NDN, SAM, MHC - Mong manh lợi nhuận đầu tư chứng khoán
Đầu tư tài chính đã “cứu” lợi nhuận chung của nhiều doanh nghiệp giai đoạn vừa qua, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi hiệu quả trồi sụt theo diễn biến thị trường.
Từ câu chuyện ở NDN
Với sự hưng phấn của dòng tiền, nhà đầu tư liên tục tìm kiếm cơ hội sinh lời ở các cổ phiếu “có câu chuyện” hỗ trợ cho đà tăng giá, mà việc doanh nghiệp có danh mục đầu tư tài chính và xem xét đầu tư tài chính như một kênh để đa dạng hoá lợi nhuận là một trong những câu chuyện thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Trên các diễn đàn chứng khoán, cổ phiếu NDN của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng đang được nhiều nhà đầu tư dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ danh mục đầu tư tài chính. Theo lập luận của các nhà đầu tư này, NDN có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến vào quý IV/2021 khi giá chứng khoán tiếp tục thiết lập vùng đỉnh mới.
Quan sát kỹ báo cáo tài chính quý III/2021 của NDN, có thể thấy, tại thời điểm cuối tháng 9, khoản mục chứng khoán kinh doanh của Công ty ghi nhận 509,93 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng tài sản. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào cổ phiếu SHB, với 232,84 tỷ đồng, tiếp đến là 80,93 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB, 48,15 tỷ đồng vào cổ phiếu VHM, 38,54 tỷ đồng vào cổ phiếu EIB, 33,38 tỷ đồng vào cổ phiếu MCM...
Nhìn chung, danh mục đầu tư của NDN chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu trụ như VHM. Trong quý III, NDN trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư này. Từ đầu quý IV tới nay, nhóm này biến động không đáng kể. Nếu tháng 12/2021, giá cổ phiếu ngân hàng không được cải thiện, danh mục đầu tư của Công ty không hưởng lợi đáng kể từ đà tăng của thị trường chung.
Điểm quan ngại nữa của các nhà đầu tư theo trường phái giá trị đối với cổ phiếu NDN ở thời điểm hiện tại là Công ty thiếu dự án gối đầu trong những năm tới khi dự án duy nhất đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình bàn giao và ghi nhận lợi nhuận.
Cụ thể, tại dự án Khu phức hợp Monarchy - Block B, giá trị tồn kho giảm 268,7 tỷ đồng so với đầu năm, về 295,66 tỷ đồng vào cuối quý III/2021. Công ty có kế hoạch triển khai dự án tại lô A2.21 Phan Đăng Lưu, tuy nhiên giá trị chi phí đầu tư xây dựng cơ bản vẫn duy trì 16 tỷ đồng so với đầu năm.
Được biết, với chiến lược trong một giai đoạn chỉ thực hiện một dự án, NDN gần như chắc chắc chưa có dự án gối đầu trong năm 2022 để ghi nhận lợi nhuận nếu như bàn giao xong phần còn lại của dự án Khu phức hợp Monarchy – Block B. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống lợi nhuận cho Công ty nếu như hoạt động đầu tư tài chính trong lĩnh vực chứng khoán không hiệu quả.
Mới đây, Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng cho biết đã nhận được báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của UBND TP. Đà Nẵng. Trong kỳ, qua thanh tra tại NDN, Thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm và đã chuyển một vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an TP. Đà Nẵng để điều tra, xử lý theo quy định.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa biết kết quả điều tra ảnh hưởng ra sao tới tình hình kinh doanh của NDN, nhưng thông tin bà Mai Thị Thi, vợ ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc đăng ký bán toàn bộ hơn 1,2 triệu cổ phiếu NDN để giảm sở hữu về 0%, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/11 - 24/12/2021 khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại về tình hình nội tại của doanh nghiệp này.
Trước khi có nhịp điều chỉnh, cổ phiếu SAM (của Công ty cổ phần SAM HOLDINGS) đã xác lập đà tăng trên 100% trong vòng gần 2 tháng, từ mức 11.300 đồng/cổ phiếu lên 24.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/11. Sức hấp dẫn của cổ phiếu này là nhờ kết quả lợi nhuận tăng trưởng khá tích cực trong 9 tháng đầu năm 2021.
Biểu đồ nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi đầu tư tài chính tăng giá (NDN, MHC, SAM, SCI).
Cụ thể, 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu 1.280,7 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế tăng 25,8%, đạt 61,49 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp) trong kỳ âm 27,62 tỷ đồng, nhưng Công ty lại có khoản lãi hoạt động tài chính 143,51 tỷ đồng, tăng gần 20% so với mức 120,74 tỷ đồng của cùng kỳ.
Được biết, tính tới 30/9/2021, SAM đang ghi nhận đầu tư chứng khoán là 193,12 tỷ đồng; trong đó, 56,42 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu DNP, 55,32 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG, 21,92 tỷ đồng vào cổ phiếu FPT, 16,93 tỷ đồng vào cổ phiếu STB, 15,95 tỷ đồng vào cổ phiếu CTG…
Với diễn biến kém tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép trong quý IV, khó có cái kết đẹp cho doanh nghiệp này với mảng đầu tư tài chính cũng như chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại Công ty cổ phần MHC (mã MHC), trong 9 tháng đầu năm, MHC ghi nhận doanh thu giảm 20,5% so với cùng kỳ, về 14,8 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế đạt 83,53 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ 14,6 tỷ đồng của cùng kỳ.
Đà tăng trưởng đột biến về lợi nhuận của MHC cũng đến từ lợi nhuận tài chính, với 107,32 tỷ đồng ghi nhận trong kỳ, còn lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn là con số âm, với - 5,05 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2021, MHC đang ghi nhận giá trị hợp lý 168,68 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu GEX. Được biết, từ 1/10 đến 30/11/2021, cổ phiếu GEX đã tăng 112,8%, từ 21.100 đồng/cổ phiếu lên 44.900 đồng/cổ phiếu. Nếu như không có biến động nào quá lớn, Công ty có thể đánh giá lại khoản đầu tư và ghi nhận doanh thu tài chính lớn trong quý IV/2021.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận cốt lõi của MHC liên tục là con số âm, chỉ có hoạt động đầu tư tài chính mới giúp Công ty có lãi, nhưng mức lãi không đáng kể.
Có thể giai đoạn này doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi tạm tính lớn, nhưng năm sau lại phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán không nhỏ.
Ở thời điểm hiện tại, khi dòng tiền hưng phấn lan toả toàn thị trường, câu chuyện định giá cổ phiếu, hay phân tích cơ bản không được giới đầu tư quan tâm bằng câu chuyện kỳ vọng. Nhiều nhà đầu tư tập trung tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kiếm lợi tại các cổ phiếu có câu chuyện và có dòng tiền tham gia vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, dù xu hướng dài hạn của thị trường vẫn là uptrend, nhưng thị trường luôn có biến động mạnh trong từng giai đoạn, cũng như ở từng cổ phiếu, điều này dẫn tới lợi nhuận tài chính không ổn định.
Trong lịch sử, ở nhiều doanh nghiệp xem đầu tư tài chính như một trong các trụ cột hoạt động, có thể giai đoạn này ghi nhận khoản lãi tạm tính lớn trên báo cáo tài chính, nhưng năm sau lại phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán không nhỏ. Chính vì vậy, câu chuyện hỗ trợ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư tài chính thường không kéo dài, đòi hỏi nhà đầu tư phải xem xét và canh nhịp để có thể tham gia cũng như chốt lời hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận