Mỹ xây dựng mạng lưới mua bán khoáng chất quan trọng với đồng minh
Chính phủ Mỹ đang xem xét thiết lập các hiệp định thương mại tập trung vào các khoáng chất quan trọng với Nhật Bản và Anh và Liên minh châu Âu (EU). Đây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm chống lại sự chi phối nguồn cung nguyên vật liệu của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như xe điện và các công nghệ xanh khác.
Nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Hãng tin Bloomberg hôm 10-2 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Mỹ đang tìm cách thành lập “một câu lạc bô mua các khoáng chất quan trọng” với các đồng minh như EU và nhóm cường quốc G7. Các quan chức này nói rằng một động thái như vậy sẽ giúp Mỹ và các đồng minh thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguồn cung của những nguyên vật liệu quan trọng cho công nghệ xanh, đặc biệt là khi họ tìm cách xây dựng các thỏa thuận hợp tác về năng lượng tái tạo.
Các nguyên tố đất hiếm và khoáng chất kim loại như lithium và cobalt có tầm quan trọng chiến lược vì vai trò không thể thiếu chúng trong công nghệ xe điện, hệ thống điện tử quốc phòng và các mục đích sử dụng khác. Trung Quốc nắm giữ nguồn cung khoáng sản dồi dào trong biên giới của mình và đang chạy đua ký kết các thỏa thuận mua khoáng chất với các nhà cung ứng nước ngoài. Điều này khiến Mỹ lo ngại Trung Quốc có khả năng cắt đứt sự tiếp cận của Mỹ và các đồng minh đối với các khoáng chất này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Bắc Kinh.
Các hiệp định thương mại nói trên cũng có thể mở ra cánh cửa để các nước đồng minh đủ điều kiện nhận được trợ cấp từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Điều này sẽ làm lắng dịu sự bất bình của các nước châu Âu khi họ cho rằng các ưu đãi mà đạo luật dành cho công nghệ xanh ở Mỹ sẽ gây bất lợi cho các công ty của họ.
Theo đạo luật IRA, để nhận được tín dụng thuế của chính quyền liên bang, xe điện bán tại Mỹ phải sử dụng một tỷ lệ linh kiện hoặc khoáng chất quan trọng nhất định được khai thác, chế biến và sản xuất tại Mỹ hoặc từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ như Canada, Mexico nhưng không có châu Âu. Gần đây, Mỹ và EU đã đàm phán hiệp định thương mại về khoáng chất quan trọng. Diễn biến mới nhất là Mỹ bổ sung Nhật Bản và Anh vào danh sách các nước mà Washington nhắm đến để ký kết các hiệp định như vậy.
Theo Andrew Miller, Giám đốc điều hành của Benchmark Mineral Intelligence, nỗ lực khu vực hóa chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế phương Tây hiện nay. Ông cho rằng nỗ lực chuyển đổi bền vững sang năng lượng sạch là mục tiêu chỉ có thể đạt được với các chuỗi cung ứng đa dạng hơn.
Lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng hơn dầu khí
Từ lâu, Mỹ đã thúc đẩy các sáng kiến xây dựng chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng, chẳng hạn Đối tác An ninh khoáng sản (MSP) với các thành viên là Mỹ, EU, Anh Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển.
MSP đã tổ chức một cuộc họp vào đầu tuần này để thảo luận về việc khai thác, chế biến và tái chế các khoáng chất quan trọng với đại diện của một số quốc gia châu Phi, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và làm giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng cũng như bảo vệ chống lại tình trạng gián đoạn nguồn cung như đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19.
Các quan chức Mỹ cho biết, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng chất quan trọng, Mỹ và các đồng minh cần giành được quyền tiếp cận các nguồn cung cần thiết để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Họ tiết lộ các nước ký kết hiệp định thương mại về khoáng chất quan trọng với Mỹ sẽ đủ điều kiện theo Mục 30D của đạo luật IRA, trong đó, cung cấp tín dụng thuế lên tới 7.500 đô la dành cho mỗi chiếc xe điện bán ở Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 6-2.,Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh châu Âu và Mỹ nên hợp tác xây dựng các quy tắc chung về cách tổ chức thị trường khoáng chất quan trọng.
Theo ông, một hiệp định thương mại về khoáng chất quan trọng giữa Mỹ và EU có thể bao gồm các quy tắc về thị trường, hạn ngạch xuất nhập khẩu, trợ cấp và tín dụng thuế. Ông cho rằng hiệp định này sẽ giúp Mỹ và EU tránh được sự cạnh tranh không cần thiết về khoáng chất đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phát biểu hồi tháng 9-2022 khi đề xuất xây dựng Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng nhằm bảo đảm nguồn cung cho châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng hơn dầu và khí đốt. Chỉ riêng nhu cầu của chúng ta đối với đất hiếm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Chúng ta cần phải tránh phụ thuộc vào bên ngoài một lần nữa giống như dầu khí”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận