Nắng nóng - thách thức mới đối với tăng trưởng của Trung Quốc
Goldman Sachs và Nomura là hai ngân hàng đầu tư mới nhất hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 với chung nguyên nhân là nắng nóng.
Nhiều ngân hàng đầu tư hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất 60 năm.
Nắng nóng nổ ra đúng thời điểm nền kinh tế số hai thế giới tăng trưởng chậm lại do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và thị trường bất động sản lao dốc. Thời tiết cực đoan càng làm tình hình trở nên phức tạp khi một số địa phương buộc phải cho đóng cửa nhiều nhà máy để tiết kiệm điện.
Goldman Sachs ba lần hạ đự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong vòng 3 tháng. Ảnh: Getty. |
Theo đó, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc từ 3,3% xuống 3% sau khi một số dữ liệu kinh tế tháng 7 thấp hơn kỳ vọng được công bố, bên cạnh đó là tình trạng thiếu điện do nắng nóng. Đây là lần thứ ba ngân hàng ngày hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới từ tháng 5.
“Một mùa hè nóng và khô bất thường gây áp lực lớn đối với công tác sản xuất điện, khiến hoạt động cung cấp điện bị gián đoạn tại một số tỉnh thành, ảnh hưởng tiêu cực tới một số lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng”, theo nhóm chuyên gia của Goldman Sachs.
“Dù chúng tôi dự báo tình trạng thiếu điện trầm trọng trong năm ngoái sẽ không lặp lại, nhưng những khó khăn hiện tại đủ để kéo giảm đà hồi phục của nền kinh tế trong tháng 8 xuống dưới ngưỡng kỳ vọng của Goldman Sachs”.
Trong nửa cuối năm 2021, một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nổ ra tại Trung Quốc khiến cho nhiều địa phương rơi vào cảnh mất điện triền miên. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung than đá, nguyên liệu quan trọng giúp Trung Quốc sản xuất tới 60% tổng lượng điện năng. Bên cạnh đó, nhu cầu điện tại quốc gia này tăng vọt do Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định một số dữ liệu trong tháng 7 vừa qua “phản ánh nhu cầu nội địa suy giảm”. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 gần đây chính là “chướng ngại vật” đối với đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn, nhóm chuyên gia bổ sung.
Người dân Trung Quốc đối mặt với tình trạng nắng nóng đỉnh điểm. Ảnh: Getty. |
Trong ngày 18/8, Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 2,8% do đà phục hồi suy yếu, dịch bệnh Covid-19 và nắng nóng.
Hình thái thời tiết cực đoan “khiến cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao đột biến, buộc một số địa phương phải cắt điện luân phiên, trong đó có một số trung tâm sản xuất quan trọng của Trung Quốc”, nhóm chuyên gia của Nomura nhận định.
Nắng nóng gây ra hạn hán, khiến cho nguồn cung điện gặp khó và mùa màng bị ảnh hưởng, họ bổ sung.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961, với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C tại hơn 100 thành phố. Nhiều đoạn sông Dương Tử, dòng sông dài nhất Trung Quốc, trở nên cạn kiệt và hơn 70 thành phố ghi nhận tình trạng hạn hán.
Tỉnh Tứ Xuyên đã yêu cầu nhiều nhà máy đóng cửa sản xuất trong tuần này. Địa phương này là thủ phủ ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử và tấm pin năng lượng mặt trời. Tình trạng cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp lớn trong đó có Foxconn, nhà cung cấp của Apple, và Intel. Hoạt động khai thác lithium tại địa phương cũng chịu tác động không nhỏ, tạo áp lực tăng giá nguyên liệu thô.
Tỉnh Trùng Khánh, nơi sông Dương Tử và Gia Lăng giao nhau, cũng đã yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng sản xuất trong một tuần lễ nhằm tiết kiệm điện.
Ngoài nắng nóng, số lượng ca nhiễm Covid-19 tại một số địa phương liên tục tăng cao. Tỉnh Hải Nam, được mệnh danh là đảo Hawaii của Trung Quốc khi thu hút đông đảo khách du lịch, phải cho phong tỏa nhiều thành phố do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chiến lược phòng dịch cực đoan, lĩnh vực bất động sản suy yếu và sự sụt giảm nguồn thu ngân sách địa phương, và rất có thể là tăng trưởng xuất khẩu chậm lại”, các chuyên gia của Nomura chia sẻ.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng không quá đặt nặng mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Nhóm chuyên gia nhận định đây là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc chấp nhận thực tế họ sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
“Quan ngại ở thời điểm hiện tại là chính sách hỗ trợ của Trung Quốc không đủ, không đúng thời điểm và không hiệu quả”, nhóm chuyên gia Nomura chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận