'Nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản hàng loạt'
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu dịch Corona kéo dài và phức tạp, nguy cơ doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Do đó, Nhà nước nên có chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Giáp Văn Dương cho biết, một số nhà kinh tế cho rằng dịch Corona (COVID-19) lần này sẽ làm giảm 0,4 - 0,7% mức tăng trưởng GDP so với năm trước, tùy theo việc khống chế dịch sẽ xảy ra vào quý I hoặc quý II. Tuy nhiên, hiện không thể nói chính xác ảnh hưởng kinh tế của dịch là bao nhiêu, vì thời điểm khống chế dịch vẫn chưa thể đoán định chính xác vẫn chưa có, và thống kê thiệt hại cũng chưa kịp triển khai.
Chỉ biết rằng, ảnh hưởng của dịch nCoV lần này, cộng với một số chỉ dấu kinh tế vĩ mô xuất hiện từ năm ngoái, như sự chùng xuống của bất động sản, sẽ góp phần tạo ra một năm 2020 khó khăn hơn năm trước.
“Kịch bản nhẹ nhất là Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, khống chế được dịch trong tháng 2 này. Khi đó ảnh hưởng khoảng 0,4-0,5% mức tăng trưởng GDP như một số nhà nghiên cứu dự đoán. Còn kịch bản nặng nhất là dịch kéo dài đến hết quý II và bùng phát trở lại vào cuối năm khi mùa cúm mới bắt đầu, hoặc khi chịu dịch kép, tức lại có thể một loại dịch cúm mới bùng phát trong thời gian tới. Chúng ta chưa ước đoán được mức ảnh hưởng cho kịch bản xấu nhất này", ông Dương nói.
Với ngành giáo dục, theo ông Dương cho biết, dịch viêm phổi Vũ Hán lần này có ảnh hưởng lớn. Cứ nhìn hơn hai chục triệu học sinh sinh viên cả nước phải nghỉ học thêm 2 tuần là đủ hình dung được mức độ thiệt hại của ngành do dịch mang lại. Hiện ngành giáo dục cũng bị động, chỉ có thể lên kế hoạch tuần và chờ đợi diễn biến tiếp theo của dịch. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành giáo dục, đặc biệt là các trường khối tư thục. Với khối này, học sinh nghỉ ở nhà nên nhiều phụ huynh muốn nhà trường hoàn lại học phí, nhưng mọi chi phí lớn như nhân sự, cơ sở vật chất… thì nhà trường vẫn phải chi trả.
Còn về cơ hội? Nếu có, thì đó là cơ hội cho hình thức học trực tuyến đi vào đời sống hơn. Học sinh không thể đến trường, bỗng nhiên việc dạy và học trực tuyến trở thành lựa chọn duy nhất của học sinh và thầy cô. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ khó cao, vì cả thầy và trò đều chưa được chuẩn bị cho hình thức học mới mẻ này.
"So với ảnh hưởng của dịch cúm SARS năm 2003, thiệt hại về người tôi dự đoán là ít hơn, vì độc tính của virus Corona thấp hơn virus SARS, thể hiện qua tỷ lệ tử vong thấp hơn. Ngoài ra, Việt Nam đã có kinh nghiệm chống SARS nên việc khống chế dịch lần này khá tốt. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế có thể lớn hơn, vì lần này, tâm lý lo lắng hoang mang của dân chúng lớn hơn rất nhiều.
Còn nhớ dịch SARS năm 2003, nhà tôi ở cách tâm dịch chưa đầy 1km, vậy mà chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Người lớn vẫn đi làm, trẻ em vẫn đến trường. Lý do có lẽ là vì ngày đó chưa có mạng xã hội, nên các thông tin về dịch không lan tràn phổ biến như bây giờ, nên dân chúng ít hoang mang hơn, các hoạt động kinh tế cũng ít bị đình trệ hơn”. ông Dương chia sẻ.
Đề xuất những biện pháp trước mắt với doanh nghiệp và nhà nước, ông Dương cho rằng, doanh nghiệp trước mắt là thực hiện hướng dẫn chỉ đạo của Bộ y tế và Chính phủ về phòng chống dịch, triển khai các kế hoạch ứng phó như làm việc trực tuyến nếu có thể, hoặc duy trì sản xuất đồng thời siết chặt an toàn y tế chống dịch giảm thiểu ảnh hưởng của dịch. Một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, giáo dục… thì chẳng còn cách nào khác là giảm thiểu chi phí, đào tạo nội bộ, lên kế hoạch ứng phó trong dịch và bù đắp sau dịch.
Nhà nước phải chuẩn bị nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản sớm nhất, nên ưu tiên an toàn y tế cho người dân, chấp nhận hy sinh một phần về kinh tế, tuyệt đối không để bị động trong việc chống dịch, minh bạch thông tin để cả xã hội cùng chung tay chống dịch. Phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế để khống chế dịch. Hành động theo tư vấn và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
"Không hoảng sợ nhưng cũng không chủ quan. Với tư cách một công dân, tôi nghĩ định hướng chung là như vậy, còn chi tiết thì các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn sẽ có thẩm quyền hơn để cho ý kiến”, ông Dương nói.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, CEO The Yellow Chair Specialty Coffee, đồng sáng lập thương hiệu kim chi Ông Kim’s cho biết, doanh nghiệp đang hoang mang về nguồn nguyên liệu (đặc biệt các doanh nghiệp may mặc, ô tô, thép ... có nguyên liệu, phụ liệu được cung cấp từ Trung Quốc). Tuy nhiên hãng Hyundai - Hàn Quốc dây chuyền sản xuất ô tô bị ngưng trệ nhiều ngày nay vì không có phụ kiện từ Trung Quốc do công nhân bên ấy chưa làm việc, nhưng nay hơn 2 triệu công nhân đã quay vào làm việc sau khi hai nước đưa ra các biện pháp phòng ngừa và phản ứng nhanh tại nhà máy và công sở.
Các doanh nghiệp Việt Nam cùng với Sở Y tế địa phương nên suy nghĩ cách phòng ngừa, tuyên truyền, phản ứng nhanh đưa ra biện pháp tốt nhất cho môi trường và nhanh chóng đưa nhân viên trở lại nơi làm việc như bình thường. Còn doanh nghiệp nào chưa chuẩn bị tư thế thì tạm ngưng chậm lại và tiếp sức với chính quyền cơ sở có thể đưa ra môi trường làm việc an toàn và có kế hoạch phản ứng nhanh , đối phó với dịch một cách bình tĩnh nhất có thể.
Trước mắt, ngành bán lẻ và F&B có giảm sút mạnh do người dân ít gặp gỡ và ăn uống bên ngoài. Tuy nhiên thời gian này có thể tập trung đào tạo nhân viên ứng phó thế nào nếu có đại dịch. Ngay lập tức đẩy mạnh hàng bán mà khách có thể đặt online, ít đi ra ngoài để tiếp xúc, giải thích cách pha chế và uống cafe tại nhà hoặc cơ quan. Tận hưởng thời gian ở nhà, để suy nghĩ cho kế hoạch tương lai.
Nếu tình trạng diễn biến kéo dài chắc chắn bị ảnh hưởng nên công ty bà Hạnh thắt chặt quản lý chi phí, tạm thời không chào thêm khách, mà cố gắng đào tạo nội bộ, tập trung vào hoàn thiện kế hoạch chi tiết cho các tháng tới. Cần thiết nữa huấn luyện cho nhân viên góp tay chung sức với cộng đồng trong việc phòng, ngừa, giúp đỡ thiện nguyện nếu có chuyện xảy ra trong tương lai.
Khi nguồn nguyên liệu và thị trường xuất nhập khẩu bị biến động mạnh, nên thông báo cho đối tác, tìm nguồn thay thế, sản xuất cầm chừng hay bình thường thì chủ doanh nghiệp phải hết sức bình tĩnh mà theo dõi ứng phó của nhu cầu và nguồn cung.
Một số doanh nghiệp nên chuyển hướng tạm thời để cố giữ mọi thứ ở mức bình thường có thể trong sự an toàn và hiểu biết dịch rõ ràng. Ví dụ ngành may có thể may gia công khẩu trang, tìm kiếm các thiết kế giúp người dân phòng chống bệnh, bán hàng online, tìm cách giao hàng tốt nhất... nói chung xoay chuyển nhanh tạm thời theo nhu cầu thị trường, hoặc đón đầu sáng tạo nhanh nhu cầu mới trong ảnh hưởng dịch ít nhất là 3 - 6 tháng hoặc 1 năm. Rồi sau đó lại quay lại ngành chính, guồng máy chính của mình, có khi lại mở rộng thêm ngành mới, sáng tạo rất cần thiết trong lúc này.
Các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp nên phối hợp thông tin, tuyên truyền, xây dựng phương án phòng, ngừa. Phối hợp sở, ban ngành, đào tạo nhân viên kiên cường đồng hành cùng cộng đồng và cũng tạo ra môi trường an toàn để ổn định sản xuất.
"Nhà nước nên có chính sách thiết thực nào để hỗ trợ doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản hàng loạt nếu dịch kéo dài. Nhà nước kết hợp Sở Y tế, hỗ trợ y tế nhanh chóng, có kế hoạch phòng bị nhằm tạo sự chủ động, tin tưởng, an toàn thực sự cho doanh nghiệp có đông nhân viên. Giảm hoặc hoãn thu thuế ngắn hạn nếu cần thiết để đồng cùng doanh nghiệp. Tìm cách hỗ trợ và ban hành các thủ tục hành chính nhanh chóng giúp doanh nghiệp tìm nguồn cung thay thế, trở lại sản xuất trong sự an toàn và hỗ trợ tuyệt đối của nhà nước và các cơ quan chức năng", bà Kim Hạnh khuyến nghị
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận