Mỹ: Lạm phát đã chạm đỉnh và sẽ giảm nhanh?
Diễn biến giá hàng hóa, lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lạm phát thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy có thể đã chạm đỉnh.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả đang suy giảm, đồng nghĩa với việc mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9,1% ghi nhận trong tháng 6 có thể là đỉnh của lạm phát tại Mỹ. Kể cả trong trường hợp điều đó là chính xác, các chuyên gia nhận định, đà "trượt giá" này sẽ không diễn ra quá nhanh.
Ed Hyman, Chủ tịch Evercore ISI, chỉ ra nhiều yếu tố cho thấy lạm phát tại Mỹ có thể đã đạt đỉnh ở mốc 9,1% trong tháng 6. Giá xăng tại Mỹ giảm khoảng 10% kể từ ngưỡng cao kỷ lục 5,02 USD/gallon hồi giữa tháng trước, theo Hiệp hội ôtô Mỹ. Giá lúa mì và ngô tương lai giảm lần lượt 37% và 27% kể từ giữa tháng 5. Cước vận tải hàng hóa từ Đông Á sang bờ Tây nước Mỹ thấp hơn 11,4% so với một tháng trước đó, theo Xeneta, công ty chuyên thu thập dữ liệu vận tải có trụ sở tại Na Uy.
Áp lực giá cả hàng hóa suy giảm, tình trạng tắc nghẽn và thời gian giao hàng được cải thiện được đề cập trong nhiều cuộc khảo sát, đồng nghĩa với việc các nút thắt chuỗi cung ứng đang ngày một nới lỏng. Hyman nhấn mạnh rằng tăng trưởng cung tiền đã chậm lại đáng kể, bằng chứng cho thấy các giải pháp siết chính sách tiền tệ đang phát huy tác dụng.
Kỳ vọng lạm phát cũng đi xuống thời gian gần đây, một tín hiệu hết sức tích cực đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi họ tin rằng kỳ vọng lạm phát có ảnh hưởng lớn tới kỳ vọng thu nhập của người lao động, hành vi định giá của các doanh nghiệp và lạm phát thực tế. Kết quả cuộc khảo sát niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong dài hạn của người dân Mỹ giảm từ 3,1% trong tháng 6 xuống còn 2,8% trong giai đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7, tương đương với ngưỡng trung bình 20 năm trước khi đại dịch nổ ra.
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm và trái phiếu chống lạm phát cùng kỳ hạn, một chỉ số phản ánh kỳ vọng lạm phát, cũng giảm xuống ngưỡng 2,67% sau khi chạm đỉnh kỷ lục 3,59% trong tháng 3.
Các thị trường trái phiếu và sản phẩm phái sinh phòng ngừa lạm phát dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ giảm xuống ngưỡng 2,3% chỉ trong vòng một năm, tiệm cận ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, theo Intercontinental Exchange. Roberto Perli, Chuyên gia kinh tế tại Piper Sandler, gọi viễn cảnh đó là “tích cực nhưng không hoàn toàn hoang đường”. Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 2 tới đầu tháng 6, nhà đầu tư trên các thị trường này nhận định lạm phát sẽ giảm về ngưỡng từ 4-5%.
“Đó là khả năng có thể xảy ra, nhưng ngay cả trong trường hợp lạm phát đã chạm đỉnh trong tháng 6, chúng ta vẫn sẽ phải đối diện với một quãng thời gian dài lạm phát ‘không dễ chịu’”, theo Sarah House, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Wells Fargo. Bà dự báo lạm phát quý IV năm nay ở ngưỡng 7,5-7,8%. “Do đó, dù đã đạt đỉnh hay chưa, lạm phát vẫn sẽ là chủ đề nóng từ giờ tới cuối năm”.
“Lạm phát giảm càng chậm, rủi ro một cuộc suy thoái nghiêm trọng càng lớn”, theo Brett Ryan, Nhà kinh tế học cấp cao tại Deutsche Bank, nhận định.
Lạm phát cơ bản, không tính tới mức độ biến động chi phí thực phẩm và năng lượng và được coi là phương pháp đo lường xu hướng lạm phát được ưa chuộng, đạt 5,9% trong tháng 6, thấp hơn so với mức cao nhất 6,5% trong tháng 3. Tuy nhiên, các chuyên gia House và Ryan đều kỳ vọng lạm phát cơ bản có khả năng tăng trở lại và chạm đỉnh mới trong tháng 9 trong bối cảnh giá nhà và nhiều dịch vụ khác vẫn tương đối cao so với cùng kỳ của năm 2021.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói ngân hàng trung ương Mỹ cần nhìn thấy những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho thấy áp lực giá cả giảm xuống trước khi quyết định ngừng tăng lãi suất.
“Thời khắc sự thật đó sẽ tới vào cuối năm nay”, Hyman nhận định.
Aichi Amemiya, Chuyên gia kinh tế tại Nomura, đánh giá còn quá sớm để có thể kết luận điều gì dù ông dự báo lạm phát đã chạm đỉnh trong tháng 6. Mức độ thay đổi CPI cơ bản vắt tháng sẽ là yếu tố quan trọng cần được theo dõi sát sao trong một vài tháng tới, ông nói. Nếu như mức tăng lạm phát cơ bản giảm từ 0,7% trong tháng 6 xuống 0,3% tính tới cuối năm, ông cho rằng Fed sẽ sớm dừng lại quá trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, viễn cảnh này rất khó xảy ra, đồng nghĩa với việc "Fed hoàn toàn có thể phải tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái”, ông nhận định.
Trong giai đoạn cuối năm 2021, các chuyên gia kinh tế tự tin rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 sau khi giá năng lượng ổn định trở lại và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thuyên giảm. Nhưng sau đó, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine, và giá năng lượng ngay lập tức tăng mạnh. Chủ đề đỉnh của lạm phát tiếp tục nóng trở lại sau khi lạm phát trong tháng 4 tại Mỹ đạt 8,3%, thấp hơn so với 8,5% trong tháng trước đó. Tuy nhiên, tình trạng giá xăng, thực phẩm và chi phí thuê nhà tăng cao tiếp tục dập tắt hy vọng của không ít người.
Rủi ro đà giảm lạm phát đảo chiều trong một vài tháng tới không hề nhỏ, bà House chia sẻ.
“Xung đột địa chính trị leo thang, một cơn bão lớn khiến cho hoạt động lọc dầu bị đình trệ, một nhà máy sản xuất chip hoặc ô tô lớn rơi vào tình trạng thiếu điện… Chỉ cần những điều đó xảy ra thôi cũng khiến cho lạm phát leo thang trở lại. Chúng ta hy vọng lạm phát đã chạm đỉnh, nhưng hy vọng là chưa đủ ở thời điểm hiện tại”,
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận