Năm 2022 - kiên nhẫn chờ “quả ngọt” từ nhóm cổ phiếu dầu khí!
Trong kịch bản giá dầu thế giới vẫn duy trì được ở mức cao như hiện nay, có cơ sở để tin rằng những nhà đầu tư kiên nhẫn với nhóm dầu khí sẽ gặt hái được nhiều “quả ngọt” trong năm 2022.
Nỗ lực hoàn thành kế hoạch
Các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí vừa trải qua một năm kinh doanh với nhiều biến động, nhưng về cơ bản bức tranh chung là khá thành công nhờ giá dầu thế giới tăng mạnh. Trong hội nghị tổng kết cuối năm, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) ước tính doanh thu năm 2021 đạt gần 80.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.380 tỉ đồng.
Với kết quả này, PV GAS vượt 14% mục tiêu doanh thu và vượt 19% mục tiêu về lợi nhuận. PV GAS hiện có vị thế là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt tại Việt Nam. Kết quả kinh doanh khởi sắc của PV GAS đã tạo tiền đề cho sự thăng hoa của cổ phiếu này. Hiện cổ phiếu PV GAS có thị giá quanh 105.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 25% so với một năm trước.
Với nhóm các công ty ở “hạ nguồn”, Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Nếu như chín tháng đầu năm 2020, BSR báo lỗ hơn 4.000 tỉ đồng, do khó khăn kép: sản lượng tiêu thụ giảm sâu và giá xăng dầu giảm mạnh, thì chín tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 4.021 tỉ đồng. Được biết, công suất Nhà máy Dung Quất từ mức 85% tại ngày 22-9-2021 đã tăng lên mức 100% vào tháng 10-2021, thúc đẩy sự tăng trưởng của BSR trong quí 4-2021 và cả năm 2021.
Một công ty khác thuộc nhóm “hạ nguồn” là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng đưa ra ước tính doanh thu hợp nhất cả năm 2021 đạt 55.000 tỉ đồng, tăng 8,8% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 884 tỉ đồng, hoàn thành hơn gấp đôi kế hoạch năm.
Một điểm đặc trưng của nhóm cổ phiếu dầu khí là rất “nhạy cảm” với giá dầu và mang tính đầu cơ khá cao.
Điểm chung trong động lực tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp như BSR và PVOil là đã tận dụng tốt diễn biến giá nhiên liệu tăng mạnh trong năm qua, đặc biệt là từ cuối tháng 5-2021.
Trong đó, đợt điều chỉnh hồi cuối tháng 10-2021 đã đưa giá xăng lên sát mốc 25.000 đồng/lít, cao nhất kể từ tháng 9-2014. Giá gas hồi tháng 11 cũng tiến tới 500.000 đồng/bình 12 ki lô gam. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô đi lên từ đáy cũng đã cho phép các doanh nghiệp hoàn nhập một khoản lớn liên quan đến dự phòng hàng tồn kho.
Trong khi đó, ở nhóm các công ty “thượng nguồn”, tình hình kinh doanh trong năm 2021 có phần bấp bênh hơn. Với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), trong chín tháng đầu năm 2021, PVS đã ghi nhận doanh thu 9.651 tỉ đồng và lợi nhuận 575 tỉ đồng.
Theo đó, PVS đã thực hiện 97% kế hoạch doanh thu và 103% kế hoạch lợi nhuận sau 3/4 chặng đường của năm. Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, với Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), kết quả lại không được khả quan như vậy. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2021 của PVD ước đạt 4.200 tỉ đồng, chỉ bằng 95% so với kế hoạch năm và giảm 26% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận trước thuế ước đạt 40 tỉ đồng, tăng 167% so với kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 20% so với năm 2020.
Kết quả kinh doanh của PVD đi xuống chủ yếu do số giàn khoan thuê bình quân trong năm 2021 thấp hơn so với năm trước đó. Ngoài ra, đơn giá bình quân cho thuê giàn khoan thực tế thấp hơn cũng dẫn tới doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Mặc dù vậy, với diễn biến giá dầu hồi phục mạnh trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022, rất có thể kết quả kinh doanh của PVD đã “tạo đáy” trong năm 2021.
Kiên nhẫn chờ “quả ngọt”
Về các nhóm ngành triển vọng trong năm 2022, giới đầu tư hiện đang nhìn vào bốn chủ điểm đầu tư nổi bật là: giá cả hàng hóa tiếp tục neo ở mức cao, đầu tư công được đẩy mạnh, cầu nội địa phục hồi sau dịch và du lịch “hồi sinh” trở lại.
Riêng trong chủ điểm đầu tư liên quan đến giá các loại hàng hóa, dầu khí được nhận định sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Cơ sở cho nhận định trên là nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ còn tăng trong năm 2022 nhờ các hoạt động kinh tế không còn bị gián đoạn vì dịch bệnh, đặc biệt là hoạt động du lịch sẽ sôi động khi nhiều quốc gia mở cửa trở lại.
Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương mức trước đại dịch. Về nguồn cung, giá dầu còn được hỗ trợ bởi sự thận trọng trong việc gia tăng sản lượng của OPEC+ và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ do thiếu các khoản đầu tư mới. Theo đó, giá dầu Brent có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 80 đô la Mỹ/thùng trong nửa đầu năm 2022, sau đó cân bằng quanh mức 70-75 đô la/thùng trong nửa cuối 2022.
Tại Việt Nam, hoạt động vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh. Nhu cầu vận tải dầu năm 2022 sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Từ năm 2023, khi dự án Lọc dầu Long Sơn hoàn thành sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu vận tải.
Ước tính Việt Nam còn khoảng 50% trữ lượng dầu khí chưa được khai thác, trong đó trữ lượng khí chiếm khoảng 60-70%. Theo Dự thảo Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ vượt sản lượng dầu thô trong giai đoạn 2021-2025 với mức sản lượng trung bình là 11,1 tỉ mét khối/năm.
Trên thị trường chứng khoán, 2021 là năm ghi nhận sự thăng hoa của nhóm dầu khí khi đa số cổ phiếu nhóm này có sự tăng trưởng mạnh mẽ như BSR tăng 114%, PVD tăng 54,3%, PVS tăng 37,2%, PVT tăng 34,7%,… Một điểm đặc trưng của nhóm cổ phiếu dầu khí là rất “nhạy cảm” với giá dầu và mang tính đầu cơ khá cao.
Do đó, diễn biến giá của các cổ phiếu thuộc nhóm này thường có những đợt sóng trồi sụt nối tiếp nhau. Tuy vậy, trong kịch bản giá dầu thế giới vẫn duy trì được ở mức cao như hiện nay, có cơ sở để tin rằng những nhà đầu tư kiên nhẫn với nhóm dầu khí sẽ gặt hái được nhiều “quả ngọt” trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận