Mỹ và châu Âu khó từ chối mặt hàng đang giúp làm “đầy túi” cho Nga
Sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân Nga dự kiến sẽ tăng lên khi các quốc gia triển khai các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đang nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân từ Nga, mang lại cho Moscow hàng trăm triệu USD doanh thu trong bối cảnh nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Việc mua bán mặt hàng trên – hợp pháp và không bị trừng phạt – đã khiến các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân và các quan chức phương Tây lo ngại. Họ cho rằng như vậy nghĩa là đang giúp tài trợ cho việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của Moscow và đang làm phức tạp thêm các nỗ lực nhằm hạn chế khả năng tiếp tục chiến sự của Nga.
Các quan chức Ukraine đã cầu xin các nhà lãnh đạo thế giới trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân và Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom của Nga để cắt đứt một trong những nguồn tài trợ quan trọng cuối cùng của Moscow. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa thúc giục các nhà lãnh đạo phương Tây nhắm vào Rosatom sau khi các lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Rosatom đang điều hành nhà máy đã ngừng hoạt động một phần, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần cảnh báo rằng rò rỉ phóng xạ tại nhà máy này có thể là một thảm họa kinh hoàng.
Sự phụ thuộc vào các sản phẩm hạt nhân của Nga – được sử dụng chủ yếu để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng dân sự – khiến Mỹ và các đồng minh của mình đối mặt nguy cơ thiếu hụt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định cắt nguồn cung.
Thách thức này có thể sẽ trở nên gay gắt hơn khi các quốc gia tìm cách thúc đẩy sản xuất điện không phát thải để chống biến đổi khí hậu.
“Chúng ta phải đưa tiền cho những người chế tạo vũ khí ư? Điều đó thật vô lý!”, ông Henry Sokolski, giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Washington, cho biết. “Nếu không có một quy tắc rõ ràng ngăn cản các nhà cung cấp năng lượng hạt nhân nhập khẩu nhiên liệu từ Nga – một nguồn giá rẻ, thì chả tội gì họ lại không làm điều đó”.
Sức hút của nguồn nhiên liệu giá rẻ
Hãng tin AP dẫn nguồn dữ liệu thương mại và các chuyên gia cho biết, Nga đã bán các sản phẩm hạt nhân trị giá khoảng 1,7 tỷ USD cho các công ty ở Mỹ và châu Âu.
Các giao dịch trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow về cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022, ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu mỏ, khí đốt, rượu vodka, trứng cá muối… nhưng không bao gồm nhiên liệu hạt nhân.
Phương Tây rất “ngại” nhắm mục tiêu vào xuất khẩu hạt nhân của Nga, bởi vì mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Nga đã cung cấp khoảng 12% lượng uranium cho ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ vào năm ngoái, trong khi con số này đối với châu Âu là khoảng 17%.
Sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân Nga dự kiến sẽ tăng lên khi các quốc gia triển khai các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Các nhà máy điện hạt nhân không phát thải, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng năng lượng hạt nhân đi kèm với nguy cơ tan chảy lò phản ứng và thách thức về cách lưu trữ chất thải phóng xạ một cách an toàn.
Có khoảng 60 lò phản ứng đang được xây dựng trên khắp thế giới, trong khi tới 300 lò khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Phần nhiều trong số 30 quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân tại khoảng 440 nhà máy trên thế giới đang nhập khẩu vật liệu phóng xạ từ Rosatom và các công ty con.
Rosatom dẫn đầu thế giới về làm giàu uranium và đứng thứ ba về sản xuất uranium và chế tạo nhiên liệu, đồng thời đang xây dựng 33 lò phản ứng mới ở 10 quốc gia, theo báo cáo thường niên năm 2022 của gã khổng lồ nguyên tử Nga.
Cùng với các công ty con, gã khổng lồ nguyên tử Nga đã xuất khẩu khoảng 2,2 tỷ USD hàng hóa và vật liệu liên quan đến năng lượng hạt nhân vào năm ngoái, theo dữ liệu thương mại được phân tích bởi Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại London. Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều vì rất khó theo dõi việc xuất khẩu những mặt hàng như vậy, RUSI cho biết.
CEO của Rosatom, Alexei Likhachyov, nói với tờ báo Nga Izvestia rằng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của tập đoàn này sẽ đạt tổng trị giá 200 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Các chuyên gia cho biết, hoạt động kinh doanh dân sự béo bở đó cung cấp nguồn vốn quan trọng cho trách nhiệm chính khác của Rosatom: Thiết kế và sản xuất kho vũ khí nguyên tử của Nga.
Sự phụ thuộc sâu xa
Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng Mỹ và một số nước châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm hạt nhân của Nga. Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Mỹ, với phần lớn là nhiên liệu nhập khẩu, sản xuất khoảng 20% điện năng cho nước này.
Giá trị của các sản phẩm và nhiên liệu hạt nhân của Nga xuất khẩu sang Mỹ đạt 871 triệu USD vào năm ngoái, tăng từ 689 triệu USD vào năm 2021 và 610 triệu USD vào năm 2020, theo Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Xét về khối lượng, nhập khẩu các sản phẩm uranium của Mỹ từ Nga đã tăng gần gấp đôi từ 6,3 tấn năm 2020 lên 12,5 tấn vào năm 2022, theo dữ liệu thương mại từ ImportGenius.
Những lý do cho sự phụ thuộc này có từ nhiều thập kỷ trước. Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp uranium của Mỹ đã bị giáng một đòn nặng nề sau thỏa thuận được thiết kế để thúc đẩy chương trình hạt nhân hòa bình của Nga sau khi Liên Xô tan rã, dẫn đến việc Mỹ nhập khẩu uranium cấp độ vũ khí rẻ tiền từ Nga.
Các nhà máy hạt nhân của Mỹ hiện chỉ mua khoảng 5% uranium từ các nhà cung cấp trong nước vào năm 2021 – năm cuối cùng có dữ liệu sản xuất chính thức của Mỹ, theo EIA.
Việc xây dựng một chuỗi cung ứng uranium được làm giàu mới sẽ mất nhiều năm, và “ngốn” nhiều hơn đáng kể nguồn tài trợ của chính phủ so với mức phân bổ hiện tại.
Chính quyền Biden cho biết họ đang cố gắng khôi phục hoạt động khai thác uranium và sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước, đồng thời các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra dự luật để đẩy nhanh quá trình này.
Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố thành lập một đài tưởng niệm quốc gia để bảo tồn vùng đất xung quanh Công viên Quốc gia Grand Canyon ở bang Arizona nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác uranium mới trong khu vực.
Ông John Barrasso, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Wyoming, người đã đưa ra một dự luật vào đầu năm nay để tài trợ cho chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, đã chỉ trích động thái trên của Nhà Trắng.
“Tổng thống Biden một lần nữa đang giúp đỡ kẻ thù của chúng ta bằng cách không để người Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên mà chúng ta cần. Chúng ta hiện đang nhập khẩu từ Nga lượng uranium nhiều gấp 3 lần con số chúng ta sản xuất”, ông Barrasso cho biết trên trang web của Thượng viện Mỹ hôm 8/8.
Nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung
Về phía châu Âu, “lục địa già” có mối ràng buộc sâu sắc hơn với Moscow bởi vì 19 lò phản ứng do Nga thiết kế ở 5 quốc gia châu Âu đang phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Pháp cũng có lịch sử lâu dài phụ thuộc vào uranium làm giàu từ Nga. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), trong một báo cáo được công bố vào tháng 3, đã trích dẫn cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc cho thấy rằng nhập khẩu uranium làm giàu của Pháp từ Nga đã tăng từ 110 tấn vào năm 2021 lên 312 tấn vào năm 2022.
Châu Âu đã chi gần 828 triệu USD (gần 750 triệu euro) vào năm ngoái cho các sản phẩm công nghiệp hạt nhân của Nga – bao gồm các nguyên tố nhiên liệu, lò phản ứng hạt nhân và máy móc, theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU.
Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu đang thực hiện các bước để loại bỏ uranium Nga. Ngay từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Thụy Điển đã từ chối mua nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Phần Lan – nước phụ thuộc vào năng lượng của Nga tại 2 trong số 5 lò phản ứng của họ, đã hủy bỏ một thỏa thuận đầy rắc rối với Rosatom để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới.
Công ty năng lượng Phần Lan Fortum cũng đã công bố một thỏa thuận với Công ty Điện lực Westinghouse của Mỹ về cung cấp nhiên liệu cho 2 lò phản ứng sau khi hợp đồng với công ty con Tvel của Rosatom hết hạn trong 7 năm tới.
Cộng hòa Séc đã tìm cách loại bỏ hoàn toàn nguồn cung từ Nga và chuyển sang hợp tác với Westinghouse của Mỹ và công ty Framatome của Pháp. Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của quốc gia Trung Âu, hiện đang được cung cấp nhiên liệu bởi Tvel, sẽ chuyển sang nguồn cung mới vào năm 2024.
Slovakia và Bulgaria, hai quốc gia khác phụ thuộc vào Tvel về cung cấp nhiên liệu hạt nhân, cũng đã chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Bất chấp những thách thức, các chuyên gia tin rằng áp lực chính trị và những câu hỏi về khả năng cắt nguồn cung của Nga cuối cùng sẽ thúc đẩy phần lớn châu Âu từ bỏ Rosatom.
“Dựa trên triển vọng rõ ràng (về đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu), có thể nói rằng Rosatom đã mất thị trường châu Âu”, ông Vladimir Slivyak, đồng chủ tịch của nhóm môi trường Nga Ecodefense, cho biết.
Điều vẫn chưa rõ ràng là Hungary và Pháp sẽ giải quyết vấn đề như thế nào, ông Slivyak nói. Pháp đã không bày tỏ sự sẵn sàng từ bỏ uranium Nga.
Hungary – quốc gia EU duy trì quan hệ thân thiện nhất với Nga, hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow về cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân với 4 lò phản ứng của nước này. Budapest có kế hoạch mở rộng nhà máy đó với 2 lò phản ứng mới do Rosatom xây dựng với hạn mức tín dụng 10 tỷ euro đến từ một ngân hàng Nga.
Những lò phản ứng đó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ tới, các chuyên gia kết luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận