Ngân hàng Nhà nước báo lãi lớn, chớ vội mừng!
Thủ tướng khen Thống đốc kiếm được nhiều tiền khi trong năm 2019 NHNN đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng nhờ chênh lệch thu - chi trong hoạt động.
Cách kiếm tiền cơ bản nhất là mua vào trái phiếu chính phủ (hưởng lãi suất tái chiết khấu, 4%) và cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại (hưởng lãi suất tái cấp vốn, 6%). Khi NHNN thực hiện các hoạt động này thì cung tiền (tổng phương tiện thanh toán) sẽ tăng theo. Trong năm 2019, cung tiền tăng khoảng 10%, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng. Bơm ra 1 triệu tỷ đồng mà kiếm được có 19,5 nghìn tỷ đồng (~2%) thì chả có gì đáng khen cả. Tất nhiên, lợi nhuận không phải là mục tiêu cao nhất của NHNN.
Ngoài ra, khi nắm giữ trái phiếu nếu trái phiếu lên giá (lãi suất giảm) thì ngân hàng trung ương cũng kiếm được lợi nhuận nhờ sự lên giá này (tất nhiên là họ phải hiện thực hóa bằng cách bán nó đi).
Kênh thứ hai có thể kiếm tiền đó là kinh doanh ngoại tệ. Kiếm tiền bằng cách ở trên chỉ đơn giản là nhờ in tiền, in càng nhiều tiền thì lãi càng lớn. Còn kiếm tiền bằng cách sử dụng dự trữ ngoại tệ kinh doanh trên thị trường ngoại hối hoặc trên thị trường tài sản quốc tế mới thực sự là tài ba. Rất tiếc, Thống đốc chỉ tiết lộ rằng hiện NHNN có khoảng 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối (mua vào khoảng 20 tỷ trong năm 2019), chứ không cho biết họ kinh doanh lời lỗ ra sao với số tiền này. Đề nghị NHNN công bố bảng cân đối tài sản để cho giới fund managers và traders học tập.
Chi phí của NHNN đến chủ yếu từ việc in ấn tiền mới và chi trả lãi cho dự trữ bắt buộc của các NHTM (khoảng 2000 tỷ đồng). Chi phí thường xuyên của NHNN đã được ngân sách nhà nước chi trả riêng.
Doanh nghiệp báo lãi mới mừng, còn NHNN báo lãi lớn thì nên lo nhiều hơn. Tiền bơm ra nhiều mà thực phẩm lại chạy theo giá lợn thì có lúc thắt ống dẫn tiền cũng không còn kịp nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận