24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nếu Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ thảo luận việc chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tuần tới nếu cuộc khảo sát sơ bộ diễn ra vào ngày 15/3 về kết quả đàm phán tiền lương của các công ty lớn mang lại kết quả khả quan.

Một quyết định như vậy sẽ đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khép lại chương trình kích thích kinh tế kéo dài hàng thập kỷ của ngân hàng này và hứa hẹn tạo ra những tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu bằng cách thay đổi vị thế của Nhật Bản là nhà cung cấp đồng tiền lớn giá rẻ duy nhất.

Những chỉ dấu lạc quan

Nhật Bản thực hiện lãi suất âm vào tháng 1/2016, gây ngạc nhiên cho thị trường toàn cầu với chính sách tiền tệ độc đáo nhằm ngăn ngừa giảm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế. Chính sách này, được thực hiện sau khi các động thái tiền tệ khác không đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc duy trì lãi suất âm nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ thay vì gửi tiền tiết kiệm bởi việc gửi tiền với lãi suất âm sẽ chỉ khiến họ chịu thiệt.

Tám năm sau, thử nghiệm tiền tệ này có thể sắp kết thúc, nhiều khả năng là ngay trong tháng này. Các nguồn tin cho biết BoJ có thể sẽ xem xét kỹ lưỡng cuộc khảo sát sơ bộ về kết quả của các cuộc đàm phán về tiền lương, dự kiến sẽ được công đoàn Rengo công bố vào ngày 15/3, để quyết định xem liệu các điều kiện để loại bỏ dần các biện pháp kích thích kinh tế có được đáp ứng hay không.

Các cuộc đàm phán về lương thường niên năm nay đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 13/3, với việc Toyota Motor đồng ý tăng lương cho công nhân nhà máy ở mức lớn nhất trong 25 năm, làm tăng kỳ vọng rằng các công ty khác sẽ hành động tương tự. Những dấu hiệu tích cực ban đầu về kết quả các cuộc đàm phán về tiền lương năm nay đã làm tăng khả năng BoJ sẽ loại bỏ dần gói kích thích tiền tệ khổng lồ của mình. Nhiều người tham gia thị trường kỳ vọng BoJ sẽ chấm dứt lãi suất âm ngay tại cuộc họp 19/3 hoặc cuộc họp tiếp theo vào ngày 25 - 26/4.

Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, tỏ ra khá chắc chắn về một kịch bản như vậy, và nhà băng này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi đó của chính sách tiền tệ. Dự báo của MUFG có phần quả quyết hơn so với đặt cược trên thị trường hoán đổi (swap) - nơi các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng BoJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm trong cuộc họp tháng 3 là khoảng 50%, và động thái như vậy trong cuộc họp tháng 4 là 80%.

“Tôi cho rằng việc chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 là cần thiết, thay vì vào tháng 4”, ông Hiroyuki Seki, trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu của MUFG, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Japan Times. Theo ông Seki, sớm nhất đến tháng 10 năm nay, BoJ có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa lên 0,25% “để bảo đảm sự linh hoạt của chính sách trong tương lai”, sau khi tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19.3 tới đây - đợt nâng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2007. Lãi suất cơ bản của BoJ hiện ở mức âm 0,1%.

BoJ “cần có một khoảng thời gian đủ dài trước khi tiến hành đợt nâng lãi suất tiếp theo”, ông Seki nhấn mạnh, và cho biết ông đưa ra dự báo như vậy dựa vào tín hiệu đến từ các phát biểu công khai của giới chức BoJ từ đầu năm đến nay.

Khi mới đưa ra chính sách lãi suất âm vào năm 2016, BoJ áp dụng một hệ thống gồm 3 cấp, trong đó các mức lãi suất 0,1%; 0% và âm 0,1% được áp dụng đối với số dư dự trữ gửi tại BoJ của các ngân hàng thương mại. Ông Seki nói BoJ có thể sẽ xóa bỏ hệ thống lãi suất này cùng với việc chấm dứt lãi suất âm, và mức lãi suất 0,1% có thể sẽ được áp đối với tất cả các khoản dự trữ tại ngân hàng trung ương.

Điều gì sẽ xảy ra?

Nếu dự đoán của các chuyên gia là chính xác, thì điều gì có thể xảy ra sau khi lãi suất âm được chuyển thành dương?

Việc BoJ nâng lãi suất sẽ trái ngược với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác trong năm nay, khi các ngân hàng này đều được dự báo sẽ hạ lãi suất. Do trái chiều chính sách tiền tệ giữa BoJ và Fed trong mấy năm qua, khi BoJ giữ lãi suất âm và Fed tăng lãi suất dồn dập để chống lạm phát, đồng yen đã trượt giá về vùng 150 yen đổi 1 USD. Lần thay đổi chính sách sắp tới của BoJ và sự trái chiều chính sách với Fed theo hướng ngược lại được dự báo sẽ dẫn tới sự hồi phục của đồng yen, phản ánh một phần sự lạc quan ngày càng tăng trong nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, sức mạnh đồng yen được duy trì lâu dài cũng sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản, những người được hưởng lợi từ sự suy yếu gần đây của đồng tiền này.

Chứng khoán Nhật Bản có thể sẽ gặp biến động khi các nhà đầu tư điều chỉnh danh mục đầu tư của họ để ứng phó với sự thay đổi chính sách. Các ngành nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như tài chính, có thể sẽ chứng kiến ​​những biến động đáng kể.

Việc Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đưa ra quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản với quy mô 1.096 nghìn tỷ yen, tương đương 7,3 nghìn tỷ USD, và tỷ giá đồng yen Nhật Bản. Việc này có thể khiến nhu cầu trái phiếu chính phủ Nhật Bản sụt giảm, dẫn tới giá trái phiếu lao dốc và lợi suất tăng vọt. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện dao động gần mốc 0,7%. Khi BoJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm, lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thể tăng dần lên mức 1% và cao hơn, trong khi lợi suất của kỳ hạn 5 năm sẽ tăng về mức 0,6% và cao hơn.

Trái phiếu chính phủ Nhật Bản cũng là một thành phần quan trọng của thị trường trái phiếu toàn cầu. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách lãi suất của Nhật Bản sẽ khiến các nhà đầu tư đánh giá lại danh mục đầu tư của mình, ảnh hưởng đến thị trường này.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có thể chứng kiến ​​sự biến động. Các lĩnh vực tiếp xúc nhiều với Nhật Bản, bao gồm ô tô và điện tử tiêu dùng, có thể sẽ chứng kiến ​​biến động giá dựa trên biến động tiền tệ và hiệu quả hoạt động cơ bản của các công ty lớn của Nhật Bản. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota, Honda, Sony và Panasonic ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư đối với các lĩnh vực rộng lớn này. Báo cáo thu nhập tích cực hoặc sự thay đổi chiến lược của các công ty này có thể nâng giá cổ phiếu trong các lĩnh vực tương ứng của họ trên toàn cầu trong khi những thất bại hoặc hoạt động kém hiệu quả có thể gây áp lực giảm giá. Việc chuyển đổi tiềm năng từ lãi suất âm sang dương sẽ tác động như thế nào đến những gã khổng lồ Nhật Bản này sẽ là yếu tố then chốt đối với tâm lý nhà đầu tư.

Một tác động quan trọng khác là các nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ xem xét lại danh mục đầu tư toàn cầu của họ nếu tài sản trong nước trở nên hấp dẫn hơn do lãi suất cao hơn. Điều này có thể sẽ dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi thị trường nước ngoài, có khả năng ảnh hưởng đến giá tài sản, đặc biệt là ở những khu vực và lĩnh vực mà trước đây các nhà đầu tư Nhật Bản ưa chuộng.

Với những tác động tiềm năng này, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi chính sách hoặc những gợi ý về sự thay đổi trong tương lai mà nếu được thực hiện sẽ tác động đến quỹ đạo của thị trường trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả