Mỹ tính 3 phương án chặn đà tấn công của Nga ở Ukraine
Mỹ đang tính triển khai sớm 3 phương án để ngăn đà tấn công quân sự của Nga ở Ukraine.
Hôm 6/3, giới chức Mỹ nhận định có ba lĩnh vực mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể sớm hành động để ngăn chặn đà tấn công của Nga ở Ukraine bao gồm lệnh cấm nhâp khẩu dầu mỏ của Nga, cáo buộc tội ác chiến tranh với Nga, và mở đường chuyển các chiến đấu cơ từ Ba Lan tới Ukraine.
Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ cũng cho biết, họ đang nhanh chóng tìm ra thêm những biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, và tăng cường sự hỗ trợ đối với quân đội Ukraine.
Tháp truyền hình ở thủ đô Kiev của Ukraine bị không kích hôm 1/3. (Ảnh: Reuters) |
Cuộc thảo luận gấp rút giữ các thân tín hàng đầu của Tổng thống Biden với các nước đồng minh châu Âu diễn ra trong bối cảnh Nga tuyên bố ngừng bắn để người dân Ukraine sơ tán khỏi những thành phố đang bị bao vây. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cần có thêm hành động để ngăn chặn đòn tấn công của Nga.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga
Tổng thống Biden đã thực hiện cuộc điện đàm vào ngày 5/3 từ quê nhà Delaware với các quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ để thảo luận về khả năng ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Nhà Trắng đã cân nhắc ý định cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga từ cách đó một tuần.
“Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác và đồng minh châu Âu về phương án phối hợp cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thế giới. Cuộc thảo luận đang diễn ra tích cực”, CNN dẫn lời ông Blinken.
Hiện tại, Tổng thống Biden đang đối mặt với sức ép lớn từ phía đảng Cộng hòa và Dân chủ về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga để tạo thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nga so với những biện pháp trừng phạt hiện được thi hành.
Sản lượng dầu mỏ Nga được nhập khẩu vào Mỹ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong tổng nguồn cung cho Mỹ. Trong những tuần gần đây, lượng dầu mỏ từ Nga được nhập khẩu vào Mỹ đã giảm mạnh. Trên thực tế, nếu Mỹ dừng mua dầu mỏ của Nga, Moscow vẫn có thể bán hàng cho nhiều quốc gia khác bao gồm Trung Quốc.
Cho tới nay, cả Mỹ và châu Âu vẫn gần như tránh đưa ra các biện pháp mạnh tay gây ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu năng lượng của Nga. Bởi lệnh cấm vận sẽ tác động xấu tới thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Các quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Dick Durbin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào Mỹ. Ngoài ra, một dự luật của các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ về lệnh cấm này cũng đã được trình lên Quốc hội Mỹ để xem xét.
Giới chức Nhà Trắng vẫn đang đánh giá một cách nghiêm túc về việc lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ tác động như thế nào tới giá bán gas tại Mỹ. Bởi hiện giá bán gas ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, do chiến sự ở Ukraine khiến giá dầu tăng phi mã.
Trong loạt chia sẻ trên Twitter hôm 6/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận ngoài những nỗ lực tăng sản lượng sản xuất năng lượng trong nước, “những hành động đối với Nga sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ bị tổn thương”.
“Cách tốt nhất để bảo vệ nước Mỹ lâu dài là trở thành một nước độc lập về năng lượng. Đó là lý do tại sao Tổng thống Biden đang tập trung vào triển khai các công nghệ năng lượng sạch vốn không cần phải mua nhiên liệu hóa thạch và bán ra thị trường thế giới”, bà Psaki cho hay.
Cũng theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Biden khó lòng có thêm hành động đối với lĩnh vực năng lượng của Nga nếu như không nhận được sự đồng tình từ châu Âu, khu vực đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt và gas từ Nga nhiều hơn là Mỹ.
Phát biểu vào sáng ngày 6/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho hay các quan chức đang thảo luận để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
“Điều rõ ràng là cần một chiến lược mạnh mẽ để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga. Chúng tôi mới thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về cách tiếp cận chiến lược, kế hoạch và phương pháp thúc đẩy đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, cũng như phương thức đa dạng hóa nguồn cung năng lượng”, bà der Leyen nói.
Cáo buộc tội ác chiến tranh
Ngoài khả năng ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, các quan chức Mỹ và EU còn đang xem xét các cáo buộc quân đội Nga tấn công vào mục tiêu là dân thường Ukraine và xem đây là tội ác chiến tranh.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói hôm 6/3 rằng, Mỹ “đang làm việc với các đối tác để thu thập và cung cấp thông tin” về khả năng xảy ra tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Người dân Ukraine lên chuyến tàu sơ tán từ Kiev tới Lviv hôm 6/3. (Ảnh: Reuters) |
“Hành động tấn công dân thường là tội ác chiến tranh”, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Song từ đầu tuần trước, Tổng thống Biden đã dừng đưa ra cáo buộc các hành động của Nga ở Ukraine là tội ác chiến tranh.
Ukraine thông báo hàng ngàn dân thường nước này đã thiệt mạng sau loạt đòn tấn công từ phía quân đội Nga. Nhưng báo cáo từ các tổ chức khác bao gồm Liên Hợp Quốc lại cho thấy số lượng dân thường Ukraine tử vong liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga thấp hơn rất nhiều.
Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky miêu tả những gì đang xảy ra ở Ukraine là tội ác chiến tranh và yêu cầu tòa án quốc tế vào cuộc điều tra.
Hồi tuần trước, đại sứ quán Mỹ tại Kiev chia sẻ trên Twitter rằng Nga đã tấn công vào một nhà máy điện hạt nhân Ukraine và cho rằng đây là tội ác chiến tranh.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng nhấn mạnh đại sứ quán các nước khác không nên thổi phồng nhận định của đại sứ quán Mỹ tại Kiev. Điều này cho thấy Mỹ chưa xác định các hành động của Nga ở Ukraine phạm phải tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã bày tỏ mối quan ngại về các vụ bắn phá xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya ở miền nam Ukraine vào sáng sớm ngày 4/3. Nga cáo buộc chính binh sĩ Ukraine cố tình dàn dựng vụ cháy ở nhà máy Zaporozhskaya để đổ tội cho Nga.
Zaporozhskaya hiện là nhà máy điện hạt nhân có quy mô lớn nhất ở Ukraine và là một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Nhà máy Zaporozhskaya nằm cách thủ đô Kiev khoảng 550 km.
Hôm 24/2, Tổng thống Putin đã hạ lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine để bảo vệ “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, cùng lãnh thổ Nga. Trước đó, vào tối ngày 21/2, ông Putin chính thức lên tiếng công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, hai khu vực ly khai khỏi chính quyền Kiev kể từ năm 2014.
Phía Nga khẳng định sẽ không tấn công vào các mục tiêu dân sự và dân thường Ukraine.
Điều dàn chiến đấu cơ Ba Lan tới Ukraine
Phát biểu trước giới chức Mỹ trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 5/3, Tổng thống Ukraine Zelensky đã yêu cầu Mỹ tăng cường biện pháp ngăn chặn Nga thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn. Ngoài ra, ông Zelensky còn đề nghị Mỹ và NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, song đề xuất này đã bị từ chối.
Ngay sau đó, ông Zelensky tiếp tục đề nghị Mỹ hỗ trợ chuyển giao dàn chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô cũ từ các nước Đông Âu tới Ukraine, để các phi công Ukraine tăng khả năng kiểm soát không phận quốc gia.
Tính tới chiều ngày 5/3, các quan chức Mỹ và Ba Lan đã thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển cho Ba Lan các tiêm kích F-16 để đổi lại Ba Lan điều dàn máy bay quân sự do Nga sản xuất sang cho Ukraine sử dụng.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Thomas-Greenfield cũng nhấn mạnh, Mỹ “không có lý gì phản đối chính phủ Ba Lan cung cấp tiêm kích cho Ukraine”.
Minh Thu (lược dịch)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận