Nga cảnh báo đáp trả giá trần khí đốt của EU
Điện Kremlin tuyên bố EU vi phạm quy chế thị trường khi tìm cách áp giá trần khí đốt, cảnh báo Nga sẽ đáp trả động thái này.
"Đây là hành vi vi phạm quy trình định giá thị trường và xâm phạm tiến trình thị trường. Bất cứ đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 bình luận về thông tin Liên minh châu Âu (EU) thống nhất giá trần đối với khí đốt.
Ông Peskov cho biết sẽ cần thời gian để cân nhắc các mặt tích cực và hạn chế khi đưa ra biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt mới nhằm vào khí đốt. "Quy trình phản ứng liên quan đến dầu mỏ hơi kéo dài. Tuy nhiên, Nga sẽ công bố phản ứng với động thái áp giá trần dầu mỏ và điều tương tự với khí đốt sẽ xảy ra", ông Peskov nói.
Trước đó, Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên EU, thông báo các quốc gia trong khối thống nhất giá trần khí đốt 180 EUR (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ. Quyết định được thông qua sau cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU cùng ngày tại Brussels, Bỉ.
Thỏa thuận trên được thông qua sau nhiều tháng các nước thành viên EU chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng liên qua khí đốt. Ủy ban châu Âu đã nỗ lực tìm kiếm biện pháp ứng phó để 27 thành viên EU chấp thuận, trong đó những lựa chọn dễ như tự nguyện cắt giảm lượng tiêu thụ đã được áp dụng. Áp giá trần được coi là phương án khó nhất.
Biện pháp này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, trong đó giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong vòng ba ngày.
Giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan ngày 7/12 là 140 euro (gần 150 USD) mỗi megawatt giờ. Một năm trước, mức giá này vào khoảng 95 euro và hai năm trước là khoảng 14 euro. Giá khí đốt hồi tháng 8 đã tăng lên mức kỷ lục 340 euro mỗi megawatt giờ.
Khi trần giá khí đốt được thông qua, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng.
Châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và những năm sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận