Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Sôi động thông tin chia cổ tức, nới room ngoại
Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay đến sớm hơn năm ngoái. Nhà đầu tư ngoài quan tâm cổ tức, còn quan tâm các thông tin nới room ngoại, tăng vốn, chỉ tiêu kinh doanh, nợ xấu,...
Chia cổ tức cao, tăng mạnh vốn
Để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn quốc tế Basel II, Basel III, các ngân hàng đang lên kế hoạch đẩy mạnh tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là phương thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích các nhà băng nhằm nâng cao tiềm lực vốn.
Mới đây, Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) và BIDV (mã BID) được thông qua kế hoạch chia cổ tức. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 2 tỷ cổ phiếu VCB và BID sắp được tung ra thị trường.
Cụ thể, Vietcombank phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành trong năm 2022. Sau phát hành thành công, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú cho hay, Ngân hàng dự kiến vốn tăng thêm được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, nâng quản trị rủi ro... Bên cạnh đó, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, bán lẻ...
Hiện các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV (40.220 tỷ đồng). Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ còn thay đổi đáng kể sau khi BIDV, Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn nêu trên.
Đáng chú ý, thời gian tới, Vietcombank còn có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Tương tự, BIDV sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Ngoài ra, các ngân hàng ACB, MB, MSB, OCB có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2022, nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Mở room ngoại
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, lợi nhuận trước thuế của MSB năm 2021 đạt 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm trước, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nằm trong top 3 thị trường. Lãnh đạo Ngân hàng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch liên quan tăng vốn sẽ được MSB xin Đại hội đồng cổ đông thông qua và triển khai trong năm 2022. Theo đó, Ngân hàng hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể.
Theo ông Linh, MSB đặt mục tiêu 2022 đạt quy mô tài sản 233.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của NHNN, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tiết lộ về tham vọng tăng trưởng trong 5 năm tiếp theo (2022 - 2026), với mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận tối thiểu 30%/năm, đưa lợi nhuận Ngân hàng vượt mốc tỷ USD. Cùng với đó, VIB đặt mục tiêu tăng vốn hóa gấp 5 lần, từ khoảng 3,2 tỷ USD năm 2021, lên 14 tỷ USD vào năm 2026. Ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ, ngân hàng số, đưa số lượng khách hàng lên gấp 3 lần so với hiện tại, từ 3,8 triệu khách năm 2021, lên 10 triệu khách hàng.
Nhiều nhà băng còn nới room ngoại, thu hút nhà đầu tư tăng mạnh vốn trong năm 2022. VPBank vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank được thị trường quan tâm, với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho giá cổ phiếu VPB. Đối tác ngoại được đồn đoán là Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui.
Hiện room ngoại tại OCB còn 10%, lãnh đạo ngân hàng này cho hay, đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%. Vấn đề quan trọng là về giá, nếu hai bên thống nhất được, sẽ hoàn tất sớm thương vụ này trong nửa đầu năm 2022. Trước đó, OCB bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora (AOZ) vào giữa năm 2020, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.
Tương tự, Sacombank sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022.
Không chỉ cổ tức, trong mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm 2022, thị trường, nhà đầu tư còn quan tâm về nợ xấu, nhất là các khoản tái cơ cấu ảnh hưởng dịch kết thúc giữa năm.
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt để hạ thêm lãi suất cho vay. Các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận