Ngân hàng cần có chính sách cho vay bất động sản phù hợp hơn
Báo cáo tài chính quý 3/2023 của một số ngân hàng thương mại thể hiện việc tăng tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, có những ngân hàng mức tăng rất cao. Tuy vậy, trên thực tế doanh nghiệp và chuyên gia lĩnh vực bất động sản đều đánh giá việc tiếp cận nguồn tín dụng này còn hạn chế.
Nguy cơ lạm phát, đội giá
Techcombank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dự nợ cao nhất, với 35,22% tại thời điểm 31/12/2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%. Dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của Techcombank tại thời điểm 30/12/2023 là 176.803 tỷ đồng, tăng gần 68.000 tỷ đồng so với cuối 2022.
Còn tại HDBank, cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức 18%, tương ứng hơn 58.484 tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần so với đầu năm. Riêng quý 4/2023, HDBank cho vay thêm hơn 22.800 tỷ đồng, cao hơn cả số cho vay thêm của Techcombank. Một số ngân hàng khác cũng tăng mạnh tỷ lệ cho vay bất động sản như VPBank, SHB, MB, TPBank…
Nhận định về tình hình này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nếu các ngân hàng đổ tiền quá nhiều vào bất động sản sẽ gây ra rủi ro. Đó là rủi ro về lạm phát, cũng như gây ra đội giá bất động sản. Theo ông Hiếu, mức tỷ trọng hợp lý là 15% trên tổng dư nợ.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, mấu chốt là việc bên đi vay có khả năng trả nợ hay không. Do đó, việc ngân hàng tăng tỷ trọng lên mức cao cũng chỉ là mong muốn cho vay của tổ chức tín dụng. Còn việc có khách vay hay không lại là câu chuyện khác.
“Về dòng tiền cho bất động sản, tôi hy vọng các ngân hàng sẽ có những chính sách cho vay bất động sản phù hợp hơn trong năm 2024. Tôi mong rằng các ngân hàng quan tâm nhiều hơn vấn đề cho vay mua nhà ở cho người có thu nhập trung bình”, TS. Hiếu nói.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, Công ty DKRA Việt Nam cho biết, khách hàng vay vốn là cá nhân hiện gặp trở ngại về điều kiện, thủ tục cho vay ở một số ngân hàng. Đặc biệt là điều kiện mua kèm bảo hiểm để được vay vốn cũng góp phần tăng gánh nặng cho khách hàng cá nhân.
Đối với doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là tài sản đảm bảo. Bởi, dự án bất động sản chính là tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về vấn đề pháp lý nên cũng khó tiếp cận được vốn vay. Như vậy, dù ngân hàng có tăng tỷ trọng vốn cho vay cũng không có nhiều ý nghĩa.
“Vấn đề về thủ tục cho vay vốn cần đơn giản, đỡ rườm rà, phức tạp hơn. Như thế sẽ giúp cho khách hàng cá nhân dễ tiếp cận hơn. Đối với doanh nghiệp bất động sản, về pháp lý thì cần cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ”, ông Thắng bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Global Home, khách hàng vay vốn là doanh nghiệp còn gặp khó khăn về pháp lý dự án, hoặc chủ đầu tư đang vướng nợ xấu. Trong khi đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được trên 400 tỷ.
Ông Thành kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có phần bù trừ lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, có thêm chính sách về khoanh nợ, giãn nợ cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án: “Nhu cầu vay đang rất lớn, và việc cho vay cũng đang thoáng và tạo điều kiện. Nhưng vẫn phải theo quy định chung. Những dự án nào hoàn chỉnh hết các điều kiện cho vay thì ngân hàng hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ”.
Có thể thấy, việc các ngân hàng thương mại tăng vốn cho lĩnh vực bất động sản cũng chỉ mới mang tính hình thức. Do đó, các ngân hàng không nên đưa số tỷ trọng cao để làm đẹp báo cáo, mà cần có chính sách rõ ràng, cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ, tạo điều kiện thực chất cho người mua và doanh nghiệp bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận