menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Văn Khánh

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được tiền

Nền kinh tế không thiếu tiền nhưng không hấp thụ được vốn, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thay đổi chính sách nếu không tình hình năm sau "khó khăn hơn".

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, lo lắng thực trạng "kinh tế thiếu vốn nhưng lại khó hấp thụ", khi tín dụng tăng thấp, tới cuối tháng 9 mới tăng 6,92%, dù lãi suất giảm.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, phân tích tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp.

Chẳng hạn, tổng mức đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 5,9%, nhưng chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước tăng gần 12% nhờ đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế và tăng thu - tiết kiệm chi. Trong khi, đầu tư khu vực ngoài nhà nước rất thấp, tăng 2,3% trong 9 tháng, tương đương 1/6 so với cùng kỳ 2022. Tương tự, đầu tư khu vực có vốn nước ngoài (FDI) thấp, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cũng giảm sâu, như chứng khoán đã mất 32% giá trị trong năm ngoái và 9 tháng đầu năm vẫn trồi sụt. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro. Nhiều dự án bất động sản không thể làm tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực.

"Nền kinh tế không thiếu tiền, nhưng vấn đề không hấp thụ được do đầu tư và tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp. Những chỉ dấu này cho thấy Chính phủ cần thay đổi chính sách, bởi nếu không có động thái thì tình hình năm sau sẽ càng khó khăn hơn nữa", ông nói.

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được tiền
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách

Thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhìn nhận thực tế khó hấp thụ vốn dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0% một năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Ngoài khó khăn hấp thụ dòng tiền, nhiều đại biểu cũng lo ngại tình trạng nợ xấu đang tăng trong hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng là 3,56% tính tới cuối tháng 7. Mức này cao hơn 2% so với cuối 2022 và gần 1,7% so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng dự báo nợ xấu có thể tiếp tục tăng tới đây khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ.

"Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm, ông Đồng nhận định, và thông tin thêm, cập nhật tới 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng.

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được tiền
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhận xét, mức 3,56% nợ xấu nội bảng trong hệ thống ngân hàng, tương đương 440.000 tỷ đồng, là "đột biến, tốc độ tăng đáng lo ngại". Ngoài khoản nợ này, nợ đọng trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, không trả đủ nhà đầu tư hiện khoảng 190.000 tỷ đồng. Hai khoản "nợ xấu" này của nền kinh tế, theo ông Nam, thu hẹp không gian của chính sách tiền tệ.

"Nếu để nợ xấu lâu, lãi dự thu nhiều, gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ không kịp thời xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ lãng phí nguồn lực đáng kể", ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Yến băn khoăn, Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu được kéo dài tới hết 2024, nhưng nợ xấu vẫn tăng. "Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu khi tỷ lệ này đang tăng và cần có giải pháp gắn với tái cơ cấu các ngân hàng để xử lý tốt hơn vấn đề này", bà đề nghị.

Trước bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất điều hành, bà Yến đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm việc, có hay không việc một số ngân hàng thương mại trong nước gửi tiền tại nhà băng nước ngoài, như tại Mỹ, để hưởng lãi suất tín dụng cao.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại "đáng lo ngại" của hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, xét chung toàn hệ thống tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trên 26%. Ngoài các ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, còn một số nhà băng có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép. Điều này tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp giảm lãi suất cho vay, nhưng không hiệu quả vì chưa đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, có xu hướng tăng. Biên độ giữa lãi vay và huy động bình quân trên 4%.

Bên cạnh đó, việc cơ quan điều hành hai lần tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10/2022, mỗi lần tăng 1%, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao những tháng cuối năm ngoái, với lãi huy động trên 11% và cho vay hơn 13%.

"Việc đột ngột tăng lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi, trong khi ngân hàng trung ương các nước có nhịp độ tăng dần từ đầu năm, là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế", ông Đồng nhận xét. Việc này, theo ông, khiến môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn, ổn định.

Kỳ họp thứ 6 diễn ra trong 22 ngày, dự kiến Quốc hội thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế xã hội vào chiều 31/10.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại