24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nâng lô giao dịch tối thiểu: Cải tiến hay cải lùi?

Theo dự kiến của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ đầu tháng 1/2021, lô giao dịch tối thiểu sẽ được nâng từ 10 cp lên 100 cp. Theo lộ trình dự kiến, HOSE sẽ cho các công ty chứng khoán kết nối và thử nghiệm từ ngày 16-22/12.

Phản ứng của giới đầu tư

Kể từ thông tin trên được đưa ra, giới đầu tư chứng khoán đã hết sức quan tâm. Rất nhiều nhà đầu tư tỏ quan điểm không đồng tình với thay đổi này. Chung quy các nhà đầu tư đều cho rằng việc tăng giao dịch lô chắn sẽ hạn chế giao dịch đối với các cổ phiếu lớn do vốn nhỏ hoặc xử lý cổ phiếu lẻ (chẳng hạn nhà đầu tư (NĐT) nhận 99 cp VNM từ cổ tức sẽ không biết xử lý thế nào, trong khi giá trị trên thị trường lên tới gần chục triệu đồng).

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Kim Chi – Nhà sáng lập Hệ thống Hellostock cảm thấy thay đổi này đem đến bất lợi ở góc độ cá nhân. Nếu áp dụng thay đổi, sẽ làm hạn chế việc mở rộng thị trường tới NĐT, NĐT nhỏ lẻ sẽ chịu thiệt. Do đó, ông Chi không ủng hộ thay đổi này.

Ở góc độ đầu tư, ông Chi cho rằng thay đổi sẽ giảm tiếp cận của NĐT tới cổ phiếu tốt, tuy nhiên, không thể nói việc này sẽ đẩy NĐT nhỏ lẻ tới các cổ phiếu rác vì việc lựa chọn mua cổ phiếu là tùy thuộc vào bản chất thị trường và khẩu vị của NĐT.

Mặt khác, ông Chi nhận xét việc xử lý lô lẻ khá phức tạp nên NĐT sẽ gặp khó khăn và thiệt thòi về giá. NĐT thực chất không quan tâm tới lô lẻ hay chẵn mà chỉ muốn làm sao để giao dịch cổ phiếu thuận tiện nhất.

Anh Nhật, môi giới của công ty chứng khoán cho biết cũng đã trao đổi với khách hàng về điều này. Đa phần việc nâng lô từ 10 lên 100 sẽ gặp bất cập vì một số cổ phiếu bên HOSE thị giá cao nên mua lô 100 cổ sẽ mất tương đối nhiều vốn. NĐT Việt Nam thích nắm nhiều cổ phiếu, nên hay chọn các cổ phiếu thị giá thấp, giờ mà nâng lên 100 những cổ phiếu thị giá cao càng kén người tham gia.

Anh Nhật lo lắng: “Việc này lại tạo thêm tính đầu cơ vì một số cổ phiếu như SAB, VNM, VIC, VHM… là các cổ phiếu tốt nhưng NĐT nhỏ lẻ không tham gia được thì sẽ chỉ có khối ngoại và tự doanh giao dịch”.

Anh N. N. Quang - NĐT cá nhân cho rằng NĐT trên thị trường trước mắt có tâm lý phản kháng nếu việc này được áp dụng. Vì chưa biết lợi ích thế nào nên anh Quang cũng không thể nhận xét có nên áp dụng hay không? Nếu việc áp dụng có giảm tải về hệ thống thì nên áp dụng. Bản thân anh Quang cho biết không chịu tác động nhiều từ thay đổi này. Theo anh Quang, cơ quan quản lý nên có phương án xử lý hết cổ phiếu lô lẻ rồi mới áp dụng nâng lô giao dịch.

Điều chỉnh có phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán?

Chủ trương nâng lô giao dịch tối thiểu lập tức vướng phải sự phản đối từ Hiệp hội Các NĐT Tài chính (VAFI). VAFI cũng cho rằng, lô giao dịch tối thiểu 100 cp không phải là mới mà đã được triển khai cách đây khoảng 20 năm từ khi HOSE mới đi vào hoạt động. Vào năm 2002, các thành viên sáng lập của VAFI đã cùng ký tên vào kiến nghị gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị giảm lô giao dịch tối thiểu xuống còn 10 cổ phần vì thấy rằng nó trở thành lực cản cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở góc độ NĐT cá nhân, ông Nguyễn Kim Chi mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện để NĐT có thể giao dịch thuận lợi, bảo vệ NĐT ở góc độ giá cả, chất lượng sản phẩm thay vì có những thay đổi làm giảm khả năng tiếp cận tới thị trường của NĐT. “Nên đưa ra các phương án phù hợp hơn để NĐT nhỏ lẻ cũng có thể yên tâm tham gia thị trường”, ông Chi nói.

Hay như trên trang cá nhân của mình, một chuyên gia chứng khoán chia sẻ: “Nghe nói HOSE muốn tăng lô gd (giao dịch, người viết chú thích) từ 10 lên 100, hơi bất ngờ. Các bạn nào chơi chứng lâu, chắc nhớ khi HOSE khai trương gd lần đầu tiên năm 2000, 1 lô gd là 100 cổ. Đến đâu đó tầm 2002-2003 thì hạ về 10 cổ. Nay lại nâng lên là sao? Có lẽ như một số báo viết, chắc các bác sợ quá tải hệ thống.

Thực tình, cái mà tôi thường góp ý, là HOSE nên bỏ đợt khớp lệnh định kỳ ATO đi, như HNX ấy, chỉ để ATC với thời điểm khớp ngẫu nhiên(bắt chước hệ thống Thái Lan)”.

Thị trường Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, các định hướng chính sách đều hướng tới đưa thị trường chứng khoán đi lên và nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, việc nâng lô giao dịch tối thiểu của HOSE không biết có thể cải thiện được chất lượng thị trường hay không nhưng đang manh nha những nghi ngờ về chất lượng hạ tầng kỹ thuật. Vẫn còn nhiều nghiệp vụ như giao dịch T+0, bán khống… đã được nhắc tới nhiều năm nhưng vẫn chưa thể triển khai. Liệu hệ thống có đủ khả năng để vận hành các nghiệp vụ này?

Thời gian qua lớp NĐT mới F0 với không ít NĐT nhỏ lẻ được cho là đầu tàu kéo thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên sôi động bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh và dài nhiều tháng liền lên đến gần cả tỷ USD. Tất nhiên thị trường đi lên không phải chỉ có công lao của NĐT nhỏ lẻ nhưng đây là điều cho thấy sức mạnh đến từ nhóm này. Chính từ đó dấy lên câu hỏi, chủ trương nâng lô giao dịch tối thiểu của HOSE có phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn hay không khi mà những NĐT nhỏ lẻ sẽ là những người gặp rào cản trên thị trường?

Đối với việc nâng lô giao dịch tối thiểu, HOSE cho biết đang phối hợp làm việc với các CTCK để xây dựng phương án, sau đó báo cáo UBCKNN.

Người viết đã thử liên lạc với đại diện của UBCKNN để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhưng vẫn chưa liên lạc được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả