Ngân hàng lại lo ế vốn
Mặc dù tín dụng toàn nền kinh tế khởi sắc trong quý I, nhưng với đợt dịch lần thứ tư bùng phát, tình hình có thể thay đổi ngược lại trong quý II.
Dịch bệnh bùng phát, nhiều hoạt động đình trệ
Chiều ngày 25/5, điện thoại cho Lê Hoàng, chủ một salon tóc trên đường Nguyễn Thị Định thì anh bảo: “Salon bên em đóng cửa từ 12h trưa rồi chị ạ. Chưa biết bao giờ mới được mở cửa trở lại nên anh chị em vừa chia tay nhau về quê”.
Hỏi Hoàng về kế hoạch mở rộng và nâng cấp salon, anh thở dài: “Món nợ của giai đoạn đại dịch Covid -19 bùng phát trong năm 2020 tạm thời được xếp lại, kế hoạch của năm 2021 vừa mở ra đã gặp ngay vật cản. Hiện em cũng chưa biết tính sao nên đưa gia đình về quê trước”.
Salon tóc của Hoàng trong điều kiện bình thường, mỗi ngày trừ đi mọi chi phí cũng đem lại cho anh khoản lợi nhuận ròng 4 triệu đồng. Năm ngoái, chỉ tính riêng 24 ngày thực hiện giãn cách xã hội, không chỉ thất thu hàng trăm triệu đồng, mà anh còn phải trả 50% lương cho nhân viên để giữ người và thanh toán 50% tiền thuê mặt bằng cho chủ nhà. Những tưởng sau đó, tình hình tạm ổn, hoạt động bắt đầu nhúc nhắc trở lại thì bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng, rồi tới Tết Nguyên đán khiến salon luôn vắng vẻ…
“Nhiều lúc muốn buông mà không thể, còn nợ tiền ngân hàng nên vẫn phải cố”, anh chia sẻ.
Liên hệ với ông chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Đồng Nai để tìm hiểu về tình hình sản xuất – kinh doanh trong mùa dịch, ông bắt máy ngay và không có những âm thanh ầm ầm của máy móc trong phân xưởng vọng vào như mọi lần. Ông cho biết, xưởng sản xuất cầm chừng để nghe ngóng tình hình dịch bệnh nên ông về văn phòng làm việc.
Được biết, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này đã giảm mạnh từ kỳ nghỉ lễ 30/4 cho đến nay, bởi các xe nhập hàng thuỷ hải sản chuyển sang Trung Quốc chủ yếu đi qua Bắc Giang - địa phương đang bị phong tỏa để phòng chống dịch - ngừng vận chuyển. Điều này đã khiến việc tiêu thụ hàng hóa chậm lại đột ngột và đi kèm theo đó, giá thu mua thuỷ hải sản rớt nhanh.
“Ví dụ, tôm loại trung bình 30 con/kg thời điểm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 là 175 triệu đồng/tấn - mức giá cao nhất trong 3 năm qua nhưng khi dịch bệnh bùng phát đã giảm xuống còn 130 triệu đồng/tấn, thời điểm hiện tại chưa đến 120 triệu đồng/tấn và dự báo sẽ còn giảm nữa mà chưa chắc có khách mua. Hàng hoá không xuất khẩu được, bao bì bán cho ai, rồi tiền đâu trả nợ ngân hàng”, ông than thở.
Doanh nghiệp tư nhân Hùng - Thủy, bán đồ điện tử tại Từ Sơn, Bắc Ninh thì cho biết: “Sau khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang và lan sang Bắc Ninh, mọi ngày cửa hàng bán được 10 đồng thì nay chỉ bán được 3 đồng”.
Giám đốc một chi nhánh của TPBank tại Bắc Ninh – địa phương nằm trong vùng tâm dịch Covid-19 cho biết: “Thời điểm này, tôi chủ yếu là “điểm quân” giữ gìn sức khỏe, an toàn; nhân viên luân phiên đi làm 1 tuần nghỉ 1 tuần. Hoạt động Ngân hàng chủ yếu là phục vụ khách hàng cá nhân mở tài khoản số đẹp và bán bảo hiểm, còn hoạt động tín dụng thì không đốc thúc quyết liệt như trước”.
Những câu chuyện trên phản ánh một phần rất nhỏ thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngân hàng. Dịch bệnh bùng phát khiến đang khiến nhiều hoạt động kinh doanh đình trệ.
Ngân hàng lo đẩy vốn
Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, khoảng 3 tuần trước, có nhiều ý kiến quan ngại về tốc độ tín dụng tăng mạnh, trong khi huy động vốn tăng không kịp sẽ khiến thanh khoản hệ thống có vấn đề.
“Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 4 đạt trên 4%, nhưng đến giữa tháng 5/2021, tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống khoảng trên 3%, bởi đại dịch lần thứ 4 càn quét”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ông cũng chia sẻ thêm, tính đến cuối tháng 4/2021, tốc độ tăng trưởng của tín dụng là 4,14%, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn - ở mức 2,27%. Tuy nhiên, lượng vốn huy động được trong 4 tháng là khoảng 10,6 triệu tỷ đồng, so với con số dư nợ tín dụng đạt khoảng 9,6 triệu tỷ đồng cùng thời gian vẫn cao hơn 1 triệu tỷ đồng.
“Số liệu trên đã chứng minh, luận điểm hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản là không chính xác và thực tế cho thấy, thanh khoản các ngân hàng thương mại về cơ bản vẫn đang rất tốt”. Hơn thế, vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, “600.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vẫn phải để tại Ngân hàng Nhà nước. Vì thanh khoản tốt, nên các ngân hàng thương mại không tham gia đấu thầu dù lãi suất rất thấp”.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thậm chí còn cho biết: “Cầu trong nền kinh tế giảm mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm theo, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hạn chế, hệ thống ngân hàng không lo thiếu thanh khoản mà lo sắp rơi vào tình trạng tiền nhiều không biết để làm gì”.
Vị lãnh đạo NHNN nêu quan điểm, sẽ không loại trừ khả năng sắp tới, các ngân hàng thương mại sẽ có đợt giảm lãi suất để hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà không cần đến sự chỉ đạo của cơ quan quản lý. Bởi đến thời điểm này, các ngân hàng đã thấm thía việc “nếu doanh nghiệp chết, mình biết sống với ai?”.
Được biết, từ trung tuần tháng 5, BAOVIET Bank đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu với hạn mức gói tín dụng là 3.000 tỷ đồng. Theo đó, đối với vay ngắn hạn, doanh nghiệp có thể chọn phương án áp dụng lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm cố định trong 3 tháng đầu hoặc 6,8%/năm cho 6 tháng đầu. Lãi suất kỳ sau được điều chỉnh theo quy định về biểu lãi suất thả nổi hiện hành của Ngân hàng.
Đối với vay trung dài hạn, khách hàng có thể lựa chọn các mức lãi suất ưu đãi 7%/năm cho 3 tháng đầu hoặc 7,5%/năm cho 6 tháng đầu hoặc 8%/năm cho 1 năm đầu tiên. Lãi suất kỳ sau được điều chỉnh theo quy định về biểu lãi suất thả nổi hiện hành của Ngân hàng. Dự kiến chương trình này sẽ kết thúc vào 30/6/2021.
Lãnh đạo cao cấp BAOVIET Bank cho biết: “Hy vọng gói tín dụng ưu đãi này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn toàn xã hội đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay”.
BacA Bank cũng triển khai “Gói siêu ưu đãi lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng cùng 3 điều khoản kích cầu nổi bật. Thứ nhất, chương trình ưu đãi lãi suất chỉ 7,5%/ năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng và 7,7%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng. Thứ hai, chương trình miễn hoàn toàn phí dịch vụ tài khoản đến hết 30/6/2021 trong vòng 3 tháng đầu, gồm: phí mở tài khoản số đẹp, phí giao dịch tài khoản, phí chuyển tiền trong nước, phí dịch vụ ngân hàng điện tử; ưu đãi phí dịch vụ trong vòng 3 tháng tiếp sau, gồm: miễn phí nộp/rút tiền mặt từ tài khoản, phí chuyển tiền trong nước tại quầy hoặc qua Internet Banking. Thứ ba, khách hàng tham gia chương trình sẽ được ưu đãi phí phát hành bảo lãnh.
Dẫu vậy, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trên cho biết, cơ quan quản lý đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại lên kế hoạch triển khai các chương trình tài chính với hạn mức cao, lãi suất thấp nhằm kích thích, vực dậy doanh nghiệp “yếu ớt” đi qua các đợt dịch bệnh từ năm 2020 đến nay có cơ hội khắc phục khó khăn cũng như nắm bắt cơ hội bứt phá.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, “năm nay sẽ là một năm ứng xử không đơn giản đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận