Mỹ và sự liều lĩnh trong chính sách Ukraine
Theo hãng tin NBC, Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo mục tiêu, qua đó giúp Ukraine bắn hạ một tàu vận tải quân sự của Nga, tiêu diệt hơn 100 binh sỹ Nga trên tàu này. Đây chắc chắn không phải ví dụ duy nhất về cái gọi là quan hệ đối tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine, đồng thời quấy nhiễu người Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định nước này có ý định làm suy yếu Nga để Moskva không thể đương đầu với một cuộc chiến tranh khác. Trong cuộc họp báo mới nhất của mình, Austin nói rằng Mỹ muốn Nga “hoàn toàn bị đánh bại”.
Nếu Austin nghiêm túc, vị bộ trưởng này đang đòi hỏi kết quả gần giống yêu cầu của phe đồng minh với Đức Quốc xã: đầu hàng vô điều kiện.
Hiện tại, không ai có thể đoán trước được kết quả của cuộc chiến ở Ukraine. Thông tin mới nhất là Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Một trong những nhà quan sát am hiểu hơn về cuộc xung đột Ukraine, Jouni Laari - sỹ quan quân đội giàu kinh nghiệm, hiện là cố vấn an ninh và sĩ quan chính trị tại Cơ quan Hành động Đối ngoại của EU - nói rằng trọng tâm hiện tại của Nga là ở khu vực Izium-Horlivka. Ông viết: “Một hướng tấn công mạnh mẽ mới đang hình thành ở Donetsk hoặc từ Velyka Novosilka theo hướng Zaporizhia”. Nga dường như đang dành thời gian, tổ chức cẩn thận và nhận thức được rằng mọi động thái của họ đều bị các vệ tinh và lực lượng tình báo của Mỹ bao phủ.
Tuy nhiên, người Nga cũng đang cảm thấy rất khó chịu và ngày càng tin rằng họ đang có chiến tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chứ không chỉ Ukraine. Trên thực tế, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân “không nên bị đánh giá thấp” và mối nguy hiểm đã ở mức nghiêm trọng.
Nhiều tuần qua, Mỹ đã cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục diễn biến xấu. Thêm vào đó, Nga cảnh báo rằng NATO đang trên đà đưa vũ khí hạt nhân vào Đông Âu.
Tập trung vào hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS-Ashore mới ở Ba Lan và Romania, Nga đang băn khoăn về bệ phóng tên lửa đánh chặn, còn được gọi là hệ thống phóng thẳng đứng MK-41. AEGIS trên biển và trên bờ sử dụng MK-41 để phóng tên lửa đánh chặn (ví dụ như SM-2, SM-3 và SM-6). Tuy nhiên, MK-41 cũng là hệ thống phóng tên lửa Tomahawk, một loại tên lửa hành trình cận âm tầm xa, hoạt động trong mọi thời tiết, được trang bị động cơ phản lực, vốn được thiết kế để né tránh hệ thống phòng không của Liên Xô. Tên lửa này có một đầu đạn hạt nhân W-80, có thể gây ra một vụ nổ hạt nhân với sức công phá từ 5-150 kiloton (KT). Để so sánh, vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima nằm trong khoảng từ 13-18 KT. Các đầu đạn đã bị ngừng sử dụng từ năm 2010-2018, mặc dù được cất giữ trong kho vũ khí đang hoạt động.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch tái trang bị đầu đạn hạt nhân cho Tomahawk, hoặc thậm chí đưa Tomahawk vào hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS-Ashore ở Ba Lan và Romania. Tuy nhiên, từ góc độ của Nga, việc thiếu thông tin tình báo là bằng chứng cho thấy Mỹ đang âm mưu thực hiện chính xác điều mà nước này che giấu, vốn vô cùng rủi ro đối với Nga. Trong thế giới hỗn loạn này, tình báo Nga chắc chắn đã phân tích rằng những cảnh báo của Mỹ về việc Moskva đưa vũ khí hạt nhân vào cuộc chiến Ukraine là bằng chứng cụ thể cho những kế hoạch thâm độc của Washington.
Trong hầu hết giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã cố gắng hết sức để tránh các cuộc đối đầu có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Đáng chú ý nhất, khi Nga ra mắt tên lửa hạt nhân tầm trung cho Cuba vào năm 1962, cùng máy bay ném bom Il-28 có năng lực hạt nhân, Mỹ đã thách thức thành công người Nga và yêu cầu họ rút quân - mặc dù đổi lại, Mỹ cũng phải bí mật loại bỏ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Jupiter của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lần đối đầu thứ hai là vào năm 1973, trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Khi quân đội Ai Cập sắp được điều động, Liên Xô bắt đầu tập hợp một lực lượng tấn công hạt nhân. Đáp lại, Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạt nhân (DEFCON-3), và Ngoại trưởng Mỹ mới được bổ nhiệm lúc đó là Henry Kissinger đã bắt đầu chương trình mang tên “ngoại giao con thoi”.
Bài học ở đây là hãy thương lượng với đối thủ hạt nhân của bạn và tránh các cuộc đối đầu chết người (Kissinger đã kinh hoàng trước những gì ông chứng kiến lúc đó). Mặc dù vậy, những bài học này dường như không thể áp dụng cho Bộ trưởng Quốc phòng Austin, Ngoại trưởng Anthony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, hay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thay vì hiểu rõ kinh nghiệm trong quá khứ với Liên Xô, những quan chức này dường như có xu hướng lừa dối người Nga và gây thêm xung đột.
Phần tồi tệ nhất là cuộc chiến Ukraine đáng lẽ đã có thể tránh được nếu Mỹ thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán nghiêm túc với Nga theo các điều khoản của thỏa thuận Minsk II. Minsk II đã được Ukraine ký kết cùng hai nước cộng hòa ly khai Luhansk và Donetsk, đồng thời được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát.
Thay vào đó, Mỹ và đại diện của NATO là Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã làm điều ngược lại. Họ đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến ở Ukraine và từ khoảng năm 2014, họ bắt đầu huấn luyện các lực lượng đặc biệt Ukraine để giành lại phần lãnh thổ dưới sự kiểm soát của các lực lượng ủy nhiệm Nga (Donetsk và Luhansk) hoặc do Nga tiếp quản (Crimea).
Cùng với việc đào tạo và hỗ trợ tình báo theo thời gian thực, Mỹ đã lên kế hoạch đưa các tàu chiến của Hải quân Mỹ và Anh vào Ukraine để thách thức Nga ở khu vực Biển Đen và Biển Azov. Theo đó, Mỹ đã đầu tư cho việc đào sâu các bến cảng của Ukraine để tiếp nhận các tàu quân sự của Mỹ và Anh. Không có động thái nào trong số này qua mắt được phía Nga, vốn đưa ra những đề nghị sâu sắc nhằm hướng đến một giải pháp thương lượng ở Ukraine theo hiệp định Minsk II, đồng thời xem xét các thỏa thuận an ninh mới ở Đông Âu, đặc biệt là liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Mỹ đã kiên quyết bác bỏ tất cả những tuyên bố này. NATO loại bỏ hầu hết phái đoàn Nga trong khối, vì vậy người Nga cũng rút lui hoàn toàn và đóng cửa các văn phòng của NATO ở Moskva.
Thay vì hướng tới các giải pháp khả thi và đề xuất các điều khoản có tác dụng dàn xếp nhằm bảo vệ chủ quyền của Ukraine và an ninh Đông Âu, chính sách của Mỹ đã hoàn toàn đi theo hướng khác.
Vì vậy, chính sách của Mỹ đối với Ukraine và rộng hơn là đối với an ninh châu Âu đang tiệm cận mức liều lĩnh. Đáng tiếc là không có sự phản kháng nào đối với những động thái này ở Mỹ, nơi mà phần lớn dư luận lại tập trung vào những chiến thắng của Ukraine và những thất bại của quân đội Nga.
Không còn thời gian để lo lắng về những yếu tố gây bất ổn cho Nga có ý nghĩa ra sao đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tỏ ra nhạy bén hơn trước khi xảy ra một thảm họa hạt nhân./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận