menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như 'Squid Game' của một số giới trẻ Trung Quốc

Vay tiền online dễ dãi, mua trước trả sau thuận tiện, cộng trào lưu ưa "giàu sang giả" đang khiến không ít người trẻ Trung Quốc biến bản thân thành phiên bản đời thực của trò chơi "Squid Game". 

Bùi Đồng, một người trẻ đang gánh khoản nợ hơn 300.000 NDT (khoảng 47.000 USD). Nhưng cô còn ghen tị với một người bạn thân đã đi làm được 2 năm nhưng chưa tiết kiệm được đồng nào mà lại còn gánh khoản nợ tới 20.000 NDT. "20.000 NDT đã là gì, nếu tôi chỉ nợ số tiền này, tôi sẽ cực kỳ hạnh phúc," Bùi Đồng chia sẻ.

Nền tảng cho vay tín dụng là "thủ phạm" gây ra những khoản nợ lớn của Bùi Đồng. Mua sắm trực tuyến có thể sử dụng thẻ tín dụng Baitiao của JD.com và Huabei của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Ant Financial; vay mượn, du lịch có thể sử dụng nền tảng cho vay của Ctrip, thậm chí nền tảng xã hội Weibo cũng có công cụ cho vay tín dụng.

Bùi Đồng bị bao quanh bởi các nền tảng cho vay tín dụng và khi đặt hàng hóa xa xỉ và hàng tiêu dùng số lượng lớn vào giỏ hàng, cô tự tạo ra cảm giác hài lòng về "sự giàu có giả tạo". Kể từ đó, cô như con ngựa hoang không cương, không thể kìm lại thói chi tiêu trước, trả nợ sau của mình.

Theo "Báo cáo về hiện trạng của lao động trẻ đương đại" do trang web tuyển dụng Liepin phát hành, mức lương của những người trẻ sinh sau năm 1990 đã tăng lên trong bốn năm qua. Từ 2019 đến 2021, mức lương trung bình hàng năm là 111.000 NDT (khoảng 17.400 USD), 119.200 NDT (khoảng 18.600 USD), 130.500 NDT (khoảng 20.500 USD). Tiền lương tăng cũng đồng nghĩa với sức tiêu thụ tăng.

Khi ngày càng có nhiều người trẻ sống cuộc sống "giàu sang giả" thì vô hình trung, họ đang tự đặt cho mình một phiên bản thực tế của "Squid Game". Họ đang tự thử thách khả năng chịu đựng căng thẳng tột độ của bản thân.

Càng muốn thỏa mãn mong muốn của mình, họ càng chi tiêu nhiều và càng tiêu nhiều thì lại càng phải làm việc cật lực để trả nợ. Vòng lặp khép kín này đã hình thành một "cái bẫy tiêu thụ". Đây cũng là lý do thực sự khiến hầu hết những người trẻ có thu nhập ngày càng cao nhưng nợ nần lại ngày càng chồng chất.

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như Squid Game của một số giới trẻ Trung Quốc ảnh 1

Mức lương tăng đồng nghĩa với sức tiêu thụ tăng

Ảnh: QQ

Những câu chuyện tương tự đang xảy ra trong các nhóm trẻ, và thậm chí đã lan sang cả sinh viên đại học. "Báo cáo khảo sát và phân tích hành vi tiêu dùng của sinh viên đại học Trung Quốc năm 2021" của IiMedia Consulting cho thấy 54,9% sinh viên đại học ủng hộ "mua trước trả sau", vay tín dụng để mua sắm và 11,9% trong số họ có thói quen tiêu dùng hàng cao cấp.

Đối mặt với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và áp lực kinh tế ngày càng lớn, những người sinh sau năm 90 mà nợ nần chồng chất đang cố gắng tìm ra cách mới để "vào bờ".

Dưới đây là trải nghiệm của 3 người trẻ đã và đang đang chìm sâu trong khủng hoảng nợ.

1. Phí Hà | 28 tuổi, không có việc làm cố định

"Bị bạn thân rủ rê sử dụng thẻ tín dụng để đầu tư vào nền tảng bất hợp pháp, tôi đi từ khoản tiền gửi 200.000 NDT đến khoản nợ 300.000 NDT."

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như Squid Game của một số giới trẻ Trung Quốc ảnh 2
Vay online để đầu tư khiến Phí Hà tiền mất tật mang (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa). Nguồn: QQ

Đã gần hai năm kể từ khi chuyện đó xảy ra, và bây giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi bóng ma tâm lý.

Tôi mắc nợ chồng chất, không phải vì mức tiêu dùng quá mức mà vì tôi đã bị lừa đầu tư bởi người bạn thân lớn lên cùng tôi. Điều nực cười hơn là tôi không biết công ty đó đã từng tồn tại hay chưa.

Mọi chuyện bắt đầu vào cuối năm 2018. Khi đó, sau 3 năm sống ở Bắc Kinh, tôi và chồng trở về quê với 200.000 NDT (hơn 31.000 USD). Chúng tôi dự định sẽ mua một căn nhà lớn ở thị trấn, để cha mẹ và con cái cũng có thể tận hưởng những ngày ấm áp với máy sưởi trong mùa đông.

Về đến nhà chưa được bao lâu, tôi vui vẻ hẹn cô bạn thân đã lâu không gặp đi ăn tối, không ngờ đây lại là khởi đầu của một cơn ác mộng. Trong cuộc trò chuyện, tôi được biết rằng bằng cách đầu tư vào một nền tảng thương mại điện tử, cô ấy đã kiếm được 600.000 NDT (khoảng 94.000 USD) trong nửa năm và mua một chiếc Audi A6. Cấp trên của cô ấy đã mua hơn 200 mét vuông trong thành phố trong vòng một năm. Bây giờ, cô muốn tìm một đối tác để cùng nhau làm ăn phát đạt.

Sau bữa ăn, những người bạn khác xung quanh cũng nói với tôi rằng cô bạn ấy quả thực đã kiếm được rất nhiều tiền trong sáu tháng qua, và bạn bè của cô cũng theo cô để kiếm tiền. Có thể do tâm lý không thể lép vế so với bạn bè, hoặc cũng có thể tin vào lời hứa đường mật, tôi đã đặt cọc cho cô ta 100.000 NDT (khoảng 15.600 USD). Sau đó, cô ta liên tục thúc giục tôi tăng cường đầu tư với lý lẽ "đầu tư càng lớn, càng nhiều lợi nhuận", và mời người được gọi là chuyên gia đầu tư của trụ sở chính đến giảng cho tôi.

Tôi không thể thắng nổi cuộc tấn công tâm lý bài bản như vậy. Khi đó, tôi đã đưa cho cô ta 100.000 NDT còn lại. Không những thế, tôi còn ngu muội đến mức rút tiền từ thẻ tín dụng để thực hiện một số khoản đầu tư. Trong vòng chưa đầy nửa năm, tôi đã đưa cho cô ta hơn 400.000 NDT (khoảng 62.500 USD).

Vì tôi chỉ tốt nghiệp cấp 2 trong khi cô bạn tốt nghiệp cấp 3 nên tôi thấy quan niệm quản lý tài chính của mình không bằng cô ấy, từ nạp tiền, đầu tư đến rút tiền đều do cô bạn lo liệu, tôi chỉ cần nhận một khoản lợi nhuận hàng tháng.

Trong bốn tháng đầu tiên, các khoản tiền đã được nhận như dự kiến, đó là lý do tại sao tôi tiếp tục tăng số lượng đầu tư. Hơn nữa, nó tạo ra lợi nhuận ròng 20.000 NDT (khoảng 3100 USD) mỗi tháng, dễ hơn nhiều so với kiếm 5.000 NDT (khoảng 800 USD) một tháng ở Bắc Kinh.

Mọi người thường nói: "Không có bữa ăn nào miễn phí trên đời, cũng không có bánh bao từ trên trời rơi xuống." Tôi dự định tháng thứ 5 sẽ rút hết lợi nhuận và vốn về để mua nhà, đâu thể ngờ, lợi nhuận của tháng thứ 5 không bao giờ đến nữa.

Khi nghe tin "người sáng lập khai gian báo cáo tài chính và hiện đã bị bắt và bỏ tù", nó giống như sét đánh ngang tai, hoàn toàn phá vỡ tia hy vọng của tôi. Và sau khi tìm hiểu kĩ càng, tôi nhận ra rằng mình thuộc nhóm người cuối cùng bước vào trò lừa đảo này, tiền đầu tư về cơ bản đã vào túi các thành viên trước đó của nền tảng.

Cuộc sống của cô bạn tôi còn tồi tệ hơn, cô ấy tin tưởng một cách mù quáng, không những số tiền đã đầu tư bị mất trắng mà còn mang tiếng xấu. Do dùng mối quan hệ cá nhân, lôi kéo hàng chục người thân, bạn bè vào đầu tư, sau khi mọi việc vỡ lở, ngày nào cũng bị bọn đòi nợ đòi tiền đến mức phải bỏ trốn. Tất nhiên, tôi cũng không thể liên lạc với cô ấy.

Một số người bị lừa đã tự phát tổ chức đến trụ sở Thượng Hải để bảo vệ quyền lợi của mình, sau khi đến địa điểm theo địa chỉ trang web chính thức thì thấy cửa kính đóng chặt, trụ sở trống trơn.

Ảo tưởng mua được nhà ở quận thì vỡ mộng, tiền mất tật mang. Cho đến cuối năm ngoái, tổng số nợ đã lên đến 300.000 NDT, vì lo lắng, không chịu nổi nên tôi đã thú nhận với gia đình. Gia cảnh tôi trung bình nên bố mẹ và chồng phải vay mượn họ hàng khắp nơi.

Tôi làm việc trong nhà hàng vào ban ngày và bán quần áo ở chợ đêm vào ban đêm. Cuối cùng trong nửa đầu năm nay, cả gia đình đã cùng nhau gom góp để trả khoản nợ tín dụng. Còn khoản nợ hơn 200.000 NDT (hơn 31.000 USD) của người thân, tôi có thể hít một hơi rồi trả dần.

Vì đầu tư vào nền tảng bất hợp pháp, uy tín và hình ảnh của tôi trước người thân và bạn bè của tôi sụt giảm nghiêm trọng, và tất cả bạn bè đều không liên lạc với tôi. Hơn một năm nay tôi sống không bằng chết, vì từ nhỏ tôi đã chú trọng thể diện nên giờ tôi luôn cảm thấy áp lực vì nợ nần chồng chất.

Trời tối, tôi chỉ bật đèn ngủ nhỏ trong phòng khách, tôi không muốn nhìn thấy ánh sáng chói. Bây giờ, tôi luôn lo sợ và lo lắng, đôi khi tôi nằm trên giường vào ban đêm và nhìn bầu trời sáng lên bên ngoài, tôi luôn tự hỏi mình trong vô thức làm thế nào mà tôi trở thành như ngày hôm nay.

Vài ngày trước, tôi trở về Bắc Kinh làm việc một mình, rốt cuộc thì lương ở các thành phố cấp một cao hơn nhiều so với quê nhỏ. Giao đồ ăn, dọn phòng, thu gom rác thải,... tôi cố gắng hết sức để kiểm soát mọi chi phí hàng tháng ở mức 2.000 NDT (khoảng 300 USD), và gửi hết phần còn lại về quê để trả nợ.

2. Bùi Đồng | 27 tuổi, bác sĩ

"Bắt đầu vay tín dụng để mua sắm đến kinh doanh, hiện tôi chỉ muốn chăm chỉ làm việc để trả nợ."

Tôi hiện đang nợ 370.000 NDT (khoảng 57.800 USD), tất cả đều là khoản vay trực tuyến.

Ở tuổi 20, tôi lao vào con đường "mua trước trả sau", sử dụng các khoản vay ngắn hạn để thỏa mãn thói mua sắm xa xỉ. Tôi đã vay tiền trên 10 nền tảng cho vay tín dụng trực tuyến với tổng số nợ gần 370.000 NDT. Khi tính toán ra con số này lần đầu tiên, tôi đã rất hoảng sợ.

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như Squid Game của một số giới trẻ Trung Quốc ảnh 3

Tổng nợ phải trả của Bùi Đồng

Tôi bắt đầu sử dụng Huabei khi còn học đại học, đúng thời điểm các ứng dụng cho vay tín dụng đang nổi lên. Vào thời điểm đó, các quán cà phê và nhà hàng đều dán quảng cáo dùng Huabei nhận lì xì lớn. Lúc đó, tôi bị ám ảnh bởi việc sử dụng Huabei để thanh toán cho tất cả các bữa ăn, và mỗi bữa ăn chỉ tốn vài nhân dân tệ.

Sau đó, trào lưu mượn quần áo, túi xách của nhau trở nên phổ biến ở các ký túc xá nữ. Vì những món đồ của tôi đã hết mốt nên không ai muốn đổi quần áo và túi xách với tôi. Nhìn thấy mấy cô bạn ở ký túc xá bàn tán sôi nổi, nhưng tôi không còn gì để nói, cảm giác cô đơn thật sự rất khó chịu.

Vì vậy, tôi đã bắt đầu vay tiền từ Huabei để mua sắm. Thời gian đầu, số tiền vay không lớn, thỉnh thoảng tôi sẽ làm việc bán thời gian để trả nợ. Những mẫu mới nhất của mùa khiến tôi được các bạn nữ trong lớp ngưỡng mộ và khen ngợi, và tôi rất sung sướng hưởng thụ cảm giác đó.

Tôi thực sự bắt đầu bị vượt quá khả năng trả nợ khi sắp tốt nghiệp. Khi đó, hầu hết các sinh viên đều rất khó xin học cao học và thường ra trường đi làm luôn. Để tổng kết thành công 4 năm đại học, ai cũng tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi tốt nghiệp. Những sinh viên giàu có chọn đi du lịch nước ngoài, và những sinh viên khó khăn về tài chính ở lại tỉnh để đi du lịch.

Vào thời điểm đó, sáu người trong ký túc xá của chúng tôi thảo luận cùng nhau đi về phía bắc từ Vân Nam đến Trùng Khánh, toàn bộ hành trình mất khoảng nửa tháng và chi phí tối thiểu là 8.000 NDT (khoảng 1200 USD). Nhưng bố mẹ tôi chỉ tài trợ cho tôi 2.000 NDT (khoảng 300 USD). Tôi không muốn từ bỏ chuyến đi tốt nghiệp của mình nên đã rút 8.000 NDT thông qua nền tảng cho vay trực tuyến. Tôi nghĩ mình sẽ có thu nhập ổn định sau khi đi làm và dễ dàng trả nợ.

Vì vậy, với 10.000 NDT (khoảng 1560 USD), tôi đã tận hưởng cảm giác lần đầu tiên trong đời được ngồi máy bay và niềm vui khi đi du lịch cùng bạn bè.

Tôi làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Trịnh Châu sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khoa của tôi thường rất ít bệnh nhân và không liên quan đến phẫu thuật và các hạng mục quan trọng nên lương không cao. Lương của một bác sĩ với tấm bằng cử nhân như tôi quả là ít đến đáng thương. Mức lương đầu tiên sau khi tốt nghiệp chỉ là 2.000 NDT (khoảng 310 USD).

Ngoài ra, mặc dù ở chung nhà với hai người bạn cùng phòng nhưng tôi vẫn phải trả 1.200 NDT tiền thuê nhà một tháng, nên tôi phải mất cả năm mới giải quyết được 8.000 NDT cho chuyến tốt nghiệp.

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như Squid Game của một số giới trẻ Trung Quốc ảnh 4

Kinh doanh quần áo thất bại khiến Bùi Đồng nợ tín dụng hơn 370.000 NDT. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa). Nguồn: QQ

Lúc đó, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc kinh doanh phụ. Tình cờ, một người bạn học mỹ thuật, thiết kế rủ tôi mở cửa hàng quần áo nữ. Thị trường cửa hàng quần áo hồi đó khá tốt, tôi đến từng sạp hàng ở Hàng Châu và Quảng Châu để mua hàng.

Công việc kinh doanh phụ mang lại cho tôi lợi nhuận khủng nhưng và cũng là khởi đầu của nợ nần. Tôi đã chi khoảng 100.000 NDT, số tiền này tôi có được nhờ vay mượn người thân và nền tảng tín dụng cho vay trực tuyến.

Đến đầu năm 2018, tôi có một khoản tiền gửi trong tay là 40.000 NDT (khoảng 6200 USD), nhưng lúc đó tổng số tiền vay của tôi là khoảng 120.000 NDT (khoảng 19.000 USD). Do việc trả nợ được thực hiện tự động với từng nền tảng nên tôi hầu như không bao giờ xem chi tiết tài khoản.

Khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2019, tôi phải đóng cửa 4 cửa hàng ở Trịnh Châu, lúc đó đang là mùa cao điểm bán quần áo, tất cả hàng hóa trong cửa hàng đều ế ẩm, không bán được. Sau khi hết giãn cách, tôi đã thu hồi hơn 30.000 NDT tiền gốc nhờ thanh lý hàng và dùng số tiền trả nợ.

Tại thời điểm này, các khoản nợ của tôi bắt đầu rối tung lên. Dịch lại tái phát, không dám mở tiệm nữa, không lương làm thêm giờ, thu nhập tụt dốc thảm hại. Tôi đã phải sử dụng các khoản vay trực tuyến trên các nền tảng mới để trả nợ chéo.

Lúc này tôi mới biết rằng mình đã sử dụng hết khoản tín dụng của 10 nền tảng cho vay trực tuyến. Và điều khiến bản thân hoàn toàn tỉnh táo là lãi suất cao ngất ngưởng, số dư đến hạn là khoảng 350.000 NDT, ít nhất 200.000 NDT là tiền lãi.

Hiện tại, tôi đã chuyển nhượng cửa hàng và đàm phán các vấn đề trả nợ với nhiều nền tảng cho vay trực tuyến khác nhau.

Có thể khả năng chống chọi với căng thẳng của tôi tốt hơn, hoặc có thể công việc chính của bác sĩ đảm bảo rằng tôi sẽ không thất nghiệp. Sự lo lắng, mất ngủ và những cảm xúc tiêu cực của những người mắc nợ khác không thuộc về tôi. Bây giờ tôi chỉ muốn kiếm tiền để trả nợ tín dụng.

Đã lâu rồi tôi không mua quần áo mới, cũng không gọi đồ bên ngoài, cứ lâu lâu lại đi mua đồ đông lạnh. Thậm chí, tôi tạm ngưng sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào và chỉ rửa mặt bằng sữa rửa mặt mỗi ngày.

Vài ngày trước, tôi đã đăng ký một khóa đào tạo viết "kịch bản sát" và muốn kiếm một số tiền từ công việc ngoài lề này. "Kịch bản sát" năm nay tương đối hot, nhu cầu kịch bản trên thị trường cũng tương đối lớn. Thời gian tới, tôi chỉ mong có thể mở rộng tăng thêm thu nhập, phấn đấu ba năm nữa sẽ thoát khỏi thân phận "con nợ".

3. Trương Sài Vi | 29 tuổi, nhà thiết kế

"Do khoản nợ tín dụng chi tiêu trước trả sau là 80.000 NDT, sau 6 năm tốt nghiệp tôi mới bắt đầu tiết kiệm tiền."

Bây giờ tôi mới hiểu rằng trong trường hợp không có khả năng trả nợ, mua trước trả sau là vô cùng ngu ngốc.

Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế năm 2015, nhưng công việc đầu tiên của tôi không suôn sẻ. Bởi vì nghề của chúng tôi rất phổ biến, không dễ tìm được việc làm. Tôi bước vào một công ty nhỏ, mặc dù là người mới nhưng tôi không có người dẫn dắt và cũng không được đào tạo bài bản, một cách có hệ thống.

Vì quá chán nản và không có chí tiến thủ, một năm sau, tôi bỏ việc, về quê.

Trong khoảng thời gian thất nghiệp, bố mẹ đã thuyết phục tôi đi thi tuyển công chức, vì vậy tôi dành hầu hết thời gian chuẩn bị cho các môn thi của vòng thi tuyển công chức. Con gái sinh ra đã có trái tim yêu cái đẹp hình thức. Trong thời gian ôn thi, để loại bỏ nốt ruồi, tôi đã phẫu thuật laser, 4800 NDT một lần (khoảng 750 USD), chẳng mấy chốc đã tiêu hết 5000 NDT dành dụm được. Vào thời điểm đó, Huabei và các ứng dụng cho vay tín dụng nhanh chóng đã mở ra cánh cửa đến một thế giới mới, và tôi bắt đầu lao vào con đường mua trước trả sau.

Mua trước trả sau, vay tiền online, và nợ nần y như Squid Game của một số giới trẻ Trung Quốc ảnh 5
Trương Sài Vi trở thành "con nợ" của các nền tảng cho vay tín dụng vì phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: QQ

Lần đầu tiên tôi mua trả góp chiếc iPad và chỉ cần trả 500 NDT một tháng. Bị lóa mắt bởi sự hấp dẫn của việc mua trước trả sau, tôi đã nghiện lối mua sắm này, không thể kìm chế được bản thân, bắt đầu mua điện thoại di động và máy tính của Apple, rồi tôi sử dụng các khoản vay để thỏa mãn bản thân.

Không hiểu rõ trách nhiệm với các khoản nợ, tôi làm bạn với nợ nần và không cảm thấy áp lực (giờ tôi thực sự muốn tát vào má mình).

Sau 6 tháng chuẩn bị cho kỳ kiểm tra, tôi đã ứng tuyển thành công vào một trường công lập, nhưng mức lương hàng tháng 3.000 NDT mang lại chất lượng cuộc sống không cao bằng công việc đầu tiên của tôi. Sau đó, tôi bỏ việc mà không nói với bố mẹ và đến Thượng Hải một lần nữa.

Vì ở nhà, xa cách xã hội quá lâu, công việc trước kia không ai dẫn dắt, kết quả học đại học cũng không tốt, nay trở về Thượng Hải, tôi cũng nghi ngờ khả năng làm việc bản thân.

Tôi đã từng chịu rất nhiều áp lực và không ngăn được bản thân sử dụng Huabei để tiêu xài. Bởi vì tiêu tiền luôn giúp bản thân tránh xa những lo lắng của thế giới thực trong một thời gian ngắn, thời điểm tiêu tiền, những cảm xúc tiêu cực dường như bị loại bỏ.

Vào thời điểm đó, bạn trai cũ của tôi thường nói rằng tôi có nếp nhăn trên mắt và trông tôi già đi. Để thay đổi bản thân, tôi đã bỏ ra hơn 10.000 NDT để làm đẹp. Tuy nhiên, công cuộc làm đẹp đó kết quả không những chẳng đi đến đâu mà còn khiến tôi gánh khoản nợ 80.000 NDT (khoảng 12.500 USD). Đến nay gia đình tôi vẫn chưa biết chuyện.

Lúc này, tôi bắt đầu sử dụng cách vay mượn tín dụng để xoay nợ, nếu thực sự không có chỗ để vay tiền, tôi sẽ vay một đồng nghiệp. Vào thời điểm đó, tôi vẫn chưa cảm nhận được sự kinh hoàng của việc vay tín dụng.

Cho đến cuối năm ngoái, một đoạn video đã đánh thức tôi, tôi nhận thức được áp lực của nợ nần và quyết định dừng hành vi tiêu xài một cách ngu ngốc.

Tôi đã ngừng mua các thiết bị làm đẹp, sản phẩm chăm sóc da không cần thiết, và quần áo, đồng thời cắt giảm chi phí ăn uống hàng tháng từ 1.500 NDT (khoảng 230 USD) xuống còn dưới 900 NDT (khoảng 140 USD) bằng cách tự nấu ăn.

Trước đây, tôi không biết củi, gạo, dầu, muối đắt đỏ, bây giờ tôi đã từ một cô gái luôn tiêu hơn 10.000 NDT một tháng thành một cô gái chỉ tiêu hơn 4.000 NDT một tháng. Nếu tính thêm khoản thưởng cuối năm sắp tới, tôi sẽ sớm hoàn trả khoản vay 80.000 NDT của mình.

Mua trước trả sau thực sự là một cái bẫy tiêu dùng rất lớn. Tôi đã từng ngốc nghếch biết bao, tôi luôn cảm thấy rằng để là một người phụ nữ tinh tế, tôi phải đối xử tốt với bản thân mình. Mong mọi người lấy tôi làm gương, kiểm soát tiêu dùng và cảnh giác với bẫy của tín dụng tiêu dùng.

Theo QQ

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại