Ngân hàng Thế giới: Dù hồi phục, tăng trưởng các ngành kinh tế Việt Nam chưa đồng đều
Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam đang phục hồi sau cú sốc Covid-19 nhưng kết quả phục hồi giữa các ngành còn chưa đồng đều.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP đạt 4,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I/2021, tương đương với quý IV/2020. Tuy vẫn thấp hơn so với các mức trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, dù dịch bùng phát trong cộng đồng đã dẫn đến lây nhiễm đợt 3 ở miền Bắc Việt Nam trong tháng 2.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành. Một mặt, nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi cú sốc, tăng trưởng 3,2% (so cùng kỳ năm trước) và ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốc từ 5,6% (so cùng kỳ năm trước) trong quý cuối năm 2020 lên 6,3% (so cùng kỳ năm trước) nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại.
Mặt khác, ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 3,3% (so cùng kỳ năm trước), bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến du lịch vẫn suy giảm nặng nề khi dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 3/2021 . Lĩnh vực năng động nhất bao gồm đồ uống do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước vào mùa hè. Các ngành chế tạo kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy móc và xe cơ giới cũng tăng trưởng nhờ sức cầu mạnh từ khu vực kinh tế đối ngoại. Chỉ số PMI tăng từ 51,3 vào tháng 2 lên 51,6 trong tháng 3, một lần nữa khẳng định các ngành chế biến, chế tạo tiếp tục mở rộng.
Một điểm sáng của nền kinh tế, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, là xuất nhập khẩu hàng hóa với kết quả ngoạn mục, nhờ sức cầu mạnh mẽ đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và máy móc từ khu vực kinh tế đối ngoại.
Theo đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 18,4% và 27,5% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 3/2020. Xét theo sản phẩm, các mặt hàng đóng góp nhiều nhất cho mức tăng xuất nhập khẩu hàng hóa nêu trên bao gồm máy tính, hàng điện tử và máy móc, chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị thương mại hàng hóa của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nhóm mặt hàng này tăng lần lượt khoảng 45% và 26%, cho thấy xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ nước ngoài.
Xuất khẩu hàng dệt may và giày dép cũng phục hồi, với mức tăng trưởng lần lượt đạt 15,5% và 19,2% (so cùng kỳ năm trước), trong khi xuất khẩu điện thoại giảm 19,1% (so cùng kỳ năm trước).
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo Ngân hàng Thế giới, vốn FDI đăng ký đạt mức tăng trưởng cao trong tháng thứ hai liên tiếp, đạt 4,6 tỷ USD vào tháng 3/2021, cao hơn 34,0% so với tháng trước đó. Mức tăng này chủ yếu do dự án đầu tư mới trị giá 3,1 tỷ USD vào nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Long An.
Tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3/2021. Tốc độ tăng này gần sát với các mức trước Covid-19, cho thấy tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó giúp cung cấp vốn đầy đủ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về thu chi ngân sách, Ngân hàng Thế giới cho biết, cân đối ngân sách đạt bội thu lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong quý I/2021, Chính phủ thu ngân sách 403,7 ngàn tỷ đồng (tăng 3,2 % so cùng kỳ năm trước) trong khi tổng chi giảm 0,4% (so cùng kỳ năm trước) xuống còn 341,9 ngàn tỷ đồng, dẫn đến bội thu ngân sách trên 60 ngàn tỷ đồng, cao hơn 29% so với cách đây một năm.
Thu ngân sách cao phản ánh khu vực kinh tế trong nước trở nên mạnh hơn và nhập khẩu tăng trưởng ổn định, với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,7% (so cùng kỳ năm trước). Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ, với tỷ lệ giải ngân khoảng 13%, tương đương quý I/2020.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, mặc dù chuyển sang chính sách tài khóa trung lập hơn là chính sách đúng đắn khi nền kinh tế phục hồi, nhưng quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn, và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến. Đồng thời, cân nhắc gói gia hạn thời hạn nộp thuế, một chính sách có thể hỗ trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ cho các cá nhân và hộ gia đình vẫn đang chịu ảnh hưởng của cú sốc cũng là cách để đẩy mạnh nhu cầu từ khu vực tư nhân. Trong điều kiện tác động của khủng hoảng đến doanh nghiệp còn kéo dài, khu vực tài chính cần được theo dõi chặt chẽ”.
(theo World Bank)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận