Mục tiêu tăng trưởng gặp khó vì dịch nCoV
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) sẽ tác động nghiêm trọng và khó lường đến kinh tế - xã hội, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài. Vì thế rất khó đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch nCoV đối với kinh tế - xã hội năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến và mức độ tác động của nCoV đến kinh tế - xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Theo đó, dịch bệnh sẽ tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách, thị trường chứng khoán, đầu tư và các lĩnh vực xã hội. Mức độ tác động tùy vào khả năng khống chế dịch bệnh có thể kéo dài đến hết quý I, thậm chí có thể kéo dài sang quý II trong năm 2020.
Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh corona tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, bộ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng kinh tế, với cả 2 kịch bản cho thấy “có khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP”.
Cụ thể, theo kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với Nghị quyết số 01/NQ-CP), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Nếu giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết sau đó trở về mức ổn định theo quy luật tiêu dùng thì CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước. CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%. Trong khi kim ngạch xuất khẩu ước tính chỉ đạt 46,5 tỷ USD trong quý đầu năm, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về du lịch, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, lượng khách quốc tế trong quý I giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách. Thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD…
Trong khi đó, sản xuất nông lâm nghiệp và công nghiệp... là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch cúm này. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được xem là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động của dịch bệnh nCoV chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam. Dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Còn với kịch bản 2, nếu dịch nCoV được khống chế trong quý II/2020 thì ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với Nghị quyết số 01/NQ-CP), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.
Về tác động của dịch cúm tới chỉ số giá tiêu dùng CPI, với giả thiết như kịch bản 1 nhưng giá thịt lợn bình quân năm 2020 tăng thêm 10% tác động vào CPI khoảng 0,42%; giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm 5%; giá gas tăng 10%, thiên tai và thời tiết bất lợi, dịch nCoV tiếp tục diễn biến sang quý II/2020. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch. Khách quốc tế đến từ các quốc gia khác sẽ giảm mạnh, giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch, và thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 lên tới 5 tỷ USD.
Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất đặc biệt là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II/2020 tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch nCoV ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.
Từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế GDP phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.
Kịch bản này là bản dự kiến tốc độ tăng GDP theo quý, theo 6 tháng, 9 tháng và cả năm. Trong trường hợp các dự kiến các biến số kinh tế diễn ra bình thường thì diễn biến GDP có thể sẽ như kịch bản dự báo. Trong trường hợp tình hình tốt hơn, tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể thay đổi thấp hơn. Tùy theo thực tế, với tình hình cập nhật, Bộ sẽ kiến nghị tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để làm sao đạt được mục tiêu đặt ra.
TS.Nguyễn Đình Cung – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng CIEM:
Dịch cúm corona đã được tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Ngoài tác động về y tế, sức khỏe, nó sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu. Kinh tế nước ta thuộc loại mở, hội nhập và kết nối hàng đầu trên thế giới và phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, nên tác động về kinh tế chắc chắn không nhỏ, cả trực tiếp và gián tiếp. Quy mô và mức độ tác động hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch.
Giả sử dịch kéo dài hết quý II, tốc độ tăng trưởng có thể bị giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, tác động còn lớn hơn. Các cân đối lớn và nền tảng kinh tế vĩ mô có thể bị suy giảm. Tỷ lệ nghèo đói có thể tăng lên...
Lúc này, Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc thực sự. Tôi cũng có một số đề xuất như sau.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương đánh giá mức độ suy giảm kinh doanh của du lịch và các dịch vụ liên quan, tính toán mức độ thiệt hại, đưa ra giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ đối với ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ liên quan khác trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương đánh giá mức độ suy giảm xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung Quốc, xác định vùng bị thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại và đưa giải pháp hoặc kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại. Cần thúc đẩy và tăng cầu nội địa.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, liên tục đánh giá tình hình và kết quả xuất khẩu, nhập khẩu, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn và các thị trường chủ yếu; kịp thời phát hiện và giải quyết/kiến nghị giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hậu cần, logistics khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tập trung hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương giải quyết nhanh vướng mắc trong thủ tục thẩm định, phê duyệt, cân đối và bố trí đủ vốn trong năm cho các dự án đầu tư; khắc phục ngay sự chậm trễ trong khởi công các dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn nói riêng và giải ngân vốn đầu tư công nói chung.
Chính sách tài khóa, tiền tệ, cần tiếp tục điều hành linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt với kinh tế tư nhân, phải được triển khai nhanh hơn về tốc độ, lớn hơn về quy mô, quyết liệt hơn về mức độ.
GS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
“Chắc chắn tác động tiêu cực của dịch bệnh này rất mạnh, rất nghiêm trọng. Nhưng không nên quá lo hoảng. Phải biến nó thành cơ hội để chuyển dịch cơ cấu và tập trung thay đổi cơ chế”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/2/2020)
Để ứng phó với dịch bệnh và để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, Bộ đã đề nghị 2 nhóm giải pháp. Trước mắt, khi dịch đang diễn ra thì sẽ ưu tiên các giải pháp, dành nguồn lực để kiểm soát dịch trước. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, Bộ kiến nghị gói giải pháp thứ hai là khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, giải pháp cụ thể ra sao còn tuỳ thuộc một số yếu tố như nguồn lực bao nhiêu, hỗ trợ đối tượng nào, phương thức nào… cần tính toán kỹ lưỡng.
Ngoài ra, có một số giải pháp khác được đề xuất như khẩn trương thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều kiện năm nay có nhiều về đổi mới về thủ tục, quy định nên khả năng giải ngân sẽ tốt hơn, tuỳ thuộc khả năng thực hiện của địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận