Ngân hàng Singapore DBS: Trung Quốc sẽ ‘trấn áp’ hoạt động kinh tế nếu thấy ‘vấn đề xã hội’
“Trấn áp” của Trung Quốc đối với các cổ phiếu giáo dục gần đây cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hành động cứng rắn khi thấy có vấn đề xã hội, bất kể các nhà đầu tư muốn gì, Dennis Lam, chiến lược gia về cổ phiếu tại DBS, một trong những ngân hàng lớn nhất châu Á, nhận định.
“Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chấn chỉnh các vấn đề kinh tế-xã hội”, Lam nói trong một hội thảo trực tuyến, chỉ ra tốc độ, hiệu quả và sức mạnh của chính sách mới ở Trung Quốc.
“Biến động của thị trường chứng khoán hoàn toàn không phải là vấn đề họ cân nhắc”.
Đối với các lĩnh vực đối mặt với rủi ro cao về pháp lý, trong đó có giáo dục, thương mại điện tử, internet và chăm sóc sức khỏe, nhà đầu tư về cơ bản cần sẵn sàng cho tình huống tệ nhất”, ông nói.
“Tuy nhiên, cơ quản lý chứng khoán Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu nỗi lo của thị trường trong cuộc họp với các ngân hàng đầu tư lớn hôm thứ Tư”.
Cơ quan quản lý không đưa ra tuyên bố công khai, nhưng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với CNBC.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sau đó tăng 3% vào thứ Năm tuần trước, một tuần giao dịch đầy biến động đối với các cổ phiếu công nghệ và giáo dục của Trung Quốc, trong đó có hai cổ phiếu niêm yết ở Mỹ. Chỉ số này giảm vào thứ Sáu, đưa mức giảm cả tuần lên 5%.
Tâm lý Bắc Kinh
Theo Chris Leung, kinh tế trưởng về Trung Quốc của DBS, đã có “sự thay đổi căn bản” trong tâm lý của các nhà chức trách Trung Quốc.
Ông nói “trấn áp” đối với giáo dục tư nhân cho thấy thiết kế chính sách của nước này hiện đã tính đến các yếu tố xã hội, ngoài những cân nhắc về kinh tế và tài chính. Chính phủ đang cố gắng giải quyết vấn đề chi phí giáo dục cao không khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con.
“Bắc Kinh sẵn sàng ngậm đắng vì các mục tiêu kinh tế-xã hội dài hạn, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng sự đi xuống của thị trường chứng khoán”.
Thomas Fang, trưởng bộ phận thị trường toàn cầu và Trung Quốc tại UBS, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở ở Thụy Sĩ, cho biết mục tiêu chủ đạo của Chính phủ Trung Quốc “có tính thực tế và tập trung cho phát triển”.
Nhưng các nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào các lĩnh vực như an ninh quốc gia, lĩnh vực có hành vi độc quyền hoặc các doanh nghiệp không đem lại lợi ích cho “các giá trị xã hội”, Fang nói với CNBC.
Lam của DBS nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục đặc biệt lưu ý đến các vấn đề như bảo mật dữ liệu và công bằng xã hội.
Tiếp tục đầu tư vào thị trường Trung Quốc là lời khuyên của Fang từ UBS. “Các chuyển động trên cũng phản ánh thị trường nóng hơn và thanh khoản toàn cầu dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần bảo vệ mình khi chính sách vẫn còn mơ hồ”.
Lam của DBS nói việc cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc làm rõ vấn đề giúp loại trừ các tình huống xấu nhất, nhưng không hoàn toàn xua tan sợ hãi của thị trường.
Các cổ phiếu thuộc “nền kinh tế cũ”, không liên quan đến rủi ro pháp lý, hiện là lựa chọn an toàn hơn, đặc biệt sau khi giá cổ phiếu giảm, ông nói. “Tuy nhiên, cổ phiếu của nền kinh tế mới vẫn mang lại tỷ lệ lời lỗ tốt. Định giá hấp dẫn hơn, các nguyên tắc cơ bản không chịu tác động”.
Hai cổ phiếu giáo dục của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ lao dốc hôm 23 tháng 7 sau khi có thông tin về “trấn áp” của chính phủ đối với giáo dục tư nhân. Cổ phiếu TAL Education giảm 70,8%, trong khi New Oriental Education and Technology giảm 54,2%.
“Về cơ bản, Trung Quốc đã tiêu diệt toàn bộ ngành công nghệ giáo dục (ed tech) của mình bằng cách cấm các công ty dạy chương trình giảng dạy trong trường học được kiếm lời, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu”, website của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) viết.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đầu tháng 7 cấm Didi, công ty gọi xe hàng đầu của Trung Quốc, khỏi các sàn ứng dụng do quan ngại Didi “gây rủi ro an ninh mạng cho khách hàng”. “Ứng dụng Didi Chuxing bị phát hiện đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp trong thu thập và sử dụng thông tin cá nhân”, CAC thông báo.
Lệnh cấm đối với Didi được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi doanh nghiệp này niêm yết trên Sàn Chứng khoán New York trong đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc kể từ khi Alibaba ra mắt năm 2014. Cách xử lý giống đối với Yunmanman và Huochebang, hai ứng dụng gọi xe tải lớn của Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận