Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vào năm 2022 có đạt được?
Việc room tín dụng được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với việc hạn chế giải ngân vào các lĩnh vực rủi ro, dự báo lợi nhuận 2 quý cuối năm 2022 của các ngân hàng sẽ thấp hơn so với 2 quý đầu năm…
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 và triển vọng năm 2023 vừa được công bố, SSI Research cho rằng, để kiểm soát lạm phát, NHNN có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ chậm lại
Theo SSI Research, trong nửa cuối năm, hạn mức được cấp thêm cho các ngân hàng có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.
"Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm gần đây, chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt hoặc nhỉnh hơn con số 14%, phản ánh tác động của lạm phát.
Điều này vẫn có nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm", chuyên gia của SSI Research, nêu.
Dư nợ của các ngân hàng. Nguồn: SSI Research
Cũng theo SSI Research, động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện.
Trong vài năm qua, theo số liệu của NHNN, dư nợ dành cho chủ đầu tư bất động sản chiếm từ 5% -10% mức tăng ròng của tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022.
Mức tăng nào cho lãi suất 6 tháng cuối năm?
Nhìn chung, NHNN đã cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp xuyên suốt nửa đầu năm 2022 nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế. Trên thực tế, trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý II, NHNN đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh, khiến áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu nếu hạn mức tín dụng được nới.
Đồng thời, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, vì mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34%, và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022.
Ước tình lợi nhuận của các ngân hàng thời gian tới. Nguồn: SSI Research.
Từ 6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng đã bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn, với tổng giá trị là 80,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,7% tổng tiền gửi vào quý I.
"Đối với năm 2023, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với năm 2022 và quay trở lại mức trước dịch Covid-19 là khoảng 13% - 14% so với đầu năm. Chúng tôi cho rằng hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng có thể sẽ bị ảnh hưởng do tiêu dùng giảm xuống. Tuy nhiên, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực đang phục hồi sẽ tăng trưởng tốt; với khoảng 1,2 triệu tỷ đồng sẽ được giải ngân thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất 2%…" - SSI Research. |
"Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 bps sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động kỳ vọng tăng 1 – 1,5%.
Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1% - 2% so với năm 2021, trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.
Do đó, chúng tôi cho rằng so với cùng kỳ, NIM vẫn cao hơn 6 tháng cuối năm 2021 nhưng có thể thấp hơn một chút so với 6 tháng đầu năm 2022", chuyên gia của SSI Research, dự báo.
Về lãi suất trong năm 2023, theo SSI Research, diễn biến của lãi suất có thể sẽ có sự khác biệt giữa nửa đầu năm và nửa cuối năm.
"Nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023, với CPI theo ước tính của chúng tôi là 5,2%. Sau đó, lãi suất huy động có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023, khi áp lực lạm phát giảm dần (CPI theo ước tính của chúng tôi là 3,4% trong nửa cuối năm 2023).
Trong cả năm, lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng khoảng 70-80 bps và tiệm cận mức trước Covid-19 tại một số ngân hàng", SSI Research, dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận