Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Hong Kong (Trung Quốc) sụt giảm 2 năm liên tiếp
Viện Phát triển quản lý quốc tế Lausanne (IMD), Thụy Sỹ mới đây đã công bố số mới nhất của “Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh thế giới” năm 2021.
Theo đó, vị trí xếp hạng của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tụt 2 bậc xuống hạng 7.
Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), xếp hạng năng lực cạnh tranh của Hong Kong đã sụt giảm 2 năm liên tiếp, từ vị trí thứ 5 của năm 2020 rơi xuống vị trí thứ 7 năm nay.
Đối thủ cạnh tranh với Hong Kong ở khu vực châu Á là Singapore cũng tụt xuống thứ 5 từ ngôi quán quân của năm 2020. Trong khi đó, từ vị trí thứ 3 năm 2020, Thụy Sỹ thay thế Singapore để đứng đầu bảng xếp hạng năm nay.
Năm 2017, Hong Kong từng đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới, nhưng vị trí này giảm dần sau đó: năm 2018 tụt xuống vị trí thứ 2, đến năm 2020 rơi xuống vị trí thứ 5.
Mặc dù trong 4 nhân tố năng lực cạnh tranh chính của năm nay, Hong Kong vẫn đứng đầu về “hiệu quả của chính phủ”, nhưng 3 nhấn tố còn lại bao gồm “hiệu quả kinh tế”, “hiệu quả kinh doanh” và “cơ sở hạ tầng” thì lại thấp hơn so với năm 2020.
Theo người phát ngôn của Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, “Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh thế giới” tiếp tục khẳng định lợi thế trên nhiều phương diện của Hong Kong, ngay cả khi đối diện với các thách thức chưa từng có trong những năm qua, thì Chính quyền Hong Kong vẫn có niềm tin duy trì các ưu thế hệ thống như quản trị, độc lập tư pháp, thương mại tự do và chế độ thuế thấp, đơn giản..., đồng thời nhấn mạnh sẽ nâng cao địa vị trung tâm tài chính, vận chuyển, thương mại quốc tế để tạo thêm động sự cho sự phát triển.
Tuy nhiên, tờ HK01 bình luận cho rằng, Hong Kong chỉ xếp thứ 34 trong tiểu mục “cấu trúc xã hội”. Phần này bao gồm các nội dung như công bằng, mức độ già hóa dân số, sức gắn kết xã hội, hệ số GINI, phân phối thu nhập, bình đẳng giới …
“Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh thế giới” cũng xếp hạng “hiệu quả kinh tế” của Hong Kong ở vị trí 30, nguyên nhân do tiểu mục “giá cả” được xếp ở vị trí 63, gần cuối bảng.
Cùng ngày, báo cáo nghiên cứu “Thống kê chi phí sinh hoạt” do Tổ chức chuyên về cung cấp các giải pháp nhân sự toàn cầu ECA International công bố nhấn mạnh, Hong Kong tiếp tục trở thành thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu về chi phí sinh hoạt đối với nhân viên nước ngoài. Nếu Chính quyền Hong Kong không chủ động tạo ra một môi trường sống và làm việc lý tưởng, thì khó thu hút các nhân tài./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận