Ngân hàng cũng cần được nới lỏng
Ngành ngân hàng đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc giải cứu nền kinh tế và các doanh nghiệp, thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, khi mà cùng với chính sách mở rộng tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng đang là các công cụ dẫn xuất vốn cần thiết bơm vào thị trường.
Được yêu cầu phải hy sinh lợi nhuận, cắt giảm lương, thưởng, cổ tức, tiết kiệm chi phí, để đồng hành cùng nền kinh tế và các doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn, các ngân hàng thời gian qua đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ, triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng cho các khách hàng bị thiệt hại vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng các ngân hàng cũng là những thực thể kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo lợi ích cho cổ đông, ngoại trừ các ngân hàng quốc doanh phải gánh thêm mục tiêu chính trị. Ngoài ra, ngân hàng là một trong những ngành kinh tế phải đảm bảo đáp ứng nhiều quy định an toàn trong hoạt động nhất hiện nay, trong khi cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình hình dịch bệnh.
Thấy rõ nhất là nguy cơ nợ xấu hiển hiện khi khách hàng vay vốn tạm ngưng hoạt động, giảm khả năng tài chính, trễ lãi, gốc hoặc thậm chí có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản. Báo cáo tài chính quí 1 vừa qua đã thể hiện điều này, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh so với đầu năm.
Cho dù dịch bệnh chỉ mới phát sinh từ cuối tháng 1, tình trạng cách ly xã hội trên diện rộng chỉ mới bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 4 khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động, nên nhiều khoản vay chưa thể rơi vào tình trạng quá hạn nhanh như vậy trong thời gian ngắn để phản ánh trên báo cáo tài chính quí 1. Tuy nhiên, cần biết rằng chỉ cần khách hàng chậm trả lãi quá 30 ngày cũng đủ để ngân hàng xếp vào nợ xấu thuộc nhóm 3.
Ngoài ra, cần biết rằng theo quy định hiện nay, các ngân hàng khi phân loại nợ, ngoài đánh giá định lượng theo số ngày quá hạn thì phải đảm bảo áp dụng được phương pháp định tính, tức phải đánh giá được những dấu hiệu cho thấy khách hàng suy giảm khả năng trả nợ để xếp vào nhóm nợ phù hợp.
Với thực trạng vừa qua, không khó để nhận thấy nhiều khách hàng đã có thể bị xếp vào nguy cơ nợ xấu dù chưa bị quá hạn theo số ngày quy định, nên những ngân hàng thận trọng vẫn có thể quyết định chuyển nhóm nợ của các khách hàng này.
Đáng lưu ý là việc các khoản nợ quá hạn, nợ tái cơ cấu gia tăng sẽ càng làm tăng dư nợ cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng trong thời gian tới, kéo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tăng lên là điều tất yếu.
Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ này của các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm về 37% từ đầu tháng 10 năm nay, về 34% một năm sau đó và 30% từ đầu tháng 10-2022.
Như vậy, trong khi áp lực nợ quá hạn càng ngày càng gia tăng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tỷ lệ an toàn kể trên phải giảm xuống, các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn trung, dài hạn để đảm bảo. Điều này sẽ làm tăng chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, khiến hệ số sinh lời càng bị suy giảm, chính sách giảm và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp có thể bị tác động. Vì vậy, việc gia hạn thời điểm áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong thời gian tới cần được cân nhắc.
Ngoài ra, với những ngân hàng đã, đang hoặc sắp sửa phải áp dụng chuẩn mực của Basel 2, việc chất lượng tài sản sẽ suy giảm do ảnh hưởng của nợ xấu, trong khi hoạt động tăng vốn tự có cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi thị trường chứng khoán ảm đạm, nguồn lực tài chính trong nước suy yếu, việc phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá dài hạn bị vướng nhiều quy định..., sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên mục tiêu đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Ngoài việc gia hạn các quy định về an toàn sắp sửa phải áp dụng, một số ý kiến cũng cho rằng cần nới lỏng hoạt động của các ngân hàng, để giúp họ có thể phát huy được vai trò hỗ trợ vốn cần thiết của mình đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể như một số khách hàng lớn của các ngân hàng gặp khó khăn, buộc phải được hỗ trợ thêm vốn từ ngân hàng để duy trì hoạt động và vượt qua những thách thức trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, hoặc chí ít cũng phải được cơ cấu nợ, theo đó lãi vay chưa trả có thể được cộng luôn vào dư nợ gốc của khoản vay sau khi tái cơ cấu.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng hiện nay đang phải đáp ứng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có, do đó nếu khoản vay của những khách hàng trên đã chạm đến ngưỡng quy định này thì khó lòng được bơm thêm vốn hay tái cơ cấu khoản vay do sẽ làm tăng thêm dư nợ.
Hệ quả là sẽ có những doanh nghiệp dù đủ điều kiện để được tái cơ cấu nợ, hỗ trợ thêm vốn nhưng do ngân hàng vướng phải những quy định an toàn trong hoạt động nên buộc phải bỏ qua, đẩy doanh nghiệp vào thế khó càng thêm khó. Khi không được hỗ trợ thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng phá sản, trong khi ngân hàng sẽ chứng kiến nợ xấu càng gia tăng thêm, chất lượng tài sản càng suy giảm và mất nhiều thời gian để xử lý các khoản nợ này, thay vì lựa chọn hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn ngay từ lúc đầu.
Rõ ràng khi Chính phủ công bố Covid-19 là đại dịch và chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, thì đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó trong tình thế như thời chiến, khác với giai đoạn bình thường trước đây, trong đó những quy định có thể được linh hoạt điều chỉnh theo hướng áp dụng đặc thù trong những thời điểm nhất định.
Có thể lựa chọn việc áp dụng những quy định đặc thù này chỉ dành cho những đối tượng đáp ứng được điều kiện mà nhà điều hành đặt ra, nhằm khuyến khích các ngân hàng tích cực sử dụng các giải pháp để hỗ trợ khách hàng, đi vào thực tế chứ không chỉ là các cam kết suông, cũng như hạn chế những ngân hàng không hỗ trợ mấy nhưng vẫn muốn được hưởng những cơ chế đặc thù và ưu đãi như trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận