Ngân hàng hụt hơi lợi nhuận
Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý III/2023 kém khả quan, với lợi nhuận trước thuế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng. NIM (biên lợi nhuận) co hẹp và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng.
Loạt ngân hàng báo lỗ
Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ trong quý III/2023 đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế VPBank riêng lẻ đạt 10.973 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Dù vậy, so với quý I và II/2023, lợi nhuận VPBank đã có sự hồi phục nhẹ trong quý III. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý I năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.
TPBank công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận sau thuế giảm 26,3% so với cùng kỳ và giảm 2,3% so với quý II/2023. Nhưng khác với VPBank có lợi nhuận sau thuế giảm do NIM thu hẹp, TPBank có kết quả kinh doanh kém tích cực chủ yếu do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 14% so với cùng kỳ, lên 1.976 tỷ đồng. Từ đó, lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng này giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn 4.959 tỷ đồng.
Tại BacABank, lợi nhuận trước thuế quý III/2023 của ngân hàng ở mức 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do hoạt động kinh doanh cốt lõi, thu nhập lãi thuần trong quý III/2023 chỉ đạt 426 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh khác của BacABank có tỷ trọng đóng góp khá nhỏ trong tổng thu nhập hoạt động. Một ngân hàng khác là PG Bank, lợi nhuận trước thuế quý III/2023 giảm tới 60% so với cùng kỳ đạt 56,6 tỷ đồng.
Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng thương mại tăng trưởng kém trong năm 2023 phần nào đã được dự báo trước. Điều này đồng pha với sự vận động của nền kinh tế cũng như diễn biến tương đồng với ngành ngân hàng trong khu vực.
Tín dụng “nghẽn”, nợ xấu ăn mòn lợi nhuận
PG Bank cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 16%. Việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quý III của ngành ngân hàng khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý III kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, L/C bị ảnh hưởng lớn. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.
NCB báo lỗ trong quý III/2023 và cả lũy kế 9 tháng đầu năm. Ngân hàng cho biết, nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB. Điều này dẫn đến khoản mục thu nhập thuần trong hoạt động dịch vụ và các hoạt động khác của ngân hàng đếu sụt giảm.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tín dụng đã tăng nhanh hơn từ tháng 8, song đà tăng của 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11,05% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ khảo sát gần nhất, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh kỳ vọng mục tiêu tín dụng cả năm 2023 từ mức 13,7% còn 12,5%..
Đáng chú ý, yếu tố lớn nhất kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III đến từ việc chi phí trích lập dự phòng tăng khi nợ xấu tăng. Đây là hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng TPBank tăng mạnh lên 2,97% từ mức 2,21% trong quý II/2023 và 0,91% trong quý III/2023. Nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý III/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%.
Các ngân hàng có mô hình kinh doanh tập trung vào bán lẻ và cho vay tiêu dùng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như ABBank là 4,6%, trong khi cuối năm 2022 là 2,9%; ngân hàng mẹ VPBank là 3,9%, tăng từ mức 2,8% cuối năm 2022; hay tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng lên 3,6% từ mức 2,5% cuối năm ngoái.
Công ty chứng khoán SSI cho rằng, chi phí trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng do các ngân hàng thường mạnh tay xóa nợ xấu vào quý cuối năm nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3%. Ngoài ra, một số ngân hàng có chính sách cẩn trọng hơn khi xếp loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, song vẫn trích lập đầy đủ.
Số liệu được NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nợ xấu khả năng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân là vì hiện nay ngân hàng vẫn đang giãn nợ cho doanh nghiệp, còn rất nhiều khoản nợ chưa cho chuyển nhóm nợ. Khi các nhóm nợ này chuyển về đúng trạng thái, tỷ lệ nợ xấu trên hệ thống sẽ tăng cao.
Nợ xấu tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước những khó khăn của các doanh nghiệp do trái phiếu, bất động sản, thị trường trầm lắng, khả năng sản xuất kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp vấn đề thì các ngân hàng sẽ chịu rủi ro cuối cùng. (LS Trương Thanh Đức)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận