Năm 2023: Có nên đầu tư vàng?
Với lợi thế thanh khoản cực tốt, tay phải mua, tay trái có thể bán luôn, vàng vẫn là kênh đầu tư truyền thống được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tìm về trú ẩn tài sản ở kim loại quý cũng được nhiều người lựa chọn.
Dù năm 2022 là một năm “đáng quên” của giới đầu tư nói chung, song với thị trường vàng, “sóng lớn” vẫn là cơ hội đầu tư của không ít người. Theo đó, năm 2022, giá vàng SJC khởi đầu năm ở mức 60,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 61,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Sau đó, giá kim loại quý lần lượt vượt qua các mốc quan trọng, với đỉnh điểm là đến ngày 8/3/2022, giá chạm mốc 74,4 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử.
Thời điểm này, giá kim loại quý thế giới vượt mốc 2.000 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới leo thang cùng nỗi lo lạm phát khiến nhà đầu tư tìm đến mặt hàng này nhiều hơn. Mức giá này khiến vàng SJC đắt hơn gần 20 triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi. Sau khi chạm mức đỉnh trên, giá vàng dần hạ nhiệt, xuống mức 68,2 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày 15/3/2022. Sau đó, giá vàng tiếp tục dao động mạnh, có lúc rơi xuống còn 60 triệu đồng/lượng (mua vào) - 62,5 triệu đồng/lượng (bán ra) - ngày 19/7/2022.
Và trong những ngày cuối của tháng 12/2022, giá vàng giao dịch ở mức dưới 67 triệu đồng/lượng. Với diễn biến trên, giá vàng tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong năm 2022. Đây là mức sinh lời không cao nhưng vàng vẫn là kênh đầu tư đáng chú ý nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền ảo...
Bước sang năm 2023, giá vàng trong nước diễn biến tăng - giảm đan xen vào nửa đầu tháng 1. Đáng chú ý, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá tăng mạnh, vượt mốc 68 triệu đồng/lượng bởi nhu cầu tăng khi sắp đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) và giá kim loại quý thế giới tăng mạnh, sau đó giảm giá ngày chính hội khiến nhiều người thua lỗ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vàng lại quay đầu tăng khi giá thế giới tăng vọt sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá giao dịch cuối giờ chiều 2/2 ở mức 67 triệu đồng/lượng mua vào, 67,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Việc thị trường kim loại quý liên tục tăng giảm trong những ngày đầu tiên của năm mới được các chuyên gia dự báo sẽ là một năm sôi động. Chưa kể, theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023, giá vàng sẽ tăng mạnh. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng có thể vượt 2.000 USD/oz trong năm nay khi Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc thậm chí dừng tăng lãi suất. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, giá kim loại quý đã lập tức tăng mạnh trở lại lên mức cao nhất hơn 9 tháng. Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,2% lên 1.951,43 USD/ounce, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 năm 2022.
Theo dự báo của ngân hàng ANZ, nhu cầu mua lẻ vàng miếng và tiền xu vàng sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, nhất là khi kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Tuy nhiên, ANZ cho rằng, trong ngắn hạn, giá vàng có thể đã tăng quá nhanh và cần điều chỉnh. Còn trong dự báo mới đây, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhận định, giá vàng trong năm 2023 tương đối ổn định trước những bất ổn kinh tế nghiêm trọng.
“Các nhà đầu tư nắm giữ vàng trong năm 2022 nhận được lợi nhuận tốt hơn so với một số kênh đầu tư khác. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023”, ông Juan Carlos Artigas, Trưởng bộ phận Nghiên cứu toàn cầu tại WGC cho biết. Ông Eric Strand, quản lý của Quỹ AuAg ESG Gold Mining ETF (gồm 25 công ty khai thác vàng), nhận định rằng, năm 2023 sẽ mang lại mức cao nhất mọi thời đại cho vàng. Một "thị trường giá lên mới" sẽ bắt đầu, với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce. Kết thúc năm 2023, vàng sẽ cao hơn ít nhất 20%. “Hiện, ngân hàng trung ương các nước đã tiếp tục bổ sung ngày càng nhiều vàng vào kho dự trữ” - ông Strand cho biết thêm.
Tuy nhiên, với Việt Nam, có nên đầu tư vàng và đầu tư vàng ở mức độ thế nào là điều cần phải cân nhắc. Ngoài những rủi ro về biến động giá theo thị trường thế giới, giá vàng trong nước lại có những đặc thù rủi ro khác khi lên xuống không theo đúng nhịp độ thị trường. Chưa kể, với khoảng cách chênh lệch giá so với thế giới lên đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, cộng với biên độ mua bán nới “tùy ý” của doanh nghiệp kinh doanh vàng, người mua vàng luôn ở thế bị động “nắm đằng lưỡi”. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với thị trường vàng hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng”, nhà đầu tư sẽ gặp khá nhiều rủi ro, song nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Theo Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý IV/2022 của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu năm 2022 đạt 4.741 tấn vàng, tăng gần 18% so với năm 2021, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào để tích trữ. Đồng thời, nhu cầu đầu tư vàng của cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý IV/2022 đạt 13,5 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi, xu vàng và nhu cầu trang sức. Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9 tấn vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu trang sức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4,5 tấn. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận