Mỹ sẽ làm gì để thúc đẩy kinh tế năm 2020?
Có số tiền khổng lồ còn sót lại mà chúng ta có thể sử dụng, và thực sự chúng ta có thể sử dụng nó để giảm thuế. Chúng ta có thể phân bổ nó cho người dân, ông Trump nói...
Trong bài phát biểu quan trọng tại Câu lạc bộ kinh tế New York hôm thứ Ba vừa qua, một thông điệp quan trọng được Tổng thống Donald Trump gửi tới “giới thượng lưu tài chính của New York” là: Nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ nhờ Donald Trump. Bạn có thể không thích ông ta, nhưng bạn không thể không bỏ phiếu cho ông ấy. "Câu chuyện là thế này. Có thể tôi không thích bạn, có thể bạn cũng chẳng ưa gì tôi, nhưng bạn không có lựa chọn nào khác ngoài bầu chọn cho tôi", ông nói.
Cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu
Gọi đảng Dân chủ là "điên rồ", ông Trump tiếp tục nhắc lại những thành công của nền kinh tế hiện nay. Lương tăng, tỷ lệ nghèo giảm, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán khởi sắc… Ông cũng tái khẳng định việc bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế mà chính quyền của ông đưa ra năm 2017 đã giúp "phục hồi thất bại" thành một "làn sóng thịnh vượng chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên giới phân tích nhìn nhận, trong khi rất nhiều trong số các thành quả mà Tổng thống Donald Trump nêu ra là đúng và đã được thể hiện trên thực tế thì một số trong đó có thể là cường điệu. Ví dụ, không có căn cứ nào để xác thực tuyên bố của ông cho rằng thị trường chứng khoán đáng lẽ đã cao hơn 25% nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất (trong năm ngoái).
Bên cạnh đó, nếu câu trả lời là “Có” trước câu hỏi kinh tế Mỹ có thịnh vượng hơn không, thì sẽ lại là “Không” khi hỏi liệu điều này có thực là “chưa từng có tiền lệ”? Bởi ngay dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Obama, kinh tế Mỹ cũng đã có những quý ghi nhận mức tăng trưởng mạnh hơn.
Trong khi đó, nếu coi việc tạo công ăn việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là thành tích thì thực ra, nó cũng đã xuất hiện và được duy trì trong suốt giai đoạn những năm cuối của chính quyền Obama. Nói cách khác, nó chỉ là sự kéo dài thêm thành quả tốt đã có được từ chính quyền trước đó. Nhưng hãy tạm gác việc “soi” những thành tích trong quá khứ và hiện tại của chính quyền hiện nay sang một bên, dưới đây có thể sẽ là những điểm ưu tiên của ông Trump trong năm 2020.
Việc đơn giản hóa và cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu sẽ làm dịu đi những chỉ trích về cải cách thuế lịch sử của ông trong năm 2017. Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý của mình xây dựng và đưa ra một chiến lược thuế đơn giản cho tầng lớp trung lưu. Câu hỏi đặt ra là phần hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng cách nào? Hiện Chính phủ đã chi quá nhiều so với thu và mức thâm hụt đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Do đó, bất kỳ hoạt động cắt giảm thuế mới nào sẽ phải được bù đắp bằng cách cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác, hoặc Chính phủ sẽ phải đi vay.
Một trong những “giải pháp sáng tạo” được Tổng thống Mỹ đưa ra là để các hàng hóa nhập khẩu như từ Trung Quốc phải chịu thuế cao hơn bù đắp lại. Theo đó, các mức thuế quan cao mà ông tuyên bố hàng hóa Trung Quốc phải trả có thể được “trưng dụng” để bù đắp cho việc giảm thuế này. Có "số tiền khổng lồ còn sót lại mà chúng ta có thể sử dụng, và thực sự chúng ta có thể sử dụng nó để giảm thuế. Chúng ta có thể phân bổ nó cho người dân", ông Trump nói.
Tạm chưa bàn về cách thức ngân sách sẽ hoạt động thực sự theo cách đó như thế nào, nhưng ý tưởng đó cho thấy có lẽ Tổng thống Trump đã nhận thức được những lời chỉ trích về việc cắt giảm thuế năm 2017 của ông khi đã giúp đỡ các công ty và giới nhà giàu một cách không tương xứng. Và do đó, cách “sửa sai” lúc này là tìm cách giảm thuế cho tầng lớp trung lưu.
Đội ngũ của Tổng thống Trump đã bóng gió nói về ý tưởng này. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, trên CNBC hôm thứ Ba vừa qua đã đưa ra ý tưởng sẽ đề xuất cắt giảm thuế trước ngày bầu cử. Tờ Washington Post cũng thông tin, các cố vấn của ông Trump đang tìm kiếm khả năng chốt thuế suất của tầng lớp trung lưu ở mức 15%.
Không đạt thỏa thuận thương mại bằng mọi giá
"Chúng ta là những người quyết định liệu có muốn một thỏa thuận hay không", ông Trump nói. "Chúng ta đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 quan trọng với Trung Quốc. Nó có thể xảy ra sớm, nhưng chúng ta sẽ chỉ chấp nhận nếu điều đó tốt cho Hoa Kỳ". Đây chính xác là mục tiêu mà cuộc đàm phán hiện nay đang hướng đến. Điều duy nhất dường như thay đổi là đồng hồ đang đếm ngược thời gian. Một đợt thuế quan mới với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được áp dụng vào ngày 15/12 tới. Người Trung Quốc muốn các mức thuế hiện tại bị hủy bỏ trước, song ông Trump dường như lại đang sẵn sàng tiếp tục điều này khi khẳng định: "Nếu không đạt được một thỏa thuận, chúng ta sẽ nâng thuế nhập khẩu lên đáng kể".
Trong khi đó theo những tin tức mới nhất, dường như hai bên lại xuất hiện những bất đồng mới trong các cuộc tham vấn. Cụ thể theo một số nguồn thạo tin, phía Mỹ muốn và khẳng định Trung Quốc đã đồng ý mua hàng hóa (thịt lợn, đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác) với quy mô 50 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, phía Bắc Kinh lại cho rằng, không cần xác định con số cụ thể về quy mô lượng hàng hóa Mỹ mà phía Trung Quốc sẽ mua.
Về chính sách tiền tệ, Tổng thống Trump một lần khẳng định Fed và Chủ tịch Fed Jerome Powell là “kẻ thù” đối với nỗ lực phục hồi nền kinh tế của ông. Tổng thống Trump tỏ ra “ganh tỵ” khi nói về các nền kinh tế bị đình trệ trên khắp thế giới, nơi các NHTW của họ đã đưa lãi suất về mức âm. "Chúng ta đang phải tích cực cạnh tranh với các quốc gia đã liên tục cắt giảm lãi suất và bây giờ nhiều người đi vay thực sự còn được trả tiền khi họ trả hết tiền vay, hay còn được gọi là lãi suất âm", Tổng thống Trump nói.
Những chỉ trích kiểu như vậy vốn đã trở nên rất phổ biến dưới thời của ông Trump. Nhưng thực tế đây là một mâu thuẫn kinh điển. Bởi nếu nền kinh tế Mỹ là “vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” - như Tổng thống Trump tuyên bố - thì tại sao lại cần phải có lãi suất âm? Cần nhớ lãi suất âm vốn đã được áp dụng ở Nhật Bản và châu Âu, cũng không giúp thúc đẩy tăng trưởng các nền kinh tế này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận