24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bình Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nên nới “room ngoại” tại ngân hàng

 Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và các yêu cầu ngày càng cao về nâng cao năng lực tài chính và quản trị, nhiều ngân hàng mong muốn được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc này cần thực hiện từng bước, trước mắt có thể nới từ 30% lên 49%.

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại.

Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).

Đây là những quy định cho thấy sự thận trọng, dè dặt trong chính sách mở cửa cho dòng vốn ngoại đổ vào hệ thống ngân hàng thương mại. “Đó là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng thâu tóm, sáp nhập trong giai đoạn các “ông chủ” của ngân hàng Việt vẫn còn hạn chế về năng lực quản trị và nguồn lực tài chính. Song đến thời điểm này, những yếu tố trên đã thay đổi, các nhà đầu tư nội ở các tổ chức tín dụng (TCTD) có năng lực quản trị tốt hơn, cách thức quản lý và giám sát hệ thống TCTD cũng được thực hiện bài bản hơn. Do đó, việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD cần được xem xét để góp phần nâng cao năng lực của các ngân hàng Việt Nam và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bình luận.

Thông lệ quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới thường có chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các TCTD trong nước, trong đó có việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD.

Theo đó, một số quốc gia thường điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn nhất định sau khi các TCTD trong nước được củng cố, có khả năng tự chủ về tài chính. Chẳng hạn, trong giai đoạn xử lý khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Indonesia đã nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức 49% vốn điều lệ. Năm 1998, Hàn Quốc bãi bỏ quy định về giới hạn đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu toàn bộ cổ phần của ngân hàng trong nước, ban hành chính sách chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ vào công tác quản trị ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD Việt Nam trong thời gian qua cho thấy có tác động tích cực. Đó là góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục vụ cho kế hoạch phát triển và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về vốn, cơ cấu tổ chức, tiếp cận các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng, đặc biệt là công tác quản trị rủi ro. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng góp trong việc tư vấn, hỗ trợ khai thác các ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý rủi ro nhằm tối ưu hóa hoạt động.

“Hiện nhiều TCTD có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Việc khống chế tỷ lệ 30% ảnh hưởng đến việc tìm kiếm cơ hội mua bán - sáp nhập, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược đã khó nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ sở hữu vốn”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết. Tuy vậy, cần thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với sự quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể có cơ chế cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nên xem xét đưa lên mức 49% là phù hợp, bởi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư trong nước vẫn ở mức chi phối. Bên cạnh đó, với năng lực quản lý của từng ngân hàng và cả hệ thống hiện nay, một quyết định quan trọng của từng ngân hàng cũng chịu sự giám sát từ cả nội tại ngân hàng và cả từ cơ quan quản lý. Điều quan trọng là chú trọng năng lực kiểm tra giám sát của từng ngân hàng và toàn hệ thống”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả