Mỹ ngăn chặn kịch bản vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử
The Hill dẫn thông tin từ lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer hôm 7/10 cho biết, các bên đã đạt được thỏa thuận tăng mức trần nợ chính phủ thêm 480 tỉ USD.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, quyết định sẽ có hiệu lực đến ngày 3/12. Như vậy, bước đi này cho phép Mỹ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước này.
Ông Schumer thông báo: “Chúng tôi đã đạt thỏa thuận nhằm gia hạn mức trần nợ công đến đầu tháng 12, tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này”. Ông bày tỏ hy vọng Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua ngay trong cùng ngày.
Thỏa thuận trên cho phép tăng trần nợ thêm 480 tỉ USD trên mức trần nợ công hiện nay là 28.400 tỉ USD. Sau đó, Quốc hội sẽ có vài tuần để tìm kiếm thỏa thuận về việc sẽ tăng trần nợ công dài hạn hay đưa ra một biện pháp khác.
“Con đường mà các thành viên đảng Dân chủ đồng hành sẽ cứu người dân Mỹ khỏi một cuộc khủng hoảng ngắn hạn”, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết.
Ông McConnell nói thêm rằng, việc gia hạn trần nợ công sẽ giúp đảng Dân chủ có thêm thời gian để tìm kiếm giải pháp dài hạn và sẽ bảo vệ nước Mỹ tránh một cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn.
Trước đó, Tổng thống Biden kêu gọi các thành viên đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ của chính phủ Mỹ. Các thành viên đảng Cộng hòa từ lâu đã phản đối biện pháp này do khả năng tăng chi tiêu của chính phủ, nhưng Bộ Tài chính tuyên bố cần phải có hành động quyết liệt và ấn định thời hạn đến ngày 18/10. Thỏa thuận đã gây ra phản ứng dữ dội từ cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thông báo về mối đe dọa vỡ nợ vào tháng Sáu. Sau đó, người đứng đầu Bộ này kêu gọi tăng hạn mức nợ nhà nước càng sớm càng tốt để tránh hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế.
Theo bà Yellen, vỡ nợ có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính, gây nguy hiểm cho việc làm và tiền tiết kiệm của người Mỹ vào thời điểm nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần nâng trần nợ kể từ khi mức này được đặt ra và các cuộc bỏ phiếu thường diễn ra trong cả hai đảng.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, từ năm 1960 đến nay, Quốc hội nước này đã nâng hoặc đình chỉ trần nợ 78 lần, mà lần gần đây nhất là vào năm 2019. Những lần Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ thường không đi kèm với nhiều kịch tính, nhưng cuộc chiến về trần nợ và thâm hụt ngân sách vào năm 2011 đã dẫn tới việc tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận