menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

'Nên chuyển KCX Tân Thuận thành không gian công cộng cho TP HCM'

TP. HCM đang quá tải các với các dự án cao tầng nên xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh...

Theo các chuyên gia, Khu chế xuất Tân Thuận khi hoàn thành "sứ mệnh" nên chuyển thành không gian công cộng, xây các toà nhà trung tâm hành chính, chứ không nên làm đất ở.

Thành lập năm 1991, ở phường Tân Thuận Đông (quận 7), rộng hơn 300 ha, Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam. Ngoài vai trò là mô hình công nghiệp kiểu mẫu, Tân Thuận giữ vị trí quan trọng của kinh tế TP HCM. Cuối năm 2021, khu chế xuất thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, đang tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.

Khu chế xuất nằm cách trung tâm thành phố chừng 5 km càng được quan tâm khi tại hội thảo chiến lược phát triển quận 7 hôm 28/6, nhiều ý kiến nêu TP HCM cần chuẩn bị chuyển đổi công năng khi nơi đây hết hạn thuê đất vào năm 2041. Đáng chú ý, chính quyền quận 7 đề xuất thành phố cho chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại khu chế xuất sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại...

Là một trong những người lập Khu chế xuất Tân Thuận, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Giám đốc Công ty Cholimex, nói cách đây hơn 30 năm, ông cùng một nhóm nghiên cứu kinh tế được Thành ủy TP HCM giao xây dựng đề án thu hút đầu tư nước ngoài. Nhóm sau đó nêu ý tưởng, được thành phố chấp thuận làm khu chế xuất ở quận 7, mở đầu cho các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế trong nước lúc đó bị cấm vận, bao vây.

Khu chế xuất Tân Thuận sau khi hình thành đến nay ngoài thu hút đầu tư, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, mở rộng thị trường... còn góp phần xoá đói giảm nghèo toàn vùng Nhà Bè. Đây cũng là tiền đề hình thành các khu chế xuất, công nghiệp sau này trên cả nước.

Khi đó, nhóm nghiên cứu dự trù khu chế xuất chỉ thành công trong giai đoạn nhất định. Vì vậy lúc thành lập, Tân Thuận đã được tính toán chỉ làm hợp đồng cho thuê đất trong 50 năm với doanh nghiệp, sau đó không cho gia hạn mà chuyển đổi phù hợp thực tế. Từ năm 2004, bối cảnh kinh tế, xã hội thay đổi, nhóm nghiên cứu đã tính toán nên chuyển đổi công năng khu chế xuất.

Để chuẩn bị cho thời điểm hợp đồng thuê đất kết thúc, nhóm đã đề xuất thành phố triển khai Khu công nghiệp Hiệp Phước, ở huyện Nhà Bè, rộng 2.000 ha, cách Khu chế xuất Tân Thuận hơn 15 km. Hiện, nơi này đã hình thành và sẽ là địa điểm mới cho doanh nghiệp ở Tân Thuận chuyển qua khi hợp đồng kết thúc.

'Nên chuyển KCX Tân Thuận thành không gian công cộng cho TP HCM'
Ông Phan Chánh Dưỡng. Ảnh: Gia Minh

Theo ông Dưỡng, mô hình mà trước đây các chuyên gia nhắm cho Tân Thuận là hình thành khu kinh tế tự do, vừa sản xuất vừa phát triển thương mại; xây dựng trung tâm logistics cho TP HCM và Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Song tư duy logistics thời điểm đó rất hạn chế nên kiến nghị không được chấp thuận, sau đó rơi vào im lặng.

Bàn về việc chuyển đổi công năng Khu chế xuất Tân Thuận sau khi hết hạn thuê đất, ông Dưỡng nói rằng với diện tích hơn 300 ha, thành phố có thể sử dụng khoảng 100 ha làm quảng trường lớn, tạo không gian công cộng cho người dân. Phần còn lại xây các toà nhà như các cơ quan hành chính của Trung ương, thành phố, viện bảo tàng... Những toà nhà này cần được xây dựng mang kiến trúc, văn hoá trong nước, tạo những nét đặc trưng cho thành phố.

"Còn 19 năm nữa sẽ kết thúc thời hạn cho thuê đất nên việc nghiên cứu, chuyển đổi mô hình phát triển cho khu vực rộng hàng trăm ha của khu chế xuất là cấp bách", ông Dưỡng nói và cho rằng tương lai sau khi cảng Sài Gòn dời đi, đường Nguyễn Tất Thành cũng được mở rộng, ven sông Sài Gòn từ quận 1 nối đến Tân Thuận sẽ là dải đất đẹp nhất TP HCM.

'Nên chuyển KCX Tân Thuận thành không gian công cộng cho TP HCM'
Khu chế xuất Tân Thuận gần trung tâm TP HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng sau khi khu chế xuất Tân Thuận hết nhiệm vụ là cơ hội tốt để mở thêm không gian công cộng, tăng mảng xanh cho TP HCM. Theo ông, khu vực trên địa hình thấp, sụt lún nhanh... nếu phát triển dân cư, xây cao ốc là "trái quy luật". Ngoài ra, việc phát triển dân cư cũng phải tạo công ăn việc làm tại chỗ, khi không đáp ứng được sẽ làm tăng nhu cầu đi lại, gây ùn tắc cho các tuyến đường.

Mặt khác, ông Sơn cũng cho rằng Tân Thuận vốn được quy hoạch là trung tâm việc làm cho Nam Sài Gòn, nếu thành phố muốn chuyển đổi nên cân nhắc giữ công năng như vậy. Đồng thời, TP HCM đang muốn phát triển kinh tế biển, khu chế xuất Tân Thuận cần dựa theo định hướng này để phát triển, tạo liên kết vùng, thêm cơ hội mới.

Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng việc chuyển đổi công năng cho khu chế xuất Tân Thuận là bài toán kinh tế cần đánh giá tổng thể. Nếu phát triển các dự án bất động sản tại đây sau khi Tân Thuận hết hợp đồng cho thuê đất chỉ là "lợi ích trước mắt".

Xung quanh khu chế xuất đã phát triển mạnh dân cư, đô thị, nhưng vẫn có nhiều lợi thế về công nghiệp, sản xuất do hình thành từ lâu, có nền tảng. "Khu vực cũng được kết nối giao thông thuận lợi khi có các trục đường lớn như Nguyễn Văn Linh, cầu Tân Thuận, Phú Mỹ, sắp tới có cầu Thủ Thiêm 4... Do đó, nếu TP HCM bỏ đi lợi thế này để phát triển nhà ở chưa chắc mang lại hiệu quả", ông Cương nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
4 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại