 năm.
Đáng chú ý, dù nhận mức phí trả trước chỉ 750 tỷ đồng từ Prudental, nhưng VIB lại là ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm tốt nhất trong ngành, tính trong 10 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, doanh số bán bảo hiểm cộng dồn 10 tháng đầu năm 2021 của VIB lên đến 1.285 tỷ đồng, trong đó tháng 10 ngân hàng này đạt doanh số lên tới 160 tỷ đồng.
Ngoài VIB, 4 ngân hàng khác gia nhập nhóm có doanh số bán bảo hiểm trên 1.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2021 gồm: SCB (1.261 tỷ đồng), MB (1.087 tỷ đồng), ACB (1.071 tỷ đồng), và Techcombank (1.012 tỷ đồng).
Dù là nhà băng dẫn đầu thị trường về phí trả trước do WFD chi trả, nhưng Vietcombank chỉ đứng thứ 8 về doanh thu bảo hiểm 10 tháng đầu năm 2021, với 539 tỷ đồng.
Trong số 14 ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm cao nhất hiện nay, 4 ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm dưới 500 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm gồm: MSB (499 tỷ đồng), LPB (468 tỷ đồng), OCB (271 tỷ đồng), và VietinBank (228 tỷ đồng).
Thông thường chỉ tiêu bán bảo hiểm được phân bổ từ trên xuống các chi nhánh, phòng giao dịch rồi chia đầu người cho các nhân viên. Vì vậy, không ít khách hàng bức xúc vì bị “ép” mua bảo hiểm mới được giải ngân, hoặc cho vay lãi suất ưu đãi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận