Năm 2024: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, theo các chuyên gia, cần chú trọng việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế...
Theo đó, năm 2024 là năm áp chót của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2021 – 2025. Nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6–6,5% trong năm nay thì mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Để đạt được mục tiêu này, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Thực tế, nhìn lại bức tranh tăng trưởng năm 2023, một số ý kiến cho rằng, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống, về đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mới chủ yếu là từ đầu tư công, trong khi đó tỷ trọng đóng góp của đầu tư tư nhân còn rất thấp, năm 2023 chỉ đạt 2,7%.
Đáng nói, so với giai đoạn 2019-2022, đây là mức thấp nhất, cụ thể, so với năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, năm 2021 là 2,6 lần và năm 2022 là 3,3 lần. Chưa kể, qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật vẫn còn cản trở, kìm hãm đầu tư tư nhân. Do đó, vấn đề mấu chốt là cần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cùng với tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn để có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Theo các chuyên gia, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần đặc biệt chú trọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu...
Theo các chuyên gia, cần chú trọng việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế năm 2024
Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương cần tiếp tục được siết chặt, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng.
Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Phan Đức Hiếu cho biết, 4 điểm nhấn chính sách cho thấy, quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.
Thứ nhất, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ở đây có các nhóm giải pháp như thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.
“Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Thứ hai, các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ ba, chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này. Đây là một điểm rất mới.
Cuối cùng, và cũng quan trọng nhất để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, trong Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thực sự thực thi các giải pháp. Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng để thúc đẩy động lực và mang lại cho cộng động doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, bền vững.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Việt Nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành, cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ. Song, ngoài sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, không thể thiếu vai trò từ chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận