Mua dự trữ hơn 100.000 tấn xăng giá rẻ, Vietjet giảm thiệt hại
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể nói ngành hàng không 'đóng băng'. Để vượt qua khó khăn Vietjet đã thực hiện những phương án hữu hiệu.
Vietjet tự "cứu" mình
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 10.970 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kì năm ngoái; lỗ từ hoạt động vận tải hàng không 1.440 tỉ đồng.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết, đây là lần đầu tiên Vietjet lỗ vận tải hàng không trong 9 năm hoạt động, kể từ tháng 12/2011. Câu hỏi đặt ra là Vietjet đã làm gì để vượt qua cao điểm đại dịch với thiệt hại thấp như vậy?
Hãng hàng không Vietjet.
Qua tìm hiểu thì có thể thấy thành công của Vietjet đến từ mấy nguyên nhân chính gồm: Thứ nhất, hãng hàng không cho phí thấp này tiếp tục cắt giảm chi phí đến 55% trong 6 tháng đầu năm.
Điển hình là giãn, hoãn nợ, giảm lãi với các đối tác là ngân hàng, đơn vị cho thuê máy bay; giảm lương từ 50-70% của lãnh đạo quản lý nhưng không giảm lương của lao động có mức lương 'Top dưới' của hãng để tránh tác động xấu đến thu nhập, đời sống của các nhân viên này.
Đặc biệt, hãng hàng không có doanh thu phụ trợ tốt thứ 12 trên thế giới trong các hãng hàng không này rất nhanh nhạy trong kinh doanh và tối ưu hóa chi phí. Ngành hàng không trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến giá xăng thế giới chạm đáy ở mức 25 USD/ thùng.
"Do vậy Vietjet đã mua trữ trên 100.000 tấn vào thời điểm đó, giúp hỗ trợ giảm chi phí. Nhiên liệu chiếm tới hơn 50% tổng số chi phí, do vậy việc dự trữ này có ý nghĩa rất lớn với Vietjet", nữ Phó Tổng Giám đốc cho hay.
Đáng chú ý, chương trình tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng giúp Vietjet có thêm doanh thu giữa bối cảnh thiếu vắng hành khách. Vietjet là hãng đầu tiên được cấp phép chở hàng hóa trên khoang khách trong dịch Covid 19. Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác 300 chuyến bay chuyên chở hàng hóa, tận dụng tối đa năng lực đội bay.
Thứ hai là Vietjet đã phải chuyển nhượng bất động sản và các dự án đầu tư tài chính đã tích lũy trong nhiều năm qua để bù đắp dòng tiền thiếu hụt và duy trì hoạt động kinh doanh chính là hàng không.
"Nếu chúng tôi nắm giữ thì sẽ mang lại lợi ích trong tương lai, nhưng chúng tôi cũng đã phải chuyển nhượng trong thời gian COVID-19 hoành hành để tập trung nguồn vốn cho vận tải hàng không", lãnh đạo Vietjet cho biết.
Cungfvowis đó, Vietjet đa dạng hóa, tăng doanh thu phụ trợ; tung ra gói Powerpass và những chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn…
Vấn đề bảo vệ sức khỏe cho cán bộ nhân viên và hành khách cũng được Vietjet đặc biệt quan tâm. Cán bộ công nhân viên của Vietjet tại tất cả các đầu cảng quốc tế và Việt Nam đều phải thực thi quy định, quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt ngay từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán . Nhờ vậy mà hãng hàng không này đã đảm bảo an toàn hoạt động tuyệt đối, đến nay không có khách hàng hay nhân viên hàng không nào của Vietjet bị dương tính Covid 19.
Vietjet đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi.
Đường bay quốc tế mở lại
Được biết, gần đây Chính phủ đã đồng ý việc mở lại đường bay tới một số nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, … Vietjet và các hãng hàng không khác đã lần lượt công bố kế hoạch bay quốc tế trở lại vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Về việc mở lại đường bay quốc tế, bà Phương nhận định: "Việc mở lại các đường bay quốc tế có ý nghĩa rất lớn vì chiến lược phát triển của Vietjet là trở thành một hãng hàng không đa quốc gia".
Trong những năm qua khi chưa có Covid-19, vận tải hàng không quốc tế đóng góp 50% tổng doanh thu của Vietjet. Vậy nên khi mở lại đường bay nước ngoài, Vietjet sẽ có cơ hội tăng được doanh thu, mang lại công ăn việc làm ổn định cho 6.000 người lao động công ty. Ngành hàng không nói chung cũng tăng trưởng được doanh thu và mang lại công ăn việc làm cho hơn 30.000 người lao động.
Theo bà Phương, đối với kinh tế đất nước thì việc bay quốc tế sẽ mang lại ngoại tệ cho đất nước, tăng đầu tư, giao thương, phát triển kinh tế cũng như du lịch và giải quyết nhu cầu đi lại giữa các quốc gia. Theo một số chuyên gia về kinh tế, ngành hàng không tăng trưởng từ 2 đến 2,5% sẽ kích thích GDP tăng trưởng khoảng 1% Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của hàng không trong nền kinh tế nói chung.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 vào chiều 18/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Ấn Độ. Vì vậy, nguy cơ dịch Covid-19 luôn thường trực.
Do vậy, Thủ tướng lưu ý các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. "Đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại câu chuyện 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam, Thủ tướng cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép.
"Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt "Thông điệp 5K" và áp dụng các chế tài xử phạt các vi phạm trong phòng chống dịch, đặc biệt là biện pháp đeo khẩu trang ở nơi đông người, phương tiện giao thông công cộng. Tiếp tục thực hiện phương châm không tập trung đông người khi không cần thiết, nhất là các lễ hội", Thủ tướng nêu rõ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào nước ta đầu tư, làm việc với yêu cầu phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, lưu trú, triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự…
Về việc mở một số đường bay quốc tế, Thủ tướng lưu ý, mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách ly…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
"Cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng tình với việc mở bay quốc tế của Chính phủ, nhiều chuyên gia đề nghị tăng hiệu quả kiểm soát dịch, mở bay nhiều chuyến và tuyến quốc tế hơn để tận dụng cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận