Mỹ muốn đẩy lùi lạm phát: Con đường đầy sỏi đá
Fed nên tận dụng cơ hội tăng lãi suất từ sớm. Nhưng họ đã hành động quá muộn.
Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018. Hiện tại, kỳ vọng về việc ngân hàng này sẽ gia tăng tốc độ và quy mô các đợt tăng lãi suất đang ngày một lớn.
Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard, một trong số nhiều lãnh đạo Cục Dự trữ khu vực ủng hộ quan điểm siết hỗ trợ, phát biểu tại một sự kiện hôm 18/4 rằng Fed cần “khẩn trương” tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Ông dự báo lãi suất có thể tăng tới 0,75%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đẩy mạnh thắt chặt chính sách, nhưng ông có thể sẽ không hành động quyết liệt như lời Bullard chia sẻ. Nhưng có một điều chắc chắn là lãi suất sẽ tăng cao trong thời gian tới.
“Fed nên tận dụng cơ hội tăng lãi suất từ sớm. Nhưng họ đã hành động quá muộn”, theo Johan Grahn, phó chủ tịch AllianzIM. “Họ buộc phải thành công trên con đường đã chọn, và không may thay, công thức đó chính là tăng lãi suất một cách quyết liệt hơn”.
Thị trường hiện đang giao dịch với dự báo xác suất gần 100% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5% sau cuộc họp tháng 5, theo CME, và hơn 25% đối với mức tăng lãi suất 0,5% trong tháng 6.
Nhà đầu tư cũng đang giao dịch với xác suất 70% Fed sẽ nâng lãi suất 0,75% trong tháng 6. Nếu thành sự thật, lãi suất sẽ tăng lên ngưỡng 1,5%, cao hơn đáng kể so với thời điểm đầu năm nay, khi lãi suất gần bằng 0.
Việc Fed tăng lãi suất nhanh như vậy là điều không thường xuyên xảy ra. Lần gần nhất cơ quan này tăng mạnh lãi suất 0,5% diễn ra vào tháng 5/2000, dưới thời cựu chủ tịch Alan Greenspan, ngay sau thời điểm bong bóng dot-com đạt đỉnh. Fed tăng lãi suất 0,75% gần nhất vào tháng 11/1994, cũng dưới thời Alan Greenspan. (Alan Greenspan nghỉ hưu vào năm 2006).
Fed đang trong một tình thế vô cùng nan giải, theo José Torres, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Interactive Brokers.
“Họ buộc phải đẩy nhanh thắt chặt chính sách và cầu nguyện sẽ không có hệ quả lớn nào xảy ra. Đó là con đường duy nhất mà họ có”, Torres bổ sung. “Việc hành động quá muộn đã làm giảm mức độ linh hoạt của Fed”.
Giới đầu tư trái phiếu dường như đã dự báo trước được xu hướng đi lên của lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện tại đang giao động quanh ngưỡng 2,9%, tăng 1,4% so với cuối năm 2021. Điều này làm gia tăng áp lực chi phí lên các khoản vay thế chấp, với lãi suất khoản vay mua nhà kỳ hạn 30 năm đang ở ngưỡng 5%.
Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard dự báo lãi suất có thể tăng tới 0,75% sau kỳ họp tháng 5 tới. Ảnh FT. |
Quan ngại suy thoái gia tăng
Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tới thị trường nhà ở, nhưng cũng hoàn toàn có thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế.
Điều này đã từng xảy ra khi Fed tăng mạnh lãi suất lên 20% vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời cố chủ tịch Paul Volcker, nhằm chống lại mức lạm phát cao tới hai chữ số. Hệ quả là suy thoái xảy kép đã xảy ra. Nền kinh tế giảm tốc trong năm 1980, sau đó phục hồi trong giai đoạn từ giữa năm 1981 tới cuối năm 1982.
Nhận thức được điều đó, Fed phải sẵn sàng xoay chuyển tình thế một cách nhanh chóng nhằm lật ngược bất cứ hệ quả nghiêm trọng nào xảy đến khi lãi suất tăng cao, giống như đã từng làm trong quá khứ. Ví dụ, cơ quan này bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 7/1995. Và trong năm 2001, sau khi thị trường chứng khoán sụt giảm điểm mạnh, Fed đã giảm lãi suất thấp hơn tới 11 lần.
Jenny Renton, một đối tác của Ruffer, một công ty quản lý đầu tư, lo lắng rằng Fed sẽ tăng lãi suất quá mức khi họ đang “cố gắng nhét lại kem đánh răng ‘lạm phát’ vào tuýp”.
Bà quan ngại rằng các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Khi viễn cảnh đó xảy ra, Fed sẽ phải nhanh chóng hạ lãi suất, tạo nên một môi trường vô cùng bất ổn định.
“Mọi người đang nói về những sai lầm chính sách của Fed, nhưng điều đó trên thực tế đã xảy ra. Fed đã không thể theo kịp diễn biến của lạm phát. Hiện tại, họ còn phải đối mặt với áp lực suy thoái nền kinh tế”, bà bổ sung.
Nhiều người cho rằng Fed nên tập trung giải quyết mối lo lạm phát hơn là vấn đề hệ quả suy thoái. Suy cho cùng, thị trường lao động vẫn tăng trưởng ổn định với tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống ngưỡng thấp 3,6%. Và Fed vẫn còn một mục tiêu kép cần thực hiện: tập trung ổn định giá cả và gia tăng tối ta tỷ lệ người dân có việc làm.
“Tôi cho rằng Fed khá chú trọng vào những mục tiêu của mình”, Brad Conger, phó giám đốc đầu tư tại Hirtle Callaghan & Co., viết trong một email gửi tới CNN Business. Tuy nhiên, ông bổ sung rằng “áp lực giá cả gia tăng từ cuộc chiến Ukraine đã khiến cho con đường mà Fed đi càng trở nên trắc trở”.
“Trước cuộc chiến, việc lạm phát có thể dần giảm về ngưỡng 3% là hoàn toàn có thể. Nhưng với những ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine và đợt bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc, việc lạm phát có thể được đẩy lùi về ngưỡng 5% đã là một may mắn”, ông chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận